Khi nào mới tháo gỡ được điểm nghẽn?

Trong số 1.188 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều chủ cơ sở muốn được nâng cấp lên thành trường mầm non tư thục. Tuy nhiên, để được nâng cấp không phải là điều dễ dàng do vướng mắc nhiều quy định, nhất là quy định về đất đai.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh giám sát một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.NAM

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh giám sát một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.NAM

* “Cửa ải” đất đai

Theo quy định, nhà, nhóm trẻ tư thục muốn được nâng cấp lên thành trường mầm non tư thục phải đáp ứng một trong những điều kiện quan trọng đó là đất xây dựng trường phải được quy hoạch là đất giáo dục. Tuy nhiên đa số các nhà, nhóm trẻ tư thục hiện nay đang hoạt động đều có nguồn gốc đất là đất ở, thậm chí là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Việc tháo gỡ nút thắt khó khăn nhất này đã được bàn bạc rất nhiều lần nhưng chưa có giải pháp nào mang tính đột phá.

Bà Dương Thị Thanh Nhàn, chủ nhà, nhóm trẻ tư thục tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, nhóm trẻ của gia đình bà hiện có 150 trẻ. Bà rất muốn nâng cấp lên trở thành trường nhưng lại vướng quy định về đất xây trường phải là đất quy hoạch dành cho giáo dục. Bà Nhàn muốn chuyển đổi từ đất ở hiện tại sang đất giáo dục nhưng lại lo ngại sau này không làm giáo dục nữa liệu có chuyển đổi lại thành đất ở như cũ được không. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhóm trẻ của gia đình bà dù muốn lên trường cũng khó.

Trong khi đó, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Nhơn Trạch cho biết, mỗi xã của huyện đều có 1-2 trường mầm non công lập nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu tiếp nhận trẻ. 9 trường mầm non công lập và 95 nhà, nhóm trẻ tư thục đang san sẻ áp lực với hệ thống giáo dục mầm non của huyện. Trong số 95 nhà, nhóm trẻ tư thục ngoài công lập có nhiều cơ sở muốn được lên trường nhưng khó khăn vì vướng quy định phải là đất giáo dục.

Trảng Bom là địa phương phát triển rất mạnh về công nghiệp, thu hút hàng chục ngàn lao động nhập cư tới sinh sống và làm việc, kéo theo nhu cầu về trường lớp rất lớn, các nhà, nhóm trẻ tư thục được mở để giải quyết nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay huyện Trảng Bom vẫn chưa có một nhà, nhóm trẻ tư thục nào được nâng cấp lên trường do gặp khó khăn về đất đai. Vấn đề này cũng là điểm “nghẽn” chung ở một số địa phương khác như: Xuân Lộc, Long Thành, Tân Phú.

* Tìm tiếng nói chung

Trong định hướng phát triển trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu thành lập được 128 trường mầm non ngoài công lập. Từ năm 2016-2018 đã phát triển được 52 trường (đạt 40,6% kế hoạch). Như vậy nhiệm vụ của ngành Giáo dục và các địa phương sẽ phải hoàn thành việc phát triển thêm 76 trường mầm non ngoài công lập nữa cho giai đoạn còn lại.

Ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, Biên Hòa là địa bàn có đông công nhân nhất tỉnh, áp lực các bậc học đều rất lớn, do đó từ năm 2016 đến nay đã đẩy mạnh việc tạo điều kiện linh hoạt về đất đai cho các nhà, nhóm trẻ lên trường. Cụ thể năm 2016 có 21 nhà, nhóm trẻ lên trường, còn năm 2018 có thêm 19 nhà, nhóm trẻ lên trường. Ông Cường cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát nhà, nhóm trẻ nào đủ điều kiện sẽ ưu tiên xem xét để sớm lên trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng, với áp lực về nhu cầu gửi trẻ hiện nay cần có nhiều giải pháp căn cơ đi vào thực tiễn. Cụ thể, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc tại các địa phương, nhất là thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng để các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục đủ điều kiện phát triển lên trường. Chú trọng đầu tư mạng lưới trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp như: TP.Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành...

Thành Nam

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201906/khi-nao-moi-thao-go-duoc-diem-nghen-2949767/