Khi nào bảo hiểm y tế mới chi trả đầy đủ cho ghép tạng?
Mỗi năm, Việt Nam thực hiện 1.000 ca ghép tạng, cao nhất Đông Nam Á. Ghép tạng hiện đang được bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ trả một phần, nhưng chưa đầy đủ, vì thế, rất nhiều người có nhu cầu ghép tạng lo lắng bất lực vì không có tiền, khi chi phí cho 1 ca ghép tim, ghép gan khoảng hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng, hơn 2 tỷ đồng cho 1 ca ghép phổi… Để ghép tạng thực hiện đúng như mục tiêu là nhân đạo và công bằng, để người nghèo cũng được ghép tạng thì BHYT cần được chi trả đầy đủ cho ghép tạng, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng mua bán tạng.
Chi phí ghép tạng lớn, người nghèo khó kham nổi
Được đưa vào cấp cứu trong tình trạng run tay, vàng da, mệt mỏi, ông Phạm Văn Hưng (59 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán xơ gan rất nặng, tiền hôn mê gan, suy gan do nhiễm virus viêm gan B. Ông Hưng được hội chẩn và các bác sĩ đã tính đến phương án ghép gan để cứu tính mạng cho ông.
Bà Phạm Thị Bình (vợ ông Hưng) chia sẻ: “Nghe tin chồng tôi phải ghép gan tôi rất rối bời bởi gia đình dù vay mượn cũng không đủ tiền. Tôi tìm hiểu ở một số bệnh viện, 1 ca ghép gan hết hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng, số tiền quá lớn. Cuối cùng, gia đình tôi đành phải chấp nhận phương án bán nhà thì mới có tiền để ghép”.

Nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí, cháu bé 14 tuổi hồi sinh sự sống sau ghép tim.
Không phải người bệnh nghèo nào bán nhà cũng đủ tiền để trang trải cho 1 ca ghép tạng. Nhiều người bệnh nghèo ở nông thôn, miền núi, dù có bán cả gia sản cũng không đủ tiền cho 1 ca ghép tạng như tim, gan, phổi. Cách đây vài năm, một trường hợp bị suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn ở Thanh Hóa (anh N.Q.T, 33 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Việt Đức) vì không có tiền ghép tim mà suýt chút nữa phải từ bỏ cơ hội sống sót duy nhất.
Khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước là Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) đã rất trăn trở giữa ranh giới “ghép hay không ghép” cho nam bệnh nhân. Ông tâm sự, nếu không ghép thì bệnh nhân sẽ chết, cậu ấy đã chờ đợi cơ hội sống rất lâu rồi, đến bây giờ mới có trái tim phù hợp với mình. Vì vậy, các bác sĩ đã rất “cân não” bởi đây là cơ hội “ngàn năm có một” của bệnh nhân, nếu chỉ vì không có tiền mà bệnh nhân mất đi sự sống thì vô cùng đáng tiếc.
Và để tiếp tục chờ đợi tìm được quả tim thứ hai phù hợp có lẽ bệnh nhân không còn cơ hội nữa. Tình huống buộc ông phải đưa ra quyết định nhanh chóng, đó là nhờ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện kêu gọi các cơ quan truyền thông, các mạnh thường quân, cá nhân hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ. Thật kỳ diệu, sau nhiều nỗ lực kêu gọi, nhiều tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ đủ kinh phí ghép tạng. Ca ghép thành công, nam bệnh nhân được cứu sống và hồi sinh ngoạn mục.
TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện nay, số lượng bệnh nhân suy tạng đăng ký được ghép lên đến hàng nghìn người, trong đó có nhiều bệnh nhân là người nghèo. Trong khi chi phí cho một ca ghép tạng từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Khi người chết não hiến tạng mà có tạng phù hợp với chỉ số của bệnh nhân, các bác sĩ của ê kíp phẫu thuật nhiều lần gọi hỏi ý kiến lãnh đạo bệnh viện là có thực hiện ghép không. Nhưng luôn có câu trả lời là “vẫn ghép”.
Nếu thiếu tiền thì bằng mọi cách huy động sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, trích từ quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện chứ không thể vì hoàn cảnh kinh tế mà để bệnh nhân chết. Có bệnh nhân bệnh viện giảm chi phí từ 600 -700 triệu để họ được ghép tạng. “Phía sau họ còn là vợ con, gia đình, hơn bao giờ hết, y tế là ngành đảm bảo an sinh xã hội nên không đặt nặng vấn đề tiền nong trong những trường hợp này được”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.
Đảm bảo công bằng trong ghép tạng
Theo TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trên thế giới, người ghép tạng được BHYT thanh toán khoảng 80%, còn 20% người bệnh tự chi trả như ở Mỹ, Nhật, thậm chí Tây Ban Nha được BHYT thanh toán 100%. Tại Việt Nam, BHYT chưa thanh toán một cách đồng bộ mà đang bóc tách từng nội dung cụ thể, tùy vào từng trường hợp ghép. Vì vậy, cần phải xây dựng được gói định mức kinh tế kỹ thuật cho ghép tạng theo quy chuẩn thành các gói chi phí cụ thể, trên cơ sở đó BHYT mới vào cuộc để thanh toán cho người.
“Được biết, hiện nay Bệnh viện Việt Đức đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của gói ghép tạng bao gồm ghép thận và các tạng khác có liên quan. Hy vọng càng xong sớm bệnh nhân ghép tạng càng thuận lợi. Cơ quan bảo hiểm luôn sẵn sàng đồng hành với bệnh nhân ghép tạng, nhưng để làm được cần phải xây dựng gói định mức kinh tế kỹ thuật để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Nếu Việt Đức làm xong được, nhiều cơ sở y tế khác sẽ cập nhật dữ liệu đó để áp dụng trong toàn quốc”, TS Phúc nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, đến nay chưa xây dựng xong định mức kinh tế kỹ thuật gói ghép tạng để có đơn giá đầy đủ cho toàn bộ gói ghép, trong đó, đề xuất BHYT chi trả bao nhiêu, người dân chi trả bao nhiêu. Nếu xây dựng xong gói định mức kinh tế kỹ thuật ghép tạng sẽ giúp được nhiều người nghèo có cơ hội được ghép.
Phân tích thêm về lợi ích của ghép tạng, bà Tiến cho biết, Nhà nước chi trả điều trị nội khoa cho người mắc bệnh mãn tính suốt đời như suy thận, suy tim, suy gan, chỉ lay lắt sống chờ chết lớn hơn nhiều với hỗ trợ ghép tạng. Chẳng hạn, chi phí ghép thận chỉ bằng một nửa so với chi phí điều trị nội khoa về suy thận. Vì vậy, ghép tạng không chỉ hồi sinh sự sống, mà còn giúp người bệnh quay lại đời sống, họ lao động bình thường, đi kiếm tiền đóng góp cho xã hội, cho gia đình, cho bản thân và chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn, không cần sự chăm sóc của người khác.
Đồng quan điểm này, TS Dương Đức Hùng chia sẻ, khi có chỉ định ghép tạng và có tạng phù hợp, người bệnh sẽ được ưu tiên thực hiện sớm, chứ không phải giàu hay nghèo. Ví dụ, một bệnh nhân suy thận có chỉ định ghép cần thực hiện sớm, không để họ chạy thận nhân tạo đến lúc bệnh nặng mới ghép thì sức khỏe kém đi, kèm theo các bệnh nền khác như suy tim.
Điều này làm tăng chi phí sau ghép. Nếu tiến hành ghép trên nền bệnh nhân khỏe mạnh, chỉ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép, chi phí rẻ, bệnh nhân có BHYT chỉ mất khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức đang thống kê để đưa ra số liệu về chi phí cho 1 ca ghép tạng. Tuy nhiên, TS Dương Đức Hùng cho biết, mỗi ca có chi phí khác nhau vì tùy từng bệnh nhân, tùy từng sự thích ứng, diễn biến của mỗi trường hợp như sử dụng máy móc, thuốc, vật tư tiêu hao…
Theo nhiều chuyên gia, ghép tạng cần được BHYT chi trả 100% để đảm bảo quy tắc công bằng trong hiến – ghép mô tạng. “Hiến ghép mô – tạng phải nhân đạo, đảm bảo công bằng, bình đẳng, nếu không đáp ứng điều kiện đó, chỉ người giàu mới được ghép tạng thì sẽ mất đi mục đích, ý nghĩa của nó. Chúng ta phải nhìn chính sách một cách tổng thể, khi người dân thấy điều đó, họ mới thấy thỏa mãn và mới thấy mình đăng ký hiến mô – tạng là xứng đáng”, TS Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.