Khi nào mới chấm dứt việc gợi ý bán sách vở bài tập, sách tham khảo trong trường học?
Cho tới nay, vẫn có tình trạng gợi ý bán sách vở bài tập, sách tham khảo trong nhiều nhà trường, trong khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cấm việc này nhiều năm nay.
Có một thực tế diễn ra nhiều năm nay là nhiều nhà trường thường giới thiệu đến phụ huynh, học sinh, ngoài sách giáo khoa còn kèm theo nhiều sách như bài tập, sách thực hành hay sách dạy kỹ năng. Chính vì thế, không ít phụ huynh băn khoăn, nếu không mua những sách được nhà trường, giáo viên gợi ý thì liệu có ảnh hưởng đến việc học của con cái họ?
Sách tham khảo, bổ trợ chỉ được phép bán ngoài thị trường (ảnh nguồn internet).
Đây là vấn đề "nóng" mà mỗi lần năm học mới đến đều trở thành đề tài tranh luận của không ít giáo viên, phụ huynh. Chị Nguyễn Vân Anh ở Hà Nội băn khoăn, hiện nay phụ huynh trong lớp con chị đều mua sách bài tập và các danh mục sách khác theo gợi ý từ nhà trường. Bản thân chị Vân Anh cũng đang phân vân có nên mua những loại sách ngoài sách giáo khoa hay không?
Nhiều nơi gợi ý phụ huynh mua thêm sách bài tập, tham khảo, sách kỹ năng sống (ảnh TL).
“Trên danh nghĩa, đây là những sách không bắt buộc nhưng thầy cô vẫn sử dụng để ra bài tập thường xuyên. Vì thế, nếu không trang bị cho con, rất có thể xảy ra tình trạng việc học của con không theo kịp các bạn. Chưa nói, việc này còn có thể bị quy cho gây khó dễ cho giáo viên và nhà trường, từ đó các con bị phân biệt đối xử” – chị Vân Anh lo lắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều phụ huynh cho biết hiện nay một bộ sách học của học sinh lớp 2 được gợi ý đến phụ huynh lên đến hơn 700 nghìn đồng. Riêng tiền sách giáo khoa chỉ xấp xỉ 300 nghìn đồng còn lại là các sách khác.
Chưa dừng lại, ngoài sách giáo khoa, học sinh còn phải sắm sửa thêm các dụng cụ học tập, đồng phục theo từng nhà trường yêu cầu.
Tâm sự với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, anh Trần Cương ở Tây Hồ cho biết, năm nay con anh vào lớp 1, gia đình đã mua sắm hơn 2 triệu đồng thông qua nhà trường. Trong số 2 triệu đồng thì sách giáo khoa, sách bổ trợ, dụng cụ học tập chiếm gần một nửa. Anh Cương cho rằng, nếu chỉ sách giáo khoa thôi thì rẻ nhưng nếu mua sách theo gợi ý của nhà trường số tiền lên đến hơn 600 nghìn đồng.
"Dẫu biết không bắt buộc, nhưng vì tạo điều kiện cho thầy và trò dạy học nên gia đình tôi đã chấp nhận mua theo gợi ý của thầy cô" - anh Cương nói.
Danh mục sách mà phụ huynh được gợi ý mua khi con vào học lớp 1 (ảnh TL).
Cũng như anh Trần Cương, anh Viết Hùng ở Cầu Giấy cho biết, số tiền mà anh bỏ ra mua sách cho con lên đến hơn 500 nghìn đồng. “Số tiền mua sách giáo khoa chỉ là phần rất nhỏ trong mua sắm sách vở đầu năm học” – anh Viết Hùng tâm sự.
Trong nhiều năm trở lại đây, câu chuyện bán sách bài tập, sách tham khảo trở thành "vấn nạn" trong trường học. Mỗi lần năm học mới đến thì câu chuyện này lại càng sôi động như một căn bệnh “nan y” không thuốc chữa.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, cô giáo Trần Thị Hải ở Long Biên, Hà Nội cho biết, phụ huynh có quyền từ chối việc mua sách. Các cháu có đủ sách giáo khoa để học tập là đạt yêu cầu.
Tuy nhiên cũng có giáo viên cho rằng, việc có sách vở bài tập sẽ giảm được công sức của cô và trò, từ đó sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc dạy học, thực hành.
Bàn về vấn đề này, liên quan đến câu chuyện sách tham khảo, sách bổ trợ, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) từng cho rằng, sách giáo khoa là tài liệu chính thức dạy học trong nhà trường ngoài ra không có quy định nào khác.
Sách tham khảo được xuất bản theo Luật xuất bản, phát hành ngoài thị trường. Để sách tham khảo đưa vào trong thư viện của các nhà trường thì Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 21/2014 quy định. Giáo viên không được đưa vào bài dạy các nội dung vượt quá yêu cầu chương trình vì nếu các cháu biết nội dung nằm trong sách nào sẽ tìm mua.
Giáo viên không được ép, không được khuyến khích học sinh mua sách tham khảo dưới bất cứ hình thức nào. Nhà trường, thầy cô nào thực hiện sai quy định thì cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm quản lý. Đặc biệt quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, hiện nay không có khái niệm nào quy định sách bổ trợ. Để đáp ứng yêu cầu các bài học theo hướng hiện đại như quốc tế thì đã có giải pháp. Thầy cô hướng dẫn học sinh ghi và vở ghi. Ghi chép cũng là phát triển năng lực chứ không phải in sẵn đề bài.
“Hiện có nhiều thầy cô còn in phiếu học tập để bớt đi thời gian chép bài nhưng Bộ GD&ĐT đã nhắc nhiều. Việc in phiếu học tập học sinh bớt đi thời gian làm bài nhưng lại không được rèn luyện sâu sắc như các ẹm tự viết” – ông Thành nhấn mạnh.