Khi nghệ sĩ tiếp tay cho sữa giả: Niềm tin bị đánh cắp, ai trả lại cho người tiêu dùng?
Chỉ một video quảng cáo, một lời nói chưa kiểm chứng từ người nổi tiếng, nhưng cái giá người tiêu dùng phải trả là sức khỏe, tiền bạc và niềm tin. Họ tin vào hình ảnh nghệ sĩ để rồi nhận lại sản phẩm giả, hậu quả thật. Nghệ sĩ có thể nộp phạt và tiếp tục công việc, nhưng người dân, những nạn nhân ai sẽ bù đắp cho họ? Niềm tin bị đánh cắp, không dễ lấy lại.
Một đoạn video quảng cáo ngắn chỉ vài chục giây, với hình ảnh của MC Hoàng Linh mỉm cười trìu mến, chia sẻ rằng mình “đã tìm được loại sữa tốt nhất cho con”. Một đoạn clip khác, diễn viên Doãn Quốc Đam khẳng định anh “tin dùng sữa bổ sung tổ yến và đông trùng hạ thảo”. Những lời nói ấy, xuất phát từ người nổi tiếng, khiến hàng ngàn bậc cha mẹ tin tưởng rút ví mà không chút đắn đo. Nhưng rồi, tất cả sụp đổ khi cơ quan điều tra công bố: đó là sữa giả.
Người nổi tiếng quảng cáo, người dân gánh hậu quả
Chị Nguyễn Thị Liên (35 tuổi, quận 12, TP.HCM) kể lại trong bức xúc: “Tôi mua mấy hộp sữa về cho mẹ bị suy thận dùng. Thấy MC nổi tiếng giới thiệu nên tin tưởng. Nhưng mẹ tôi uống vào thì bị tiêu chảy, mất ngủ, huyết áp tăng thất thường. Giờ biết đó là sữa giả, tôi thật sự ân hận”.
Không chỉ chị Liên, mà theo thống kê sơ bộ từ cơ quan chức năng, hàng nghìn người tiêu dùng trên cả nước đã bị ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý do sử dụng phải những sản phẩm gắn mác “cao cấp”, “dành cho người bệnh” này. Hầu hết họ đều tin tưởng vào hình ảnh nghệ sĩ gắn với thương hiệu, một niềm tin vô thức, nhưng đầy nguy hiểm.

Từ tháng 8/2021, một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn được vận hành dưới vỏ bọc hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Chúng tung ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột, nhắm thẳng vào những đối tượng dễ tổn thương: bệnh nhân tiểu đường, người suy thận, phụ nữ có thai, trẻ sinh non...
Các quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, lồng ghép những “giá trị dinh dưỡng” như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó nhưng theo kết luận điều tra, tất cả đều không có thật.
Tối 16/4, diễn viên Doãn Quốc Đam lên tiếng “đính chính” rằng mình không hề biết đó là sữa giả. MC Hoàng Linh – người từng xuất hiện trong clip giới thiệu sản phẩm, vẫn giữ im lặng.
Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, hai nghệ sĩ khác là BTV Quang Minh và MC Vân Hugo mới bị lập biên bản xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Trong đó, BTV Quang Minh: bị phạt 37,5 triệu đồng vì quảng cáo sai quy định, sử dụng tên bác sĩ, điều cấm trong quảng cáo thực phẩm. MC Vân Hugo: bị phạt 70 triệu đồng do quảng cáo gây nhầm lẫn nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu chỉ phạt hành chính có đủ để xoa dịu những người dân đang chịu hậu quả?
Nghệ sĩ có thể bị xem là đồng phạm
Tại buổi họp báo ngày 21/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy phần lớn nghệ sĩ, KOLs chưa có kiến thức pháp lý căn bản. Họ nhận quảng cáo vô tội vạ, không kiểm chứng sản phẩm. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh”.
Ông cũng cảnh báo: Khi nghệ sĩ hợp tác quảng bá với vai trò đại diện thương hiệu, thậm chí nhận cổ phần từ công ty đó, họ có thể bị xem là đồng phạm sản xuất hàng giả, nếu sản phẩm vi phạm bị điều tra hình sự.

BTV Quang Minh: bị phạt 37,5 triệu đồng vì quảng cáo sai quy định, sử dụng tên bác sĩ – điều cấm trong quảng cáo thực phẩm
NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng lên tiếng: “Không ai đứng ngoài pháp luật. Dù là nghệ sĩ hay không, nếu quảng cáo sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm. Nếu lừa đảo, làm hàng giả, mức xử lý có thể là hình sự”.

MC Vân Hugo: bị phạt 70 triệu đồng do quảng cáo gây nhầm lẫn nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh mạng xã hội lan truyền thông tin nhanh chóng, người tiêu dùng dễ trở thành nạn nhân khi đặt trọn niềm tin vào người nổi tiếng. Theo ông Lê Quang Tự Do, tới đây, các bộ như Y tế, Công Thương cần siết chặt việc kiểm định sản phẩm trước khi cho phép quảng cáo, đặc biệt với thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Đồng thời, Bộ TT&TT đang kiến nghị thể chế hóa Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vốn hiện nay chỉ dừng ở mức “khuyến khích” thành quy phạm pháp luật, để có chế tài xử lý rõ ràng hơn.