Khi nào luật sư được tiết lộ thông tin của khách hàng?
Có hai trường hợp ngoại lệ mà luật sư không buộc phải giữ bí mật thông tin, đó là có sự đồng ý của khách hàng và theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VN) phối hợp với Dự án JICA (do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ) tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến, hoàn thiện Cuốn giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN” (Cuốn giải thích).
Luật sư phải giữ bí mật thông tin
Trong Bộ quy tắc, Quy tắc 7 về giữ bí mật thông tin quy định luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

Hội thảo “Đóng góp ý kiến, hoàn thiện Cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN”. Ảnh: YẾN CHÂU
Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo dự thảo Cuốn giải thích, thông tin mà luật sư cần giữ bí mật là những thông tin về khách hàng, về vụ việc của khách hàng, bao gồm thông tin cá nhân của khách hàng, thông tin về hoạt động kinh doanh, các tình tiết liên quan đến vụ việc của khách hàng mà luật sư đã hoặc đang giải quyết. Những thông tin này được khách hàng cung cấp, hoặc do luật sư thu thập được trong quá trình giải quyết vụ việc.
Lưu ý đây là nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng, không chỉ giới hạn đối với thông tin bí mật của khách hàng, nên đối tượng mà luật sư phải giữ bí mật bao gồm cả những thông tin không thuộc về bí mật của khách hàng, miễn là có liên quan đến khách hàng, vụ việc của khách hàng.
Sự tranh cãi giữa luật sư và khách hàng về việc giới hạn đối tượng thông tin cần giữ bí mật sẽ gây xói mòn lòng tin của khách hàng, của xã hội đối với nghề luật sư. Khách hàng chắc chắn sẽ không thoải mái và mất đi sự tin cậy cần phải có khi thấy luật sư của mình vô tư công khai, bình phẩm thông tin về mình, nhất là trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tiết lộ có nghĩa là việc công khai thông tin cho người thứ ba (ngoài phạm vi luật sư và khách hàng). Việc tiết lộ thông tin có thể do luật sư cố ý thực hiện hoặc do vô ý không bảo quản tài liệu, thông tin một cách thích hợp dẫn đến thông tin bị lộ lọt. Hình thức tiết lộ thông tin có thể là qua trao đổi về thông tin, tài liệu trực tiếp, bằng các phương tiện thông tin liên lạc, hoặc đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội... Mức độ chi tiết của thông tin để được xem là tiết lộ còn tùy thuộc vào tính chất của thông tin.
Đã có trường hợp luật sư đăng tải nội dung cụ thể của một vụ việc gồm các tình tiết, quá trình diễn biến... lên mạng xã hội, mặc dù đã giấu đi danh tính của khách hàng nhưng vẫn có thể xem là vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin nếu các chi tiết của vụ việc được thể hiện rõ ràng và cá biệt.
Những đồng nghiệp và nhân viên trong cùng tổ chức hành nghề của luật sư, nếu có chức trách được tiếp cận thông tin của khách hàng cũng phải có nghĩa vụ tương tự như luật sư về giữ bí mật thông tin của khách hàng. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu và giải thích với đồng nghiệp và nhân viên về nghĩa vụ và trách nhiệm giữ bí mật thông tin.
Thời hạn tuân thủ nghĩa vụ giữ bí mật là ngay cả sau khi đã kết thúc vụ việc hoặc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, luật sư cũng không được miễn trừ nghĩa vụ giữ bí mật thông tin.
Việc giải thích các quy tắc trong bộ quy tắc nhằm mục đích làm rõ tinh thần, nội dung của các quy tắc để có nhận thức, thực hiện đúng đắn, thống nhất các quy tắc. Nội dung giải thích không có tính bắt buộc thực hiện mà chỉ có giá trị tham khảo. Chỉ có nội dung các quy tắc mới có giá trị thực hiện.
Những ngoại lệ của nghĩa vụ giữ bí mật thông tin
Cũng theo bản thảo cuốn giải thích, có hai trường hợp ngoại lệ mà luật sư không buộc phải giữ bí mật thông tin, một là có sự đồng ý của khách hàng và hai là theo quy định của pháp luật. Việc tiết lộ thông tin trong những trường hợp này được xem là có lý do chính đáng, và do đó nghĩa vụ giữ bí mật được miễn trừ.
Đối với trường hợp có sự đồng ý của khách hàng, để có được sự đồng ý của khách hàng::
Luật sư trước hết cần giải thích một cách rõ ràng về sự cần thiết, loại thông tin, phương thức của việc công khai thông tin và nhận được sự đồng ý rõ ràng từ khách hàng.
Ngoài ra, việc luật sư cung cấp các thông tin của khách hàng cho các bên thứ ba phục vụ cho giải quyết vụ việc của khách hàng được mặc định là có sự đồng ý của khách hàng, xét trên mục đích của việc tiết lộ thông tin đó, trừ khi khách hàng ngay từ đầu có yêu cầu cụ thể rằng mọi việc cung cấp thông tin phải có được sự đồng ý trước của khách hàng.
Trường hợp theo quy định của pháp luật, đó là trường hợp pháp luật cho phép hoặc buộc luật sư phải tiết lộ thông tin:
Cụ thể, khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã bổ sung thêm một chủ thể mới là người bào chữa trong việc tố giác tội phạm. Theo đó, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Việc tiết lộ thông tin trong trường hợp này không phải là quyền, mà là nghĩa vụ luật sư phải tuân thủ. Luật sư cần phải thận trọng xem xét tình huống và quy định của pháp luật để quyết định ứng xử.
Luật sư cũng có thể (được phép) tiết lộ thông tin với mục đích bảo vệ mình trong các thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố tụng (dân sự, hình sự) liên quan đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho khách hàng. Luật sư cũng có thể sử dụng thông tin về vụ việc thực hiện cho khách để chứng minh yêu cầu về quyền lợi của luật sư (ví dụ như đòi thù lao) trong các thủ tục giải quyết tranh chấp với khách hàng về hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tất nhiên, trong những trường hợp này, luật sư cần thận trọng chỉ tiết lộ những thông tin thật sự cần thiết cho việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-nao-luat-su-duoc-tiet-lo-thong-tin-cua-khach-hang-post846987.html