Khi 'nghệ thuật' phải đáo tụng đình

Có lẽ câu hỏi 'Nghệ thuật là gì' được tranh cãi nhiều không kém gì câu hát 'Hỡi thế gian tình ái là chi. Mà đôi lứa hẹn thề sống chết?' của nhân vật Lý Mạc Sầu(1) trong truyện Kim Dung. Việc đi tìm định nghĩa cho 'nghệ thuật' tưởng chừng như vô nghĩa, vậy mà ít ai biết rằng nàng 'nghệ thuật' đã nhiều lần ngậm ngùi bước vào phòng xử án.

Như trong các câu chuyện trinh thám, khi thủ phạm là người ít bị nghi ngờ nhất, người đầu tiên khiến “nghệ thuật” phải hầu tòa là “người” khó đoán nhất vì mối quan hệ xa vời vợi với lĩnh vực thơ mộng này: thuế hải quan.

Từ cuối thế kỷ 19, nước Mỹ nhập khẩu khá nhiều các tác phẩm nghệ thuật. Và khi nhân viên hải quan và nhà nhập khẩu bất đồng về việc phân loại hàng hóa, các thẩm phán trở thành nhà phê bình nghệ thuật bất đắc dĩ để trả lời một câu hỏi mang đầy tính triết học “liệu đây có phải là một tác phẩm nghệ thuật?”.

“Nghệ thuật” nơi cửa khẩu: càng nghệ thuật, càng ít thuế

Một trong những vụ việc sớm nhất về vấn đề này là Tutton v. Viti (1883) xảy ra tại Mỹ, liên quan đến bảy bức tượng đá hoa cương nhập khẩu từ Ý. Tất cả các bức tượng, vốn là bản sao từ các mô hình gốc, do những nhà điêu khắc chuyên nghiệp thực hiện dưới sự hướng dẫn của một nghệ nhân chuyên nghiệp khác trong xưởng của người này. Số tiền thuế phải trả cho lô hàng nhập khẩu phụ thuộc vào việc giải thích các điều khoản của Đạo luật Hải quan Mỹ: liệu đây là sản phẩm từ đá hoa cương (manufactures of marble) và sẽ chịu mức thuế 50%; hay chúng là tượng điêu khắc (statuary) và được hưởng mức thuế thấp hơn, chỉ 10%? Thuật ngữ tượng điêu khắc được định nghĩa là sản phẩm chuyên nghiệp của một nghệ sĩ điêu khắc.

Theo các thẩm phán, Quốc hội Mỹ đã có lý do khi đặt một mức thuế thấp đáng kể cho “tượng điêu khắc” nhằm khuyến khích việc nhập khẩu các tác phẩm nghệ thuật. Các nhà lập pháp phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm được chế tác trong xưởng điêu khắc của một nghệ nhân, dưới sự giám sát trực tiếp của người này hoặc do chính họ thực hiện, và sản phẩm một thợ thủ công hoặc kỹ thuật viên được thực hiện trong một cửa hàng đá hoa cương thông thường.

Lập luận của cơ quan thuế rằng, những bức tượng nói trên không phải tác phẩm nghệ thuật vì chúng không phải là tác phẩm gốc và tác giả tạo ra chúng không phải là nghệ nhân chuyên nghiệp cho dù họ tự xưng như vậy. Tòa án có quan điểm rằng không có sự khác biệt giữa kỹ năng nghệ thuật để tạo ra một tác phẩm gốc và một bản sao của các kiệt tác cổ điển và vì vậy các bản sao cũng được xem như là tác phẩm nghệ thuật có cấp độ cao như những tác phẩm gốc ban đầu. Như vậy, qua vụ việc này, tòa án đã xem xét nghệ thuật thông qua quá trình sáng tạo chứ không phụ thuộc vào nguồn gốc ý tưởng.

Từ năm 1903, trong vụ Bleistein vs. Donaldson Lithographing Co., thẩm phán Holmes đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của thẩm phán và sự tinh tế của tòa án khi giải quyết các vấn đề liên quan đến nghệ thuật. Ông nhấn mạnh rằng sẽ rất nguy hiểm nếu những người chỉ được đào tạo về luật nhưng lại cho phép mình hành xử như những người có tiếng nói cuối cùng về nghệ thuật, ngoại trừ những vấn đề hẹp nhất và rõ ràng nhất. Theo ông, bất kỳ tác phẩm nào thu hút sự quan tâm của công chúng đều có giá trị thương mại và sở thích của bất kỳ công chúng nào cũng không nên bị coi thường.

“Bird in Space”: Khi nghệ thuật không giống thực tế

Khi nói đến các tranh cãi liên quan đến nghệ thuật nơi cửa đình, không thể không nhắc đến vụ việc “Bird in Space” của Constantin Brancusi, một nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng.

Bird in Space. Nguồn: https://www.guggenheim.org/artwork/669

Bird in Space. Nguồn: https://www.guggenheim.org/artwork/669

“Bird in Space” là một bức tượng đồng cao, mảnh, thể hiện chuyển động trừu tượng của một chú chim đang bay. Năm 1927, khi Brancusi nhập khẩu tác phẩm này vào Mỹ, các quan chức hải quan không chấp nhận rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, họ đã áp đặt mức thuế 40% vốn được dành cho các đồ vật bằng kim loại. Theo Đạo luật Thuế quan năm 1922, để nhận được sự ưu đãi về thuế, một tác phẩm điêu khắc phải không có mục đích thực tế, độc bản, do một nhà điêu khắc chuyên nghiệp thực hiện. Mặc dù cả Brancusi và cơ quan thuế đều đồng tình rằng “Bird in Space” không có mục đích sử dụng thực tế và đây là tác phẩm độc bản, đôi bên tranh cãi gay gắt liệu “Bird in Space” có phải là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật hay không.

Trong quá trình tố tụng, Brancusi phải giải thích rằng tác phẩm của ông thể hiện sự biểu đạt trừu tượng về chuyển động và hình dạng của một con chim hơn là việc mô phỏng lại chú chim trong thực tế. Thậm chí, tòa án phải mời các chuyên gia để đưa ra nhận định. Trải qua nhiều phiên xét xử, vào năm 1928, tòa án đã ủng hộ Brancusi, công nhận “Bird in Space” là một tác phẩm nghệ thuật, mở đầu cho một tiền lệ quan trọng về nhận thức nghệ thuật trừu tượng. Tòa án khi đó nói rằng một tác phẩm có phải là nghệ thuật hay không, không liên quan tới con chim mà nghệ sĩ tạo ra có giống với thực tế hay không.

Câu chuyện này rất giống với những tranh cãi tại Việt Nam về linh vật Mèo của năm Quý Mão 2023 khi những chú mèo có hình dáng khác thường bị chê quá xấu xí và không giống với một con mèo thông thường. Trong khi đó, nàng mèo được bình bầu đẹp nhất đa phần đến từ lý do, nàng ấy nhìn giống mèo nhất! Quả thật, nghệ thuật trừu tượng bao giờ cũng bị đặt nhiều dấu chấm hỏi về tính nghệ thuật.

“Nghệ thuật” trong Luật Bản quyền: thẩm phán cũng rối nùi!

Một lĩnh vực luật khác mà “nghệ thuật” cũng thường xuyên phải hầu tòa là Luật Bản quyền. Điển hình cho tranh cãi này có thể tìm thấy tại Anh Quốc khi Luật Bản quyền bảo hộ tác phẩm thủ công nghệ thuật (a work of artistic craftsmanship) – một định nghĩa đã gây ra không ít sóng gió nơi công đường. Án lệ của Anh nhiều lần gợi ý rằng đó phải là một tác phẩm “thủ công” có sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, mang lại điều gì đó “nhiều hơn” là sự hấp dẫn về mặt thị giác thuần túy. Tuy nhiên, điều gì đó là điều gì thì các thẩm phán cũng… bó tay!

Chẳng hạn như trong vụ việc Lucasfilm Limited v. Andrew Ainsworth, Tòa án Tối cao Anh có nhắc đến quyết định của Tòa án Tối cao New Zealand trong vụ Bonz Group (Pty) Ltd v Cooke phân biệt giữa một thợ thủ công và một nghệ sĩ.

Đồ nội thất The “BronX” Suite. Nguồn: https://www.cipil.law.cam.ac.uk/virtual-museum/hensher-v-restawile-1976-ac-64

Đồ nội thất The “BronX” Suite. Nguồn: https://www.cipil.law.cam.ac.uk/virtual-museum/hensher-v-restawile-1976-ac-64

Nếu thợ thủ công là người làm ra một thứ gì đó một cách khéo léo và tự hào về tay nghề của mình, nghệ sĩ là người có khả năng tạo ra điều gì mang tính thẩm mỹ. Tòa lấy ví dụ, những người thợ may là thợ thủ công vì họ có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và công sức trong việc may áo quần. Ngược lại, nhà thiết kế là một nghệ sĩ vì người này mang tính nghệ thuật vào thiết kế để một bộ trang phục có đủ sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ.

Đôi lúc, tòa án phải dựa vào ý định sáng tạo của tác giả để phân định. Trong Lucasfilm, Tòa án Anh cho rằng việc nhà thiết kế làm ra mũ bảo hiểm Stormtrooper trong bộ phim Star Wars nhằm hiện thực hóa ý tưởng của đạo diễn, chứ người này không hề có ý định xem sản phẩm của mình là một tác phẩm nghệ thuật. Chúng là tác phẩm thủ công chứ không phải là tác phẩm thủ công mang tính nghệ thuật.

Một vụ việc gây ra rất nhiều tranh cãi là George Hensher Ltd v Restawile Upholstery (Lancs) Ltd vào năm 1976 cũng tại Anh, liên quan tới câu hỏi liệu một bộ nội thất (bao gồm một chiếc ghế sofa và một chiếc trường kỷ, xem ảnh The “BronX” Suite), có phải là tác phẩm nghệ thuật.

Các thẩm phán nhất trí rằng đây không phải là tác phẩm nghệ thuật và rằng tòa án không nên đánh giá về mặt thẩm mỹ vì họ có thể là những chuyên gia về ngôn ngữ, nhưng họ không phải là chuyên gia về nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi người đều có lý do khác nhau cho kết luận của mình, và điều này khiến cho công chúng và học giả đã bối rối càng thêm bối rối.

Thẩm phán Reid và Kilbrandon có cùng quan điểm rằng, tòa án nên dựa vào ý định của tác giả khi tạo ra sản phẩm để kết luận đây có phải là tác phẩm nghệ thuật. Theo Reid, nếu một phần của công chúng ngưỡng mộ và đánh giá một vật vì hình thức bên ngoài và họ cảm thấy hài lòng hoặc thích thú khi ngắm nhìn nó, ông sẽ chấp nhận rằng đó là nghệ thuật, mặc dù nhiều người khác không nghĩ vậy. Ông cho rằng, chúng ta có thể nhầm lẫn khi đồng nhất thủ công với nghệ thuật nhưng theo ông, “tác phẩm nghệ thuật” (work of art) nghiêng về mỹ thuật (fine art) nhiều hơn là thủ công và vì vậy, chúng có tiêu chuẩn cao hơn. Trong vụ việc hiện tại, mục tiêu của nguyên đơn là sản xuất một sản phẩm bán được và họ đã thành công, nên đây không phải là tác phẩm nghệ thuật. Có thể nhiều khách hàng đã mua đồ nội thất vì tính thẩm mĩ và sự thoải mái. Tuy nhiên, với ông, trông đẹp chưa chắc đã đạt đến mức hấp dẫn về mặt nghệ thuật.

Trong khi đó, thẩm phán Kilbrandon cho rằng việc nhiều người thích ngắm nhìn một tác phẩm chân thật (honest work), đặc biệt là trong các nghề truyền thống, không đủ để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật.

Thẩm phán Morris và Simon cho rằng câu trả lời có sức thuyết phục nhất có thể đến từ những người đã được công nhận là nghệ nhân thủ công hoặc các chuyên gia liên quan đến việc đào tạo nghệ nhân. Vì không có chuyên gia nào xác nhận rằng đồ nội thất là một tác phẩm thủ nghệ thuật, vì vậy hai ông cũng đồng ý với họ.

Ngược lại với các đồng nghiệp của mình, thẩm phán Dilhorne phản đối việc đá quả bóng trách nhiệm sang công chúng và các chuyên gia, vì ông quan điểm rằng việc đưa ra phán quyết là trách nhiệm của một thẩm phán. Thẩm phán có thể dựa vào ý kiến của công chúng và các bằng chứng do chuyên gia trình bày, nhưng thẩm phán không thể ủy quyền cho công chúng quyết định thay mình.

Tương tự, thẩm phán Kilbrandon khẳng định rằng định nghĩa “nghệ thuật” trong trường hợp này phải mang tính pháp lý, vì nó liên quan đến việc ý định lập pháp. Theo ông, vì đây là từ ngữ thông thường, nên các thẩm phán không cần có sự giải thích của các chuyên gia. Đó là trách nhiệm của thẩm phán xác định liệu đối tượng đang tranh chấp có thuộc phạm vi ý nghĩa thông thường của từ này hay không. Khái niệm “nghệ thuật” không phù hợp để mô tả sản phẩm nội thất.

Lời kết

Không khó để nhận ra rằng, định nghĩa “nghệ thuật” không chỉ là thách thức đối với cộng đồng nghệ sĩ mà còn là trách nhiệm của hệ thống pháp lý. Đối diện với câu hỏi “khi nào một đối tượng được coi là tác phẩm nghệ thuật”, các thẩm phán thường phải đối mặt với những khía cạnh phức tạp và đôi khi mâu thuẫn. Thực tế, mặc dù các thẩm phán cố gắng tránh đưa ra quan điểm cá nhân khi tiếp cận khía cạnh “nghệ thuật”, những sáng tạo có tính hữu ích và thực tế (như thời trang và sản phẩm nội thất) thường phải vượt qua một ngưỡng cao hơn để được coi là nghệ thuật. Nếu một sản phẩm được sản xuất hàng loạt, rất khó để chúng được xem là tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ cuối cùng, tính độc bản của tác phẩm nghệ thuật vẫn là yếu tố chi phối quyết định của thẩm phán.

(*) Giảng dạy Luật Sở hữu trí tuệ, Đại học Durham, Vương quốc Anh

(1) Mặc dầu đây là hai câu thơ của nhà văn Nguyên Hiếu Vấn, chúng lại được gắn vào tên tuổi của nhân vật Lý Mạc Sầu trong bộ Thần điêu đại hiệp (hay Ỷ thiên đồ long ký) của nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung.

Lê Vũ Vân Anh(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-nghe-thuat-phai-dao-tung-dinh/