Trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng?
Người tiêu dùng đang rơi vào cảnh 'tiến thoái lưỡng nan' sau khi phát hiện loại sữa mà họ đã tin tưởng mua cho người thân lại nằm trong gần 600 sản phẩm sữa giả vừa bị cơ quan chức năng công bố.

Cơ quan điều tra phát hiện lô sữa giả đang được đóng gói. Ảnh: BÁO CAND
Chị Mai Anh (Biên Hòa, Đồng Nai) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng. Suốt hai tháng qua, chị đã mua hơn 10 lon sữa mà bị cho là sữa “cỏ” (sữa không nổi tiếng) cho mẹ đang điều trị hồi phục sau tai nạn.
“Mẹ tôi ăn uống kém, chỉ chịu uống sữa. Mấy loại nổi tiếng như Vinamilk thì mẹ không thích, chỉ chịu mấy loại “nhãn lạ”. Uống vào thấy mẹ tăng cân nhanh, tôi mừng lắm. Giờ mới thấy lo”, chị chia sẻ.
Sữa chị mua từ một người bán trên mạng có tài khoản Hương Tits, giá từ 100.000 - 150.000 đồng/hộp 900g. Dù không rõ những hộp sữa ấy có nằm trong danh sách sữa giả không, chị vẫn lập tức đưa mẹ đi khám sau khi đường dây sữa giả bị triệt phá.
May mắn, kết quả chưa ghi nhận điều gì bất thường. Tuy nhiên, điều khiến chị bức xúc hơn là khi lên mạng cảnh báo, người bán lại quay ra mắng ngược chị là “ham của rẻ”. Hiện tài khoản kia đã khóa, bài viết cũng “bốc hơi”, chị không thể truy vết được.
Còn chị N.T.H bày tỏ sự xót xa khi con vừa sinh ra đã uống sữa giả. Chị cho biết là công nhân, còn chồng lao động tự do, thu nhập bấp bênh nhưng cũng muốn con được uống sữa để bổ sung dinh dưỡng.
“Tôi mua sữa phù hợp với túi tiền ở cửa hàng sữa gần nhà. Khi có thông tin sữa giả, tôi liền kiểm tra xem nguồn gốc xuất xứ, nào ngờ là sữa giả. Tôi hối hận lắm”, chị H. ngậm ngùi.
Không chỉ người tiêu dùng thông thường, mà cả bệnh nhân trong bệnh viện cũng trở thành nạn nhân của “cơn bão” sữa giả.
Chị Quỳnh Trang, bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kể lại: “Sau ca phẫu thuật vào đầu tháng 4, tôi được đưa về phòng bệnh đã thấy hộp sữa Hofumil Gold Plus kèm hóa đơn 900.000 đồng. Cứ nghĩ là bác sĩ kê, tôi mang về biếu bố mẹ. Đến khi thấy tin sữa giả tràn lan, tôi tá hỏa kiểm tra thì biết đó là sản phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharmar đã bị Bộ Công an khởi tố!”.
Đến nay đã xác định được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn bán sản phẩm sữa nằm trong danh sách sữa giả cho bệnh nhân.
Các bệnh viện đã đưa ra thông báo thu hồi và hoàn trả số tiền mà bệnh nhân đã mua. Nhưng niềm tin của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế không còn nguyên vẹn.
Từ cửa hàng “mẹ và bé”, sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, đến bệnh viện, sữa giả, sữa kém chất lượng đã “chui” vào mọi ngóc ngách để đến với nhiều gia đình.
Sự việc đã diễn ra suốt bốn năm qua kể từ khi Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharmar và 10 công ty con được thành lập để sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả mà lực lượng chức năng đã công bố.
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về niềm tin mù quáng vào “sữa xách tay”, “sữa giá rẻ”, “hàng nội địa chất lượng cao” mà không kiểm tra nguồn gốc rõ ràng.
Thực tế, hiện nay trên các sàn thương mại điện tử còn rất nhiều loại sữa “không tên tuổi” vẫn đang được rao bán. Khi tìm hiểu thêm về sản phẩm, các trang mạng này chỉ mô tả, giới thiệu về sản phẩm, tác dụng, thành phần… và không có một dòng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Ngoài ra, trên mạng xã hội, cũng xuất hiện nhiều thông tin rao bán sản phẩm sữa bị cho là hết hạn, sắp hết hạn với giá rất rẻ cho loại sữa 400g và 900g chỉ từ 25.000 đồng/lon trở lên để phục vụ chăn nuôi.
Bên cạnh việc phát hiện đường dây làm sữa “giả”, sữa kém chất lượng, sữa không đúng thành phần như công bố…, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ đường dây tiêu thụ, và các cơ sở vẫn tiếp tục bán những loại sữa này.
Về hậu quả của việc sử dụng sai sữa, ThS, BS Phạm Thị Thanh Huyền, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng cho hay, với người bệnh mắc bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, suy thận…), nếu lựa chọn sai sữa hay sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng không những không làm thuyên giảm bệnh mà có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, xuất hiện biến chứng bệnh sớm hơn.
“Do đó, người tiêu dùng nói chung và người bệnh nói riêng nên lựa chọn sản phẩm một cách thông minh: Chọn sữa có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận an toàn đầy đủ. Không nên sử dụng sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc; Đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng. Tùy theo từng tình trạng bệnh lý, nên tham khảo ý kiến các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi chọn loại sữa phù hợp”, bác sĩ Huyền khuyến cáo.
Mặc dù đã có đủ các cơ quan quản lý về các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng với gần 600 loại sữa giả đến nay vẫn chưa được thu hồi và chưa ai chịu trách nhiệm.
Về vấn đề này, trả lời Văn Hóa, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội cho rằng, cần phải nhìn nhận một cách tổng thể và trách nhiệm toàn bộ quy trình quản lý thực phẩm chức năng, từ khâu công bố đến hậu kiểm, nếu không muốn bi kịch này tiếp tục tái diễn.
Theo quy định, vấn đề này đã phân cấp quản lý cho địa phương như tiếp nhận công bố, công bố hoặc tự công bố của doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải có hướng dẫn cụ thể.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/trach-nhiem-thuoc-ve-nguoi-tieu-dung-129135.html