Khi nào cần nhổ răng khôn?

Bạn đọc A.L (ở TP HCM) hỏi: Răng khôn có những dạng nào và khi nào cần phải nhổ bỏ, thưa bác sĩ?

BS.CK1 LÊ MINH ANH, Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Lãnh Binh Thăng TP HCM (quận 11 cũ), trả lời: Răng khôn (hay còn gọi là răng số 8) là răng mọc cuối cùng trên cung hàm, thường xuất hiện ở độ tuổi 18 - 31. Răng khôn mọc lệch là răng mọc không đúng hướng, trục so với các răng còn lại, không đảm nhiệm chức năng nhai và dễ gây biến chứng. Các dạng răng khôn gồm: Mọc thẳng nhưng kẹt một phần trong xương gây đau, viêm nướu; lệch xa, mọc nghiêng về phía sau, kẹt nhiều ở cành lên xương hàm dưới; nghiêng gần 45 độ là dạng phổ biến nhất, dễ gây sâu răng số 7 và viêm nướu; mọc ngang (góc 90 độ) chèn vào răng số 7, gây đau, xô lệch hàm; mọc ngầm, nằm hoàn toàn dưới nướu hoặc trong xương, chỉ phát hiện được qua phim X-quang.

Răng khôn có thể gây nhiều biến chứng như: viêm nướu, viêm lợi trùm, viêm mô tế bào quanh thân răng; sâu răng, đặc biệt là răng số 7; xô lệch răng, ảnh hưởng khớp cắn và thẩm mỹ; u nang xương hàm nếu mọc ngầm lâu ngày; tổn thương dây thần kinh, gây tê bì môi, lưỡi, cằm; đau khớp thái dương hàm, loét má, viêm họng mạn...

Bạn nên nhổ răng khôn mọc lệch nếu răng gây đau, viêm, sưng, sâu răng số 7; khó vệ sinh, ảnh hưởng đến ăn - nhai hoặc nằm trong kế hoạch chỉnh nha; răng mọc ngầm nhưng có dấu hiệu biến chứng. Không cần nhổ răng khôn mọc thẳng, không gây đau, ảnh hưởng răng khác; răng mọc ngầm nhưng hoàn toàn không có triệu chứng hay biến chứng. Nên tránh nhổ răng nếu đang mang thai, mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn đông máu hoặc nằm gần cấu trúc thần kinh, xoang hàm.

L.Anh ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khi-nao-can-nho-rang-khon-196250721210704386.htm