Khi nào dao được xem là vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng?
Đại diện Bộ Công an cho biết, tùy vào trường hợp cụ thể thì dao được xem là vũ khí thô sơ hoặc vũ khí quân dụng.
Tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2023 do tổ chức chiều 27-12 do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đã giải đáp liên đến nội dung của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Dao dùng để sản xuất, sinh hoạt thì không vi phạm pháp luật
Theo đó, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, theo thực tế đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến quy định của Luật này cho thấy, có nhiều người sử dụng dao lắp thêm cán sắt dài khoảng 1,2m đến 1,5m để gây án, làm cho môi trường an ninh, trật tự của người dân bị đe dọa nghiêm trọng.
Việc quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ là một trong những cách để quản lý tốt và điều chỉnh hành vi của người sử dụng dao và trên cơ sở đó hạn chế việc sử dụng công cụ, phương tiện này để chống người thi hành công vụ cũng như là đe dọa đến đời sống an ninh, an toàn của người dân.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật này, Ban soạn thảo quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ và trong trường hợp sử dụng dao để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật (nếu chứng minh được) thì cơ quan chức năng sẽ xử lý về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để nâng cao tính răn đe và điều chỉnh hành vi trong xã hội đối với việc sử dụng dao.
Với nội dung câu hỏi quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ có ảnh hưởng đến đời sống lao động của người dân hay không? Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định, dao có tính lưỡng dụng, nếu người dân sử dụng vào lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không vi phạm pháp luật.
Nhưng nếu tàng trữ, sử dụng dao vào mục đích vi phạm pháp luật thì dao trở thành đối tượng quản lý là vũ khí thô sơ hoặc nếu sử dụng để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật thì lúc đó dao là vũ khí quân dụng.
Trong năm giảm gần 2.000 người chết vì tai nạn giao thông
Liên quan đến quy định liên quan nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh, theo thống kê, phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia.
Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông.
Đây là số liệu làm cơ sở để Ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đó là quy định “nồng độ cồn” bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Cũng liên quan dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết thêm, không quy định xe máy là phương tiện phải gắn camera hành trình, mà quy định cụ thể phương tiện lắp camera hành trình là xe máy chuyên dùng như xe cẩu, xe ủi, xe máy xúc khi tham gia giao thông.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-nao-dao-duoc-xem-la-vu-khi-tho-so-vu-khi-quan-dung-post768996.html