Khi ngoại giao và khoa học bắt tay nhau làm nên điều kỳ diệu
Thụy Sỹ là nước thúc đẩy mạnh mẽ 'ngoại giao khoa học' như một giải pháp cần thiết để chống lại các thách thức toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19.
Alexandre Fasel (AF), đại diện đặc biệt đầu tiên của Thụy Sỹ về ngoại giao khoa học ở Geneva, đã giải thích về khái niệm vẫn còn mới mẻ này.
Khi các nhà khoa học khám phá ra phát kiến mới, không phải lúc nào họ cũng biết được công dụng thực tế cũng như những hậu quả và hiệu quả mà khám phá đó có thể gây ra đối với xã hội. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các kỹ sư phát triển công nghệ liên quan.
Nếu nhìn lại lịch sử, khi nhà vật lý người Áo Lise Meitner và nhà hóa học người Đức Otto Hann phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân ở Berlin vào năm 1938, họ không hề biết rằng, đây chính là khởi nguồn cho quả bom nguyên tử vài năm sau đó.
Về phần mình, khi giải quyết các vấn đề toàn cầu, không phải lúc nào các nhà ngoại giao cũng nắm rõ những bước cần làm tiếp theo để xử lý các thách thức. Thay vào đó, "ném đá dò đường" là lựa chọn được sử dụng nhiều hơn cả.
Trước thực tế này, Thụy Sỹ đang ủng hộ một cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết những thách thức của thế giới, đó là hỗ trợ một nền tảng mới - Cơ quan dự báo Khoa học và Ngoại giao Geneva (GESDA)- được tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Geneva từ ngày 7-9/10.
Khoa học và đàm phán ngoại giao
Ngoại giao khoa học bao gồm các hoạt động đa dạng, trong đó có thể phân làm ba mảng chính: ngoại giao khoa học, khoa học ngoại giao và khoa học trong ngoại giao.
Theo đó, ngoại giao khoa học là việc thực hiện các hoạt động khoa học thông qua ngoại giao, từ đó mở ra cơ hội cho hợp tác khoa học quốc tế.
Một ví dụ là Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nơi cần rất nhiều nỗ lực ngoại giao để gắn kết các quốc gia với nhau, từ đó hướng đến mục tiêu thành lập một công ước hoặc tìm kiếm nguồn tài trợ.
Tiếp đến là khoa học ngoại giao. Trung tâm nghiên cứu xuyên quốc gia Biển Đỏ (TRSC) là một dự án nghiên cứu tập trung vào các loài san hô độc đáo của Biển Đỏ, qua đó thực hiện giao thiệp ngoại giao thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học.
Dù không phải lúc nào cũng có quan hệ ngoại giao khăng khít, song 10 quốc gia giáp Biển Đỏ đều có lợi ích chung trong dự án khoa học này.
Dự án đã tạo điều kiện cho các quốc gia - vốn không ủng hộ hợp tác - ngồi lại làm việc cùng nhau và xây dựng lòng tin. Dự án sau đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận các vấn đề khác, ít tính chất khoa học hơn và mang tính ngoại giao hơn.
Cuối cùng, khoa học trong ngoại giao là khi khoa học hoàn toàn trở thành công cụ trong ngoại giao.
Một ví dụ điển hình là Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Việc tổng hợp kiến thức khoa học hiện có về biến đổi khí hậu giúp đưa ra tầm nhìn dựa trên dữ liệu và do đó được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Tầm nhìn này được nhìn nhận là ổn định và vững chắc về mặt khoa học, giúp xác định đối tượng của cuộc thảo luận và những thách thức mà ngoại giao phải đối mặt. Nếu không có IPCC, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ không được như ngày nay.
Ngoại giao khoa học với Covid-19
Với tư cách là quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện International Geneva, Thụy Sỹ cam kết không ngừng để hệ thống quản trị toàn cầu có hiệu quả, mạnh mẽ và vững chắc, qua đó tăng thêm sức nặng cho công tác nghiên cứu khoa học.
Với việc Thụy Sỹ là một nước sở hữu nhiều nguồn lực và mạng lưới quan trọng trên thế giới, điều này đã trở thành động lực kép thúc đẩy Geneva đầu tư vào lĩnh vực ngoại giao khoa học, trong đó việc thành lập GESDA là một thành tựu tiêu biểu của chính sách này.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, vaccine phòng Covid-19 là một chiến thắng đáng kinh ngạc của khoa học.
Bởi lẽ không ai tin rằng, các nhà khoa học có thể phát triển vaccine hiệu quả và an toàn trong một thời gian ngắn như vậy. Ngoại giao khoa học đã đóng góp tích cực vào thành công này, bằng cách tạo điều kiện hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và nhà phân phối trên thế giới.
Bên cạnh đó là chương trình COVAX của Liên hợp quốc, một công cụ quốc tế nhằm cung cấp vaccine cho nhiều người nhất có thể. Đây có thể coi là ví dụ điển hình của những nỗ lực ngoại giao và đột phá khoa học trong thời điểm cần thiết.