Khi môi giới bất động sản bị ép 'cắt máu'

Khi thị trường bất động sản trầm lắng, ít giao dịch, nghề môi giới cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người mua yêu cầu môi giới phải 'cắt máu', trích lại một phần hoa hồng mới đồng ý ký hợp đồng mua bán ngày càng nhiều.

Xót xa bị ép giảm tiền hoa hồng

Chị Thanh Thu, một môi giới kỳ cựu hơn 10 năm kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ: Khi gặp khách, dù nắng mưa chị vẫn dẫn đi xem nhà 4 - 5 lần, tư vấn đủ thứ, cung cấp mọi thông tin theo yêu cầu. Đến khi ưng ý, khách lại quay ra mặc cả phải trích lại 50 triệu đồng từ hoa hồng thì mới đặt cọc.

Tình trạng môi giới bất động sản bị đề nghị “cắt máu” ngày càng nhiều (ảnh minh họa).

Tình trạng môi giới bất động sản bị đề nghị “cắt máu” ngày càng nhiều (ảnh minh họa).

"Nếu tôi không đồng ý, họ quay lưng, tìm môi giới khác. Còn nếu tôi đồng ý thì coi như "cắt máu", điều mà không một môi giới nào muốn làm. Nhưng nhiều khi do cạnh tranh khốc liệt mà vẫn có người chấp nhận để tồn tại", chị Thu cho hay.

Theo chị Thu, không chỉ là con số vài chục triệu đồng, trong những giao dịch nhà phố, biệt thự hay căn hộ cao cấp, khoản "cắt máu" có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, khoản hoa hồng mà môi giới nhận được thường phải chia lại cho sàn giao dịch, đồng nghiệp, nộp thuế... nên phần thực nhận không còn bao nhiêu.

Một ví dụ khác lan truyền trong giới bất động sản được anh Nguyễn Nam kể lại: Khách mua căn nhà 20 tỷ đồng, yêu cầu môi giới cắt 380 triệu đồng từ hoa hồng. Sales A từ chối vì nói lỗ thuế, khách quay sang sales B và người này chấp nhận giảm 350 triệu đồng.

"Một câu chuyện không còn xa lạ, nhưng sau mỗi lần như vậy, tôi lại thấy đau hơn vui, nhất là với những người làm nghề chân chính. Đó không khác gì việc môi giới tự phá nát niềm tin của chính mình", anh Nam bộc bạch.

Theo anh, "cắt máu" không chỉ là mất tiền. Đó là khi công sức, kiến thức, thời gian, những buổi tối chạy xe ngoài đường để tìm nhà, những bản phân tích so sánh giá, những kỹ năng đàm phán, tất cả bị quy đổi thành một con số mặc cả "lạnh lùng".

"Một lần mặc cả là một lần đánh mất sự tôn trọng. "Cắt máu" không giết sales ngay lập tức, nhưng nó từ từ rút cạn động lực, làm mục ruỗng nền móng chuyên nghiệp của thị trường. Mỗi lần bị ép giảm hoa hồng, tôi tự hỏi mình đang làm nghề hay đang phải đánh đổi? Nhưng nhiều người vẫn cắn răng chấp nhận", anh Nam cay đắng nói.

Lợi ít, hại nhiều?

Theo anh Trần Minh, chuyên gia marketing bất động sản, khi mua bất động sản, mỗi người lại có mục đích khác nhau, người mua để ở, người mua để giữ tiền, người thì mua để đầu tư… Nhưng đã mua bất động sản thì giá trị thấp nhất cũng là tiền tỷ.

"Khi người mua bất động sản muốn được bớt tiền, khả năng họ bị thua thiệt nhiều hơn được. Vì để bán được nhà, môi giới còn sẵn sàng "cắt máu" chính mình... họ không có lý gì lại không tư vấn những bất động sản không phù hợp cho khách, để bù vào phần "máu" đã "cắt".

Và khi đã "cắt máu" thì việc tư vấn hoàn thiện thủ tục sau khi khách hàng mua sẽ không được tốt, việc hỗ trợ sẽ không được làm đầy đủ. Lúc đó, chính người mua phải chịu thua thiệt đủ đường", anh Nam nói và kể, từng chứng kiến nhiều khách hàng chỉ vì tham rẻ, mua của các đại lý "cắt máu" sau một thời gian thì bị ngó lơ, tự mình làm mọi thủ tục mua bán, cho thuê hay gặp những tình huống phát sinh không đáng có sau khi về ở.

"Hãy nghĩ đến cảm giác của những người môi giới chân chính. Họ mất bao nhiêu tiền chi phí truyền thông, tâm huyết tư vấn khách hàng, mời khách đến sàn, chăm sóc tư vấn, bỏ thời gian công sức và hy sinh nhiều thứ khác nữa, mới có thể có dịch vụ tốt cho người mua nhà. Vì thế, khách hàng đừng nên "tham bát bỏ mâm", anh Minh chia sẻ.

Nghề nào cũng cần được tôn trọng

Theo các chuyên gia bất động sản, tại những thị trường phát triển như Mỹ, phí môi giới trung bình 5 - 6% giá trị giao dịch. Một căn nhà 1 triệu USD, phí môi giới cũng lên đến 50 - 60 nghìn USD.

Nghề môi giới bất động sản cần được tôn trọng bởi công sức mà họ đã bỏ ra.

Nghề môi giới bất động sản cần được tôn trọng bởi công sức mà họ đã bỏ ra.

Tuy nhiên, khách không mặc cả bởi họ hiểu, đằng sau mỗi môi giới là hệ thống đào tạo bài bản, là giấy phép hành nghề, là bảo hiểm rủi ro, là thông tin thị trường minh bạch tuyệt đối.

Người môi giới không chỉ dẫn khách đi xem nhà, họ tư vấn tài chính, định giá, xây dựng chiến lược giao dịch như một cố vấn chuyên nghiệp. Khách hàng trả tiền cho giá trị thật, chứ không trả tiền cho sự dẫn dắt mò mẫm.

"Người môi giới chân chính cũng cần được sống, làm nghề và cần được tôn trọng. Nếu muốn có một thị trường văn minh hơn, xin hãy bắt đầu từ việc tôn trọng công sức của những người làm nghề môi giới bất động sản", anh Nguyễn Quang, một môi giới chia sẻ.

Anh Trần Vĩnh Phi Long, Giám đốc khu vực ERA Việt Nam nêu quan điểm: Sale bất động sản giỏi trong tương lai không phải là người chốt nhanh nhất, mà là người được khách hàng nhắc tên đầu tiên khi cần mua bán. Nghề này sẽ còn cạnh tranh, nhưng không cần phải "giành giật" để tồn tại.

"Môi giới chỉ cần xây dựng cho mình một hình ảnh uy tín, cách làm có tâm, chiến lược chăm sóc khách hàng dài hạn, rồi doanh số sẽ đến một cách tự nhiên, chứ không phải để khách một đi không trở lại", anh Long cho hay.

Ninh Nhi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/khi-moi-gioi-bat-dong-san-bi-ep-cat-mau-19225070123540297.htm