Khi nào cần lập lại phương án tự chủ tài chính?

Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng (được trích 10%) được coi là nguồn thu của chủ rừng. Chủ rừng cần bổ sung, cập nhật số liệu vào Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm, báo cáo cơ quan quản lý tài chính cấp trên.

Bà Hồ Thanh Huyền (Lâm Đồng) công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ. Đơn vị của bà khoán bảo vệ rừng toàn bộ diện tích cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư và kinh phí quản lý được trích 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng khoán bảo vệ.

Đơn vị đã được UBND huyện phân loại mức độ tự chủ tài chính thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3).

Căn cứ Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, đơn vị nhận được 10% kinh phí quản lý, sau khi trừ các chi phí thì số tiền còn lại mới là nguồn thu của đơn vị.

Bà Huyền hỏi, sau khi có văn bản xác định lại nguồn thu từ 10% kinh phí quản lý dịch vụ môi trường rừng của đơn vị thì đơn vị bà thì có được lập lại Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm không?

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điểm c Khoản 30 Điều 1 Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định:

"… Số tiền trích để chi cho công tác quản lý của chủ rừng sau khi trừ chi phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được coi là nguồn thu của chủ rừng và được quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng".

Việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng (được trích 10%) được coi là nguồn thu của chủ rừng. Chủ rừng cần bổ sung, cập nhật số liệu vào Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm, báo cáo cơ quan quản lý tài chính cấp trên để tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khi-nao-can-lap-lai-phuong-an-tu-chu-tai-chinh-102240921163059901.htm