Khi nào du lịch Việt Nam đuổi kịp Thái Lan?
Hiện Việt Nam đạt 3,96 điểm về du lịch, xếp 59/119 nền kinh tế trên thế giới, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và sau Thái Lan.
Đánh giá lại việc thu hút khách quốc tế
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chiều 5/6,
đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ)
dẫn thông tin năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu du khách quốc tế, dự kiến doanh thu khoảng 20 tỷ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 40 triệu du khách quốc tế, nguồn thu là 98 tỷ USD chiếm 12% GDP.
Theo đánh giá xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới, 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế, thứ nhất là thu hút tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên, Việt Nam xếp thứ 24 và 25, trên 119 nước, đều cao hơn Thái Lan.
Ông Hùng đặt câu hỏi: Có những vướng mắc, hạn chế nào, cần giải pháp đột phá gì để Việt Nam có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan trong việc thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới?
Trả lời đại biểu,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các số liệu trên là đánh giá có giá trị để nghiên cứu và xem xét, điều chỉnh, đưa ra khuyến nghị. Tại thời điểm tổ chức này thu thập tài liệu (năm 2022), Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch Covid-19, mức độ phát triển du lịch cũng chưa được như hiện tại, nên có một số chỉ số thu hút tại thời điểm đó cần đánh giá lại.
Ông Hùng cũng dẫn đánh giá cho thấy Việt Nam đạt 3,96 điểm về du lịch, xếp 59/119 nền kinh tế trên thế giới, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và sau Thái Lan.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu để nâng cao thứ hạng này, trong đó phải giữ được những chỉ tiêu đã được xếp hạng cao như sức cạnh tranh về giá, sự an toàn, an ninh, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Nhưng có những chỉ số còn thấp như y tế, vệ sinh, môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa…
Ông Hùng nhấn mạnh các vấn đề như vệ sinh môi trường và y tế là của các ngành khác chứ không chỉ riêng ngành du lịch. Trong đó, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề lớn liên quan cả sức khỏe người dân chứ chưa nói đến du lịch, nhưng trong chừng mực nào đó, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm.
“Có những địa phương trọng điểm của vùng du lịch nhưng bố trí kinh phí cho công tác kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm có 500 triệu đồng. Với kinh phí này, đoàn của sở y tế đi làm vài buổi là hết ngân sách, vì phải lấy mẫu, xét nghiệm chứ không chỉ nhìn bằng mắt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và khẳng định địa phương phải tập trung không chỉ làm cho du lịch, mà cho chính đời sống, sức khỏe, giống nòi của người dân.
Về các chính sách liên quan đến miễn thị thực, Bộ trưởng VH-TT&DL dẫn thông tin Thủ tướng đã có kết luận việc mở cửa dựa trên 3 nguyên tắc: đánh giá tác động về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại.
Việc này đang giao cho Bộ Ngoại giao đứng ra chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác. “Độ mở cũng sẽ được xem xét, chứ không thể “dục tốc bất đạt”, cách của chúng ta là thận trọng nhưng chắc chắn, có hiệu quả”, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn
Bến Tre)
nêu nhiều yếu tố tác động làm giảm lượng khách du lịch, như vé máy bay tăng cao thời gian qua. Nữ đại biểu hỏi Bộ trưởng về định hướng, giải pháp để giải bài toán liên kết, chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong chuỗi phát triển du lịch để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia?
Về vấn đề này,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thể chế trong lĩnh vực du lịch khá đồng bộ. Ông nhấn mạnh, năm 2023, chưa khi nào Thủ tướng chủ trì 3 hội nghị về du lịch để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn.
Việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cũng như phát huy vai trò, hoạt động của vùng.
"Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo của doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng nói và lưu ý việc giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã vinh danh.
Giải pháp được Bộ trưởng đề cập là chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem
du lịch
nội địa là bệ đỡ với định hướng “du lịch cần đi trên cả hai chân”, dựa vào cả du lịch quốc tế và trong nước.
Bộ trưởng thông tin, tỉ trọng du lịch quốc tế hiện là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, cần cân đối tỉ lệ thành 50-50, để Việt Nam có nền du lịch bền vững.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khi-nao-du-lich-viet-nam-duoi-kip-thai-lan-a667032.html