Khi nào cơ quan Thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế?
Hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi mới thành lập, hoạt động kinh doanh ngành nghề thủ công mỹ nghệ bước đầu còn gặp khó khăn. Mới đây ban giám đốc nhận được thông báo do cục thuế gửi nêu rõ: người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế, nếu không hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước theo quy định, doanh nghiệp sẽ bị cưỡng chế thuế. Do chưa tìm hiểu rõ quy định, xin hỏi trường hợp cụ thể như thế nào thì cơ quan thuế áp dụng cưỡng chế thuế đối với tổ chức, cá nhân? Trình tự, thủ tục pháp lý khi xử lý hành vi vi phạm?
Trả lời: Theo Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019 (Luật số 38/2019/QH14) quy định về trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế như sau: Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định; người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế; người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn; người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.
Theo đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế gồm:
Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Riêng đối với trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo trình tự đơn giản hơn: cơ quan thuế lập và gửi văn bản danh sách người nộp thuế bị cưỡng chế đề nghị cơ quan hải quan dừng làm thủ tục hải quan và theo dõi tình hình thực hiện biện pháp cưỡng chế. Trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh thì cần khôi phục tình trạng pháp lý cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp nộp đủ số tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Gia Cư (ghi)