Khi nào cổ phiếu Vietnam Airlines thoát khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt?
Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu giảm nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính phát triển hệ thống mạng đường bay, duy trì lợi nhuận dài hạn.

Máy bay của Vietnam Airlines cất, hạ cánh tại một cảng hàng không của nước ta. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với việc mở rộng mạng đường bay cùng các giải pháp tự thân để gia tăng doanh thu, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực.
Do đó, Hãng tin tưởng các chỉ số tài chính tích cực trong thời gian tới, cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ sớm thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt.
Lợi nhuận duy trì ổn định và tăng trưởng tốt
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietnam Airlines năm 2025 vào chiều 15/5, liên quan đến vấn đề khi nào cổ phiếu Vietnam Airlines (mã HVN) thoát khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt, ông Trần Văn Hữu, Trưởng ban tài chính, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết cổ phiếu Vietnam Airlines hiện đang trong diện kiểm soát đặc biệt là do chỉ số tài chính chưa đạt yêu cầu.
Theo ông Hữu, thời gian qua, Hãng có các giải pháp như cải thiện tình hình tài chính đã nỗ lực hết sức giảm lỗ, tăng cường doanh thu. Năm 2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức cao kỷ lục 7.958 tỷ đồng, đánh dấu kết quả tốt nhất trong lịch sử hoạt động.
“Vietnam Airlines đã triển khai các giải pháp tự thân tăng doanh thu tập trung vào các hoạt động vận tải hành khách quốc tế, tối ưu hóa khai thác, cơ cấu chi phí, trong đó tối ưu hóa hiệu suất đội tàu bay, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và lãi vay khi cơ cấu khoản nợ vay, tối ưu hóa hoạt động. Năm 2024 có lãi lớn và dự kiến 2025 và các năm tới lợi nhuận duy trì ổn định và tăng trưởng tốt,” ông Hữu nhấn mạnh.
Đưa ra kế hoạch phục hồi và phát triển bền vững, ông Hữu cho hay Hãng xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu giảm nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính phát triển hệ thống mạng đường bay, duy trì lợi nhuận dài hạn, có kế hoạch triển khai gói tăng vốn.
“Với các giải pháp cải thiện dòng tiền, kết quả khả quan và hồi phục rõ ràng, các chỉ số tài chính Vietnam Airlines tích cực, chúng tôi tin tưởng sẽ khắc phục sớm tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát diện đặc biệt,” vị Trưởng ban tài chính, Kế toán trưởng Vietnam Airlines khẳng định.
Trả lời vấn đề đợt phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng lần này có ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu và quyền mua các cổ đông nhỏ lẻ, theo ông Hữu, đợt phát hành cổ phiếu này sẽ theo hình thức tỷ lệ quyền mua. Các cổ đông nhỏ lẻ thực hiện mua theo tỷ lệ sở hữu, nhằm đảm bảo công bằng cho các cổ đông. Giá cổ phiếu phát hành với giá hợp lý (10.000 đồng/cổ phiếu), tỷ giá tương đương mệnh giá, hỗ trợ cho các cổ đông quyền tiếp cận mua.
“Dòng tiền huy động sau khi tăng vốn sẽ được Vietnam Airlines công bố rõ ràng kế hoạch sử dụng để đảm bảo minh bạch để các cổ đông đánh giá nhằm có các quyết định phù hợp,” ông Hữu nói thêm.

Ông Trần Văn Hữu, Trưởng ban tài chính, Kế toán trưởng Vietnam Airlines trả lời câu hỏi tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietnam Airlines năm 2025 vào chiều 15/5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hơn 92.000 tỷ đồng mua 50 tàu bay thân hẹp
Về kế hoạch đầu tư 50 máy bay thân hẹp, ông Tạ Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết dự kiến năm 2035, định hướng đến năm 2040, đội tàu bay của Vietnam Airlines có quy mô từ 200-230 tàu. Trong đó, đội tàu bay thân hẹp thế hệ mới là đội bay chủ lực có kế hoạch phát triển lên đến 130-160 tàu. Để đạt được mục tiêu phát triển đối với đội tàu bay thân hẹp nêu trên, Tổng công ty cần bổ sung hơn 120 tàu đến năm 2035.
Với số lượng tàu bay bay thân hẹp cần bổ sung nói trên, Vietnam Airlines triển khai đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp dưới 200 ghế (>160 ghế) tương đương A320Neo/ B737Max8 (bao gồm động cơ treo trên cánh, các thiết bị chọn thêm) và 10 động cơ dự phòng với nguồn vốn dự kiến hơn 92.379 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn như vốn chủ sở hữu, vốn vay các ngân hàng thế giới…
Bổ sung thêm, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines nhìn nhận nhu cầu máy bay trên thế giới thân hẹp rất lớn khi đơn hàng hiện lên tới vài nghìn chiếc đặt hàng nhưng sản xuất không kịp. Dự kiến đến 2032 mới có máy bay giao hàng cho hãng hàng không. Nếu các hãng đặt hàng của Nhà sản xuất Airbus thì phải tới năm 2032-2033.
Cho rằng đây là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không, nên nhu cầu rất lớn, theo ông Hòa, qua làm việc với Boeing và Airbus, ngành hàng không Việt Nam cần hàng nghìn máy bay. Do đó, nhu cầu 50 tàu bay của Vietnam Airlines là tối thiểu để phát triển.
“Khi được cởi trói nguồn vốn, tài chính khơi thông, Vietnam Airlines sẽ có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu máy bay và dự kiến máy bay sẽ giao vào năm 2030 hoặc 2031 nhưng Hãng đang đàm phán để xin nhận được máy bay sớm hơn,” ông Hòa chia sẻ.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết Hãng sẽ mua 50 tàu bay thân hẹp và đang đàm phán để xin nhận được máy bay sớm hơn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Chủ tịch Vietnam Airlines cũng chỉ ra trong đề án phát triển tàu bay, nếu lượng máy bay không giao kịp, sẽ thuê máy bay của các hãng khác vào năm 2027-2028 để đảm bảo tải cung ứng và mở rộng đường bay trong thời gian tới.
“Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp là dự án trọng điểm để thực hiện mục tiêu phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines trên mạng đường bay nội địa và khu vực, tăng cường năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo mục tiêu phát triển, tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Hãng hàng không Quốc gia, của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế,” người đứng đầu Vietnam Airlines nhấn mạnh./.