Khi nào nên đi nội soi dạ dày?

Hỏi: Có nhiều người bị đau dạ dày nhưng không đi nội soi. Xin hỏi bác sĩ, khi có những triệu chứng như thế nào thì nên đến bệnh viện để nội soi? Việc nội soi dạ dày, đại tràng có tác dụng gì? Ngô Nhật Dân (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội)

Đáp: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức): Nội soi dạ dày, đại tràng giúp phát hiện hầu hết bệnh lý về đường tiêu hóa, bao gồm các bệnh lý tại thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng, trực tràng, hậu môn. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ có được chẩn đoán bệnh và phương pháp điều trị thích hợp.

Khi có những biểu hiện như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, trào ngược; có cảm giác nuốt vướng; nôn, buồn nôn sau ăn; đau bụng; đi ngoài phân đen; cảm giác đi ngoài không hết phân; rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón...) thì nên đi nội soi.

Để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất là 6 giờ trước khi đi thăm khám, nội soi dạ dày; không được uống các loại nước có cồn, có gas, có màu, kể cả sữa vì chúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình quan sát và chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Người bệnh chỉ nên uống nước lọc với lượng vừa đủ, vì uống nhiều dễ gây trào ngược dạ dày.

Những người đang trong quá trình điều trị bệnh bằng các loại thuốc khác cần thông báo cho bác sĩ biết. Với trường hợp nội soi có gây mê, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức. Lúc này cần quan sát tình trạng bệnh nhân và thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường.

Khi đi nội soi, tốt nhất nên có người thân đi cùng vì người bệnh không nên tự lái xe về nhà sau ca nội soi. Người bệnh chỉ nên ăn uống từ khoảng 1 - 2 giờ sau khi nội soi. Nên sử dụng thực phẩm loãng như cháo, súp để giúp người bệnh dễ tiêu hóa.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/977511/khi-nao-nen-di-noi-soi-da-day