Khi mâu thuẫn xã hội bị khoét sâu

Tính tới nay, trong cuộc bạo loạn ở Pháp, đã có gần 4.000 người bị bắt, trong đó có 1.200 trẻ vị thành niên. Bạo loạn bùng phát tại Pháp sau khi Nahel M., 17 tuổi, bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết ngày 27/6 ở ngoại ô Paris. Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng Pháp đã qua đỉnh tình trạng bạo loạn nhưng vẫn kêu gọi giới chức nước này cần thận trọng.

Lính cứu hỏa dập đám cháy do bạo loạn ở ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: Reuters.

Lính cứu hỏa dập đám cháy do bạo loạn ở ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: Reuters.

Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn và cướp bóc, khiến giới chức Pháp triển khai thiết giáp cùng 45.000 cảnh sát trên toàn quốc để ứng phó. Chính quyền nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại khi mà hàng nghìn cửa hàng bị phá hoại, hôi của, nhiều ô tô bị đốt cháy. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, chính phủ có thể cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng được hoãn nộp thuế và an sinh xã hội trong quá trình tái thiết.

"Họ phá hủy mọi thứ" - Alexander Manchon, nhân viên một cửa hàng bán thuốc lá ở thành phố miền Nam Marseille, nói. "Chúng tôi không gây ra điều gì cả. Chúng tôi chỉ là những người lao động dậy đi làm mỗi sáng để nuôi con và gia đình. Nhưng những người lợi dụng cuộc bạo loạn đã cướp phá tài sản của chúng tôi".

Bạo loạn đã khiến các thị trưởng trên khắp nước Pháp phải hành động bằng cách tổ chức tuần hành. Truyền thông châu Âu cho rằng, các thị trưởng đã đưa ra “lời kêu gọi bất thường” huy động người dân giúp lập lại trật tự. Trong khi đó, bà ngoại của nạn nhân Nahel M. kêu gọi những kẻ bạo loạn dừng lại, lên án họ sử dụng cái chết của cháu bà như “cái cớ” để vi phạm pháp luật, cướp bóc, hôi của. "Tôi nói với những người đang đập phá đồ đạc, hãy dừng lại. Đừng đập cửa sổ, đừng đập phá trường học, đừng đập phá xe buýt. Dừng lại đi, có những bà mẹ trên xe buýt, có những bà mẹ đang đi bộ bên ngoài” - bà Nadia nói.

Đáng chú ý, trong một cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo loạn, Tổng thống Pháp đã cho rằng các nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử đã góp phần thổi bùng bạo loạn trên khắp đất nước. Chính phủ Pháp cũng đã triệu tập đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội chính như Meta, Twitter, Snapchat, TikTok... yêu cầu họ cam kết tích cực thu hồi những tin nhắn được báo cáo và xác định người sử dụng mạng xã hội tham gia thực hiện tội phạm.

Rồi đây nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn sẽ được làm rõ, nhưng người Pháp rất đau lòng khi mâu thuẫn xã hội đã bị khoét sâu. Làn sóng bạo lực đôi khi chỉ bắt đầu từ một vụ việc đơn lẻ nhưng nó lại được thổi bùng bởi những kẻ giấu mặt muốn tạo ra sự bất an. Từ đó, xuất hiện những kẻ quá khích, lợi dụng tình thế để cướp bóc.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-mau-thuan-xa-hoi-bi-khoet-sau-5722630.html