Khi nào nên đi khám tiền hôn nhân?

Khám tiền hôn nhân giúp đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản cho các cặp đôi, vậy khi nào nên đi khám tiền hôn nhân?

Theo ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%.

Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ 50%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) gia tăng đến 15 – 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%; 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.

Khi nào cần đi khám tiền hôn nhân?

Việc biết trước về sức khỏe của nhau trước khi kết hôn sẽ giúp các đôi vợ chồng trẻ vững vàng về tâm lý, sẵn sàng đón nhận tất cả những gì sẽ xảy đến.

Theo bác sĩ, khám tiền hôn nhân được ví như hành lang bảo vệ cho cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh các yếu tố về tâm lý, tài chính, sức khỏe cũng ảnh hưởng không nhỏ, giúp các cặp đôi trẻ xác định đã đủ sẵn sàng để tiến tới cuộc sống hôn nhân hay chưa.

Rất nhiều bạn trẻ khi chuẩn bị kết hôn mới đi khám tiền hôn nhân. Thực tế nất nhiều bạn trẻ đã đi khám định kỳ từ sớm để đảm bảo không mắc các bệnh viêm nhiễm.

Một trong những việc rất quan trọng của khám tiền hôn nhân là khám di truyền để xem hai người có thể sinh con khỏe mạnh hay không. Điều này để tránh tình trạng một trong hai người, hoặc cả hai người mắc bệnh truyền nhiễm, di truyền mà không biết sẽ gây nên những hậu quả đau lòng.

Thực tế, em bé sinh ra phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe cha mẹ. Trong một số trường hợp, nếu biết trước tình trạng sức khỏe của cha mẹ có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con.

ThS.BS Phan Chí Thành tư vấn sức khỏe cho các cặp đôi đến khám.

ThS.BS Phan Chí Thành tư vấn sức khỏe cho các cặp đôi đến khám.

Khám sàng lọc tiền hôn nhân là khám những gì?

Theo bác sĩ Phan Chí Thành, khám sàng lọc tiền hôn nhân cần chú ý 3 vấn đề chính. Thứ nhất, sàng lọc toàn bộ các bệnh lý viêm nhiễm như HIV, viêm gan, các bệnh lây qua đường tình dục (bệnh nhiễm chlamydia, bệnh lậu,..). Đây là bước kiểm tra vô cùng quan trọng.

Thứ hai, thăm dò khả năng sinh sản. Trong đó, nam giới đặc biệt quan trọng xét nghiệm tinh dịch đồ. Thực tế bác sĩ gặp những trường hợp nam giới không có tinh trùng. Còn nữ giới khám phụ khoa và siêu âm buồng trứng tử cung, từ đó phát hiện ra các bệnh lý về mặt phụ kho nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hay không.

Thứ ba, tư vấn và tham vấn các bệnh lý về mặt di truyền. Một số người trong gia đình mang nguồn gene nhất định như bệnh lý tan máu – Thalassemia. Các bạn có thể đi sàng lọc xét nghiệm để xem đối tác có mang nguồn bệnh giống mình hay không, tránh nguy cơ di truyền cho thế hệ sau.

AN BÌNH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khi-nao-nen-di-kham-tien-hon-nhan-ar768983.html