Khi nào đại dịch Covid-19 thực sự chấm dứt?
Chương trình phân phối bình đẳng COVAX, niềm hy vọng lớn nhất để con người chấm dứt đại dịch Covid-19, đang thiếu trầm trọng nguồn cung sau khi Ấn Độ dừng xuất khẩu vaccine.
Khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1/2020 vì Covid-19, hai bác sĩ người Mỹ là Seth Berkley và Richard Hatchett gặp nhau tại một quán bar ở Davos, Thụy Sĩ để nói về các loại vaccine.
Ở thời điểm đó, chưa ai biết khi nào vaccine có thể giúp ngăn chặn virus mà sau đó được đặt tên SARS-CoV-2 sẽ được phát triển thành công. Tuy nhiên, ông Berkley - nhà dịch tễ học điều hành GAVI, tổ chức phi lợi nhuận giúp phân phối vaccine cho các nước nghèo - đã bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh một cuộc khủng hoảng toàn cầu khi virus lan rộng.
Trong khi đó, ông Hatchett, giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Phòng chống dịch bệnh (CEPI), lo ngại sai lầm từng xảy ra trong đại dịch H1N1 năm 2009 sẽ lặp lại, khi các nước giàu thâu tóm hoàn toàn thị trường vaccine. Tuy nhiên, H1N1 khi đó không nguy hiểm như người ta từng lo ngại, vì vậy đã không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Hai nhà khoa học nhất trí cần khẩn trương gây quỹ thu mua vaccine trước khi nó được phát minh, để các nước nghèo không bị bỏ lại trong cuộc đua tranh giành vaccine.
Một tháng sau cuộc gặp ở Davos, ông Berkley bay tới Seattle, bang Washington, để gặp tỷ phú Bill Gates. Hai thập kỷ trước đó, vị tỷ phú người Mỹ đã giúp thành lập GAVI, với sứ mệnh trợ giúp khi các tập đoàn dược phẩm không sẵn sàng bán vaccine cho các nước nghèo với cái giá phải chăng.
Với tiềm lực của mình, GAVI đã đặt hàng những hợp đồng vaccine quy mô lớn, dài hạn. Tới nay, GAVI đã giúp tiêm chủng vaccine viêm phổi, viêm màng não, và nhiều loại bệnh khác cho hơn 800 triệu trẻ em.
Tại Seattle, hai ông Berkley và Gates đã thảo luận cách thức GAVI có thể can thiệp khi các nhà khoa học phát triển thành công vaccine Covid-19.
Dưới sự hỗ trợ của tỷ phú Gates, Liên minh châu Âu (EU) và nhà nhiều nhà tài trợ quốc tế khác, Berkley và Hatchett đã thành lập COVAX Facility, chương trình đối tác công tư do GAVI, phối hợp cùng CEPI và WHO điều hành. Mục tiêu của COVAX là phân phối vaccine Covid-19 tới các nước nghèo, theo Bloomberg Quint.
Các nước giàu tích trữ vaccine quá nhiều, giờ là lúc thay đổi điều đó
Tới lúc này, COVAX đã quyên góp được hơn 10 tỷ USD, với mục tiêu phân phối 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 cho hơn 90 quốc gia thu nhập thấp tới đầu năm 2022.
Nhưng bất chấp số tiền quyên góp khổng lồ, COVAX hiện gặp khó trong nỗ lực thu mua vaccine. COVAX mới chỉ phân phối được 78 triệu liều vaccine, tương đương 4% trong tổng số 1,95 tỷ liều vaccine đã được tiêm chủng trên toàn cầu.
COVAX không ít lần rơi vào thế bí, khi thì do các công ty dược phẩm từ chối ưu tiên giao vaccine, khi thì bởi các quốc gia tích trữ vaccine hoặc nguyên liệu thô.
Mới đây nhất, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu vaccine để đáp ứng nhu cầu trong nước đã khiến COVAX bị chậm tiến độ tiếp nhận và phân phối. Kết quả là, tới giữa năm nay, COVAX sẽ chỉ phân phối được tổng cộng 190 triệu liều vaccine, kém xa mục tiêu ban đầu.
Tại Mỹ, khoảng một nửa dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Trong lúc ấy, tỷ lệ tiêm chủng liều thứ nhất tại các nước thu nhập thấp là 0,7%.
Ông Berkley thừa nhận việc chính phủ các nước tích trữ vaccine để sử dụng trong nước là không thể tránh khỏi. Nhưng lúc này, nhiều quốc gia đã tiêm chủng đủ để họ có thể chia sẻ kho dự trữ của mình. Điều khiến ông Berkley bực tức là các nước dư thừa vaccine chỉ chia sẻ rất miễn cưỡng.
"Các nước giàu đã đặt mua số vaccine hơn gấp nhiều lần so với những gì họ cần. Giờ thực sự là lúc thay đổi thực tại ấy, để hoặc là chia sẻ vaccine, hoặc là để các nhà sản xuất bán vaccine cho phần còn lại của thế giới", ông Berkley cho biết.
Một số nước giàu đã bắt đầu chuyển vaccine cho COVAX, thay vì chỉ góp tiền như trước đây. Hồi giữa tháng 5, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ chia sẻ 20 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer thông qua COVAX trong tháng 6. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ viện trợ cho COVAX 60 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Ngày 3/6, Nhà Trắng cho biết sẽ gửi 25 triệu liều vaccine cho các nước, trong đó 19 triệu liều thông qua COVAX, 6 triệu liều khác gửi trực tiếp cho các đối tác quan trọng trên cơ sở "ưu tiên khu vực".
Các nước châu Âu đã cam kết quyên góp 100 triệu liều vaccine cho các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp từ nay tới cuối năm 2021, chủ yếu thông qua COVAX. Hôm 2/6, EU cam kết viện trợ 2,4 tỷ USD cũng như bổ sung thêm 54 triệu liều vaccine cho COVAX.
"Tất cả điều đó đều đáng hoan nghênh, nhưng sẽ không thể lập tức lấp đầy khoảng trống nguồn cung vaccine lúc này", tạp chí Bloomberg Quint bình luận.
Nhờ hiệu quả của vaccine, số ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh, đồng thời nguồn cung vaccine trở nên dư thừa. Nhưng ông Berkley cảnh báo chưa thể nghĩ rằng người dân ở các nước giàu đã được an toàn.
"Nếu virus vẫn tiếp tục lan rộng ở phần lớn các nước, điều gì sẽ xảy ra nếu những biến chủng mới xuất hiện. Virus sẽ tiếp tục tiến hóa, nó sẽ quay lại và đe dọa Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới", ông Berkley nói.
Không đạt được mục tiêu ban đầu
Ý tưởng ban đầu của COVAX là cung cấp vaccine giá rẻ, thậm chí miễn phí cho các nước nghèo, để họ được tiếp cận vaccine cùng lúc với các nước có thu nhập cao hơn. COVAX sẽ mua lượng lớn vaccine với giá làm các nhà sản xuất hài lòng. Nhân viên y tế và các nhóm dễ bị tổn thương sẽ được tiếp cận vaccine đầu tiên. Chỉ sau khi 20% dân số các nước được tiêm chủng, việc phân bổ vaccine mới chuyển sang cơ sở ưu tiên những nước có nguy cơ cao.
Nếu các nước giàu cũng tham gia COVAX thay vì đàm phán riêng với các công ty dược phẩm, vaccine có thể được phân phối công bằng hơn, nhưng đồng thời tốc độ tiêm chủng cho các nhóm cư dân trẻ tuổi ở những nước này cũng chậm hơn.
Lo ngại lớn nhất của ông Berkley là các nước giàu ký liên tiếp các hợp đồng mua bán tay đôi với các nhà sản xuất, chiếm hết nguồn cung vaccine. Nỗi lo này đã trở thành sự thật.
"Trên phương diện này, chúng ta đã thất bại. Đã có lúc không có nhiều hợp đồng tay đôi, nhưng lúc này thì có rất nhiều hợp đồng như vậy", ông Berkley cho biết.
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ không tham gia COVAX. Washington theo đuổi chương trình Operation Warp Speed, đầu tư 12 tỷ USD cho nhiều nhà sản xuất vaccine. Kết quả là Mỹ đã thắng lớn. Tốc độ phát triển vaccine của Mỹ ấn tượng hơn mọi dự đoán.
Ông Berkley và Hatchett cho rằng COVAX đáng lẽ có thể làm được điều tương tự, nếu như các nước sớm chi tiền đặt mua vaccine số lượng lớn với Pfizer. Mới đây, CEO của Pfizer cho biết tập đoàn này từng chào hàng, nhưng các quốc gia đang phát triển đã thờ ơ trước vaccine của Pfizer.
Đa phần các công ty dược phẩm không ưu tiên COVAX. Hồi tháng 1, Pfizer đồng ý bán 40 triệu liều vaccine cho chương trình này, chưa đầy 2% công suất của Pfizer trong năm 2021. Đa phần số vaccine sẽ không được chuyển giao cho tới nửa cuối năm nay.
Đầu tháng 5, sau nhiều tháng đàm phán, Moderna đồng ý bán 500 triệu liều vaccine cho COVAX, nhưng chỉ bắt đầu chuyển giao hàng từ tháng 10 hoặc thậm chí muộn hơn. Phần lớn vaccine sẽ chỉ được giao cho COVAX trong năm 2022.
Tới lúc này, COVAX vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vaccine AstraZeneca. Nhà sản xuất này đã sớm cam kết bán vaccine mà không thu lợi nhuận cho COVAX. 95% vaccine mà COVAX phân phối là của AstraZeneca.
Viện nghiên cứu Serum của Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine AstraZeneca chính cho COVAX. Ban đầu, Viện Serum dự kiến sản xuất một tỷ liều vaccine trong năm 2021. Ấn Độ cam kết sẽ cung cấp ít nhất 200 triệu liều vaccine cho COVAX, và tối đa có thể là 900 triệu liều tùy tình hình.
Nhưng khi dịch bệnh lan rộng ngoài tầm kiểm soát, chính phủ Ấn Độ cấm Viện Serum xuất khẩu vaccine, đồng nghĩa nguồn cung vaccine của COVAX bị đình trệ. Lệnh cấm xuất khẩu nhiều khả năng sẽ chưa được dỡ bỏ cho tới cuối năm 2021.
Sau khi mất nguồn cung từ Ấn Độ, nhiều nước vốn đặt cược vào vaccine của COVAX rơi vào hoảng loạn, bởi họ không thể kiếm được nguồn vaccine thay thế.
"Chúng tôi đang chịu áp lực to lớn bởi nhiều quốc gia giận dữ trước sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine", ông Hatchett cho biết.
Cần chuẩn bị cho tương lai
Hôm 21/5, COVAX cho biết đã đạt được thỏa thuận mua 200 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson, dự kiến được chuyển giao từ nay tới cuối năm 2021. Ngoài ra, COVAX cũng đang đàm phán với AstraZeneca để mua vaccine từ các cơ sở sản xuất tại những nước khác ngoài Ấn Độ.
COVAX lúc này đang đàm phán với các nhà sản xuất Trung Quốc để bù đắp thiếu hụt từ Ấn Độ. Mới đây, WHO đã phê chuẩn vaccine Sinopharm, cho phép COVAX sử dụng loại vaccine này để cung cấp cho các quốc gia khác.
Những người chỉ trích COVAX cho rằng chương trình này đáng lẽ nên gây áp lực buộc các công ty dược phẩm dỡ bỏ sở hữu trí tuệ với vaccine, để cho phép nhiều nhà nhà sản xuất khác tham gia chuỗi cung ứng vaccine Covid-19.
Đề xuất tạm thời dỡ bỏ bản quyền với vaccine Covid-19 đã được hơn 100 quốc gia hưởng ứng, trong đó có Mỹ. Nhưng các nước châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức, kiên quyết phản đối ý tưởng này. Đề xuất dỡ bỏ bản quyền với vaccine Covid-19 đến nay vẫn là ý tưởng xa vời.
Thực tế, COVAX không đủ khả năng thu mua đủ số liều vaccine mà chương trình này cần, chứ đừng nói gây sức ép để buộc các nhà sản xuất từ bỏ bản quyền. Hơn nữa, việc mở rộng công suất sản xuất vaccine Covid-19 không đơn giản, đòi hỏi cả nguồn nguyên liệu thô, cả nhân lực chất lượng cao để vận hành quy trình.
"COVAX cuối cùng đã không thể ngăn chặn tình trạng phân phối vaccine bất bình đẳng. Nhưng triển vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng (Covid-19) mà không có COVAX sẽ rất u ám", Bloomberg Quint bình luận.
Klaus Stohr, cựu quan chức của WHO từng tham gia cuộc chiến với SARS năm 2003, cho biết COVAX hiện là chương trình quy mô toàn cầu duy nhất giúp phân phối vaccine tới các quốc gia.
Ngay cả các nước giàu mua vaccine trực tiếp từ các nhà sản xuất cũng bắt đầu thừa nhận họ cần COVAX để chấm dứt đại dịch hiện nay, bởi một thực tế rằng không ai có thể được an toàn trước đại dịch cho tới khi tất cả đã an toàn.
Theo ông Stohr, nhân loại cần một nguồn dự trữ tài chính sẵn sàng để có thể nhanh chóng đầu tư phát triển vaccine và các loại thuốc, trong trường hợp một dịch bệnh khác xuất hiện trong tương lai.
Trong năm 2020, một ủy ban độc lập của WHO đã đề xuất tạo ra một quỹ tài chính quốc tế, với mục tiêu quyên góp 10 tỷ USD mỗi năm, để sẵn sàng cho các biện pháp đối phó dịch bệnh trong tương lai, trong đó có vaccine. Ủy ban cũng đề xuất thay đổi chiến lược ứng phó, bằng cách yêu cầu các công ty dược phẩm chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và vaccine khi quỹ do các chính phủ đóng góp được sử dụng trong nghiên cứu.
Vaccine Covid-19 là một thắng lợi của nhân loại trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2, nhưng hai ông Berkley và Hatchett cho rằng cách ứng phó với các dịch bệnh trong tương lai mà chỉ dựa vào các nhà sản xuất tư nhân phát triển vaccine sẽ tiềm ẩn rủi ro.
"Con người may mắn bởi vaccine đã thành công. Nhưng chúng ta có thể sẽ rơi vào tình thế khó khăn hơn nhiều, nếu phải sử dụng nhiều sản phẩm khác nhau mà vẫn không có hiệu quả. Khi đó thách thức sẽ lớn hơn nhiều", ông Berkley nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-nao-dai-dich-covid-19-thuc-su-cham-dut-post1223343.html