Khi nào bằng kỹ sư tương đương thạc sĩ?

Muốn xác định bằng kỹ sư, bác sĩ có tương đương với thạc sĩ phải xem xét rất nhiều tiêu chuẩn, không chỉ dựa vào khối lượng học tập, số tín chỉ hay số năm học mà định lượng được.

Tại hội nghị triển khai Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại diện nhiều đại học băn khoăn về một số nội dung liên quan đến việc công nhận bằng cử nhân, kỹ sư, bác sĩ trong quy định mới sẽ phân chia ra sao?.

Bằng kỹ sư có tương đương thạc sĩ?

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM đưa ra quan điểm về đào tạo kỹ sư ở các trường đại học theo Nghị định 99 và Luật số 34, ngoài việc quy định thời lượng đào tạo thêm 30 tín chỉ, thì cần phải đạt chuẩn đầu ra riêng, quy định chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy mới đạt được chất lượng thực sự.

Rất cần cơ quan quản lý có quy định chuẩn để phân biệt trình độ kỹ sư khác với cử nhân. Người có bằng cấp kỹ sư liệu có được cơ quan quản lý công nhận cao hơn các văn bằng đại học khác không, ví dụ xếp lương bổng. Hoặc người có bằng kỹ sư có thể tham gia vào đào tạo trình độ cử nhân không?”, PGS Phúc hỏi.

Đại diện nhiều trường cũng băn khoăn, theo Nghị định 99 ghi, văn bằng một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm: bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM.

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM.

Điều 14 của Nghị định quy định, trình độ đào tạo với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù là trình độ của người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù sau:

Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên với người tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;

Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên với người có trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Đại diện các trường đặt câu hỏi, liệu với những chương trình đào tạo đại học đặc thù kéo dài 5- 6 năm, khi tốt nghiệp người học được cấp bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư... có thể sắp tới các văn bằng này sẽ có trình độ tương đương bậc 7, là trình độ của người có bằng thạc sĩ được hay không?.

Đại diện Bộ GD&ĐT nói gì?

Giải đáp những băn khoăn trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) giải thích, Nghị định 99 đưa ra quy định có tính nguyên tắc (tại khoản 2 điều 14): Căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Do đó, muốn xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn được quy định nêu trên, chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy định đơn giản tính số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.

Đồng thời, năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo ở các mức trình độ của giáo dục đại học. Chuẩn chương trình này gồm: chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác (ví dụ như chuẩn về phát triển chương trình, chuẩn điều kiện thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá)...

Bà Nguyễn Thị KIm Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị KIm Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

Mỗi trình độ đều có chuẩn riêng, những chuẩn này không phải đợi đến khi ban hành thông tư mới có hay chưa bao giờ có, mà thực tế, các chuẩn cơ bản đã có rồi nhưng chưa được tập hợp đầy đủ trong một văn bản. Ví dụ chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập, chuẩn đầu ra đã có trong Khung trình độ quốc gia, chuẩn giảng viên có trong Luật giáo dục đại học...

Bác sĩ, kỹ sư dược sĩ, kiến trúc sư… có được coi là tương đương thạc sĩ hay không còn phải căn cứ vào thực tế chương trình đào tạo chuyên sâu ở mỗi trường và chuẩn chương trình của trình độ thạc sĩ. Nhưng chắc chắn một điều, bằng bác sĩ, kỹ sư theo đúng chuẩn tại Nghị định này sẽ khác với bằng cử nhân” – bà Phụng nhấn mạnh.

Tuy nhiên nhiều người băn khoăn với người có văn bằng này trước đây có được bỏ qua giai đoạn thạc sĩ để học thẳng lên nghiên cứu sinh hay không?.

Bà Phụng cho biết, việc có được học thẳng lên nghiên cứu sinh hay không còn phụ thuộc vào quy định về tuyển sinh đầu vào trình độ tiến sĩ sau này. Tuy nhiên, rất ít văn bản có đủ cơ sở để quy định chính sách “hồi tố”.

Nhìn chung, công nhận đủ điều kiện hay áp dụng liên thông đều cần phải có nguyên tắc chung để xem xét với những trường hợp cụ thể chứ không chỉ dựa vào tên gọi của bằng cấp hay số lượng tín chỉ.

Nếu trường cấp bằng kỹ sư nhưng chương trình đào tạo không khác cử nhân, chỉ ở mức 120 tín chỉ hoặc trên chuẩn tối thiểu của chương trình cử nhân, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra… không đảm bảo thì không thể nói người có bằng kỹ sư đó đủ điều kiện đầu vào tiến sĩ, Vụ trưởng giải thích thêm.

Minh Khôi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/khi-nao-bang-ky-su-tuong-duong-thac-si-ar520995.html