Khi nghệ thuật Tuồng 'se duyên' Vinahouse

Từ một trình thức biểu diễn mang tính quy chuẩn, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, nghệ thuật Tuồng được các nghệ sĩ trẻ khoác lên một tấm áo mới với những giai điệu tân thời, nghe thật bắt tai của Vinahouse. Để rồi, tạo nên một sân khấu hội tụ cả truyền thống lẫn hiện đại, làm bừng tỉnh mọi giác quan thông qua các chuyển động, thanh âm trong đêm diễn mang tên 'Đối diện với vô cùng'.

Nối dài miền ký ức về nghệ thuật Tuồng

Vừa qua, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra buổi trò chuyện Chúng ta sống bằng những ẩn dụ. Đây là hoạt động giới thiệu cho vở múa Đối diện với vô cùng do Lên ngàn phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng các đơn vị nghệ thuật tổ chức.

Điều phối viên buổi trò chuyện Nguyễn Xuân Sơn trao đổi cùng với các nghệ sĩ Tú Hoàng, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Hà Nguyên Long (từ trái sang).

Điều phối viên buổi trò chuyện Nguyễn Xuân Sơn trao đổi cùng với các nghệ sĩ Tú Hoàng, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Hà Nguyên Long (từ trái sang).

Theo chia sẻ từ nhạc sĩ, nhà sáng lập Lên ngàn Nguyễn Quốc Hoàng Anh thì "tác phẩm mới lần này kết hợp những bản nhạc gốc của âm nhạc truyền thống Việt Nam với các sáng tác mới lấy cảm hứng từ âm nhạc của nghệ thuật Tuồng, các yếu tố âm thanh của nhạc tôn giáo, âm nhạc thể nghiệm và đặc biệt là chất liệu từ văn hóa đại chúng Vinahouse”.

Trước đó, Lên ngàn của anh đã thành công trong những cuộc phiêu lưu qua các chất liệu dân gian như Âm thanh sắc màu (2019), hay phát triển nền tảng sân khấu biểu diễn từ nghệ thuật Tuồng qua Cõi thinh không (2020), kết hợp âm nhạc dân gian và âm nhạc thể nghiệm trong Thanh cảnh (2023), và gợi nhớ ký ức mang tính sử thi, bi hùng như trong Vọng âm (2023),…

Chất liệu Tuồng có thể nói là nguồn cảm hứng chưa có dấu hiệu vơi cạn trong tư duy nghệ thuật phong phú của Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Song, để nối dài sự hấp dẫn cho những câu chuyện kể về Tuồng, nét đặc sắc trong Đối diện với vô cùng được anh bật mí: “Tác phẩm này sẽ được biểu diễn dưới hình thức đa dạng, và các nghệ sĩ múa khác nhau mang đến những bản sắc khác nhau về sự đối diện với điều vô thường trong đời sống: cái chết”.

Thai nghén ý tưởng kết hợp truyền thống với hiện đại

“Không ít bạn trẻ vẫn còn mông lung về loại hình nghệ thuật lâu đời này. Thậm chí, nhiều người còn nhầm lẫn giữa Tuồng với Chèo”. Lời tâm sự của NSND Phạm Tuấn Ngọc, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, như gợi lên trong lòng những người tới tham dự, cũng như các nghệ sĩ nỗi trăn trở. Việc một loại hình sân khấu lâu đời như Tuồng vẫn chưa xa lạ trong mắt không ít người càng thôi thúc trong các nghệ sĩ trẻ phải tìm ra một ngôn ngữ biểu đạt mới, để giúp môn nghệ thuật này dễ dàng đến gần hơn với công chúng.

Tình cờ, trong những lần lướt mạng xã hội, Tú Hoàng xem được các video quay lại điệu Vinahouse được phát lên trong các đám cưới, thu hút được nhiều người tham gia nhảy múa. Anh cảm thấy cuốn hút trước năng lượng từ tập thể tạo ra trong từng động tác nhảy. So với nhiều điệu nhạc khác, việc mọi người nhảy theo nhạc Vinahouse thường là dựa vào cảm hứng, mà chưa có động tác quy chuẩn nào. Hiện lên trong suy nghĩ của Tú Hoàng, sẽ ra sao nếu kết hợp một nghệ thuật mang tính đại chúng cao như Vinahouse với nghệ thuật Tuồng – một nghệ thuật tuy giàu giá trị, nhưng có vẻ xưa cũ.

Tái hiện trích đoạn trong vở tuồng kinh điển San hậu trên sân khấu Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo 2023. Ảnh tư liệu

Cả 3 nghệ sĩ cũng công nhận, mới nhìn qua cũng có thể thấy ở Tuồng và Vinahouse không có mối liên quan nào tới nhau. Tuồng là nghệ thuật truyền thống gắn với yếu tố cung đình, đề cao tính bác học, hàn lâm. Có thể xem, đây là loại hình đỉnh cao của sân khấu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Còn Vinahouse là nhạc sàn, thuộc dòng nhạc House do người Việt tạo ra. Nguyễn Quốc Hoàng Anh nhận thấy, Vinahouse thuộc về văn hóa đại chúng, tất cả những người nghe đều có thể hòa mình theo điệu nhạc bằng vũ đạo theo cảm hứng cá nhân. Bởi loại nhạc này chưa được nâng lên thành trình thức biểu diễn.

Tạo nên sự ‘vô cùng’ trong nghệ thuật trình diễn

Thử thách đầu tiên đặt ra cho các nghệ sĩ là phải cố gắng tìm cho ra điểm giao thoa giữa Tuồng và Vinahouse. Dưới góc nhìn của Nguyễn Quốc Hoàng Anh, anh phát hiện, cả hai loại hình nghệ thuật này đều đạt đến sự xuất thần. Nghệ sĩ khi thả mình vào vai diễn trong vở tuồng, họ như bước vào hành trình tìm về thân phận con người thông qua những vai diễn phản ánh mối quan hệ quân thần, nghĩa khí huynh đệ,… Còn khi nhảy múa trong điệu nhạc Vinahouse, người ta dường như xóa nhòa khoảng cách xa lạ để cùng hòa chung vào giai điệu, đó cũng là sự xuất thần.

“Từ sự kết hợp đó, nó tạo ra một trải nghiệm vô cùng”, Nguyễn Quốc Hoàng Anh quả quyết. “Vô cùng” theo Nguyễn Quốc Hoàng Anh là lời các bạn trẻ thường nói đùa với nhau khi gặp một điều gì khó mà chẳng thể lý giải được. Đó là những điều mà đôi khi ta không biết trước được nó là gì, nó xảy đến như thế nào. Nguyễn Quốc Hoàng Anh cùng nhóm nghệ sĩ táo bạo lựa chọn đối diện với nó: “Chúng tôi muốn nhìn vào điểm tận cùng – sự vô hạn của đời sống, đặt nó ra phía trước để đối diện với những khái niệm của truyền thống”.

Vở diễn Cõi thinh không do Lên ngàn thực hiện và được biểu diễn Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội).

Cũng chính từ đây, ý tưởng cho cái tên Đối diện với vô cùng được ra đời. Mà ở đó cùng tồn tại quá khứ và tương lai, những đại lượng không thể mường tượng và mang trong nó cả truyền thống và hiện tại. Con người đối diện với cả cái có và không, cả ký ức và những gì chưa đến. Các nhân vật đối diện với nhau và đối diện với bản thân mình trong mối tương quan với di sản bản địa và xã hội đương đại đa tầng biến động cùng lúc ở thế lưỡng nan – giữa bên trong và bên ngoài, phương Đông và phương Tây.

Lên ngàn lựa chọn hình thức sân khấu đương đại thể nghiệm, một chất liệu “đo ni đóng giày” cho quá trình thực hành nghệ thuật thong dong, điềm tĩnh vốn có của các nghệ sĩ. Xuyên suốt tác phẩm, các chi tiết mang chất liệu cổ truyền đan xen với các yếu tố xã hội mang tính đại chúng. Chúng đóng vai trò như phép ẩn dụ ý nhị về xung đột trong những bước chuyển giao của xã hội.

Từng phép ẩn dụ đan xen trong các lớp lang của vở diễn như thể bóc tách những lễ nghi cổ truyền, tập quán xưa cũ, quy tắc trong xã hội tồn tại trong xã hội giữa người với người.

Vở diễn Đối diện với vô cùng được chia thành ba chương, gồm: Chương I - Nối kiếp điêu linh; Chương II - Chẳng còn gì phía sau; Chương III - Muôn thuở chiêm bao. Từng chương lại nâng cảm xúc của người xem lên một nâng thang của sự chiêm nghiệm khác nhau.

Khán giả yêu nghệ thuật có thể tới thưởng thức vở diễn vào lúc 20 giờ trong ba ngày từ 2-4.8 tại Rạp Hồng Hà (51A Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-nghe-thuat-tuong-se-duyen-vinahouse-44612.html