Khi người cao tuổi… không hưu

Ngày nay, nhờ công nghệ, chúng ta biết tới những nhà khoa học, những thầy cô dù lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài với hành trình một đời của mình…

Thầy Nguyễn Xuân Khang khóc khi cầm danh sách học sinh trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh bị mất và bị thương sau lũ. (Ảnh: N.T)

Thầy Nguyễn Xuân Khang khóc khi cầm danh sách học sinh trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh bị mất và bị thương sau lũ. (Ảnh: N.T)

Người thầy của những dự án nhân văn

Những ngày qua, thông tin thầy Nguyễn Xuân Khang (75 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, lấy nước mắt của nhiều người.

Thầy Khang chia sẻ, khi cả nước hướng về đồng bào các địa phương miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thầy cũng có nhiều đêm không ngủ. Nhiều lần rơi nước mắt dù chỉ cập nhật tình hình qua báo đài, nhất là trận lũ quét gây tang thương ở Làng Nủ.

Là hiệu trưởng một ngôi trường nổi tiếng, khang trang, cơ sở vật chất hiện đại, đoạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc như Trường Marie Curie, nhưng thầy nổi tiếng với những dự án cho vùng cao. Thầy Nguyễn Xuân Khang là một trong những học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam. Năm 1968, thầy theo học ngành vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội có tới 275 sinh viên. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, lớp chỉ còn hơn 70 người do nhiều bạn đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do mắt và sức khỏe không đạt yêu cầu, thầy không thể tham gia chiến trường như các bạn…

Nhắc đến thầy Khang, nhiều người không còn lạ với những dự án thiện nguyện được thầy gửi đến các thầy trò, học sinh vùng khó. Đầu năm 2024, thầy khởi động dự án xây Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Ngôi trường dự kiến tuyển sinh từ năm học 2026 - 2027. Trước đó, năm 2021, thầy Khang và Trường Marie Curie đã thực hiện dự án trồng 20.000 cây sa mộc tại Hà Giang. Dự án đang trong giai đoạn về đích vào cuối năm nay. Và khởi đầu bằng tên gọi “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” nhưng khi kết thúc dự án, sẽ có khoảng 40.000 - 50.000 cây xanh tạo thành khu rừng Marie Curie ở địa đầu Tổ quốc.

Nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học ở Mèo Vạc, năm 2022, thầy đã khởi xướng dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho hơn 26.000 học sinh nơi đây với kinh phí 2 tỷ đồng/năm. Dự án này kéo dài trong 3 năm và nhận được sự lan tỏa từ nhiều trường học khác.

Khi việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc bước vào năm thứ hai, cũng là lúc thầy canh cánh nỗi lo khi kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu giáo viên. Nghĩ vậy, năm 2023, thầy đề xuất với UBND huyện Mèo Vạc về việc đào tạo 30 giáo viên Tiếng Anh địa phương thông qua hình thức cử tuyển, dự tính tổng kinh phí từ 6 đến 12 tỷ đồng. Trường Marie Curie hỗ trợ học phí, ăn ở cho các sinh viên tham gia dự án với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Hiện đã có 17 sinh viên tham gia và dự kiến sẽ tuyển thêm 13 em trong năm tới.

Rồi khi thầy đang bộn bề với việc thực hiện cùng lúc 4 dự án lớn, kinh phí cả trăm tỷ đồng cho huyện Mèo Vạc thì tin tức về vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khiến nhiều đứa trẻ bỗng chốc mồ côi bố mẹ, hay chỉ còn bố hoặc mẹ khiến thầy không khỏi xót xa. Rất nhanh sau đó, “Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ sau lũ quét” được thầy triển khai.

“Tôi nhận được danh sách học sinh bị thương sau lũ quét của cô Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên). 13 em mất, 7 em bị thương, danh sách ở trên bàn làm việc của tôi mấy hôm nay và cứ nhìn vào là tôi bật khóc. Giá như nhận được một danh sách bình thường với đầy đủ ngày sinh, lớp học của các em, không có “bôi vàng, bôi đỏ” thì hạnh phúc biết bao”, thầy Khang xúc động nói.

Trong số này có em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12, Trường THPT số 1 Bảo Yên (huyện Bảo Yên) là cậu bé thầy liên hệ sớm nhất, khi xem được hình ảnh cậu đang khóc trên clip, nói rằng cậu có thể phải nghỉ học để đi làm. Sau trận lũ quét qua Làng Nủ, Hành bơ vơ không còn gia đình. Thầy Khang kết nối với cô Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Yên và nói chuyện với em Hành qua điện thoại. Hành kể cho thầy nghe: “Con bị gãy xương quai xanh, đầu gối bị va đập, toàn thân xây xát... vì lũ cuốn”.

Biết Hành lo không thể đi học tiếp và sẽ đi làm để kiếm sống, thầy Khang nói: “Con hơn cháu nội út của thầy một tuổi. Vậy con đồng ý để thầy nhận con là cháu nội được không?”. Ngoài khoản 3 triệu đồng hằng tháng hỗ trợ Hành ăn học, bất cứ khi nào có việc cần thêm, Hành đều có thể nói với “ông nội”. Thầy cũng đưa tiền nhờ cô giáo mua giúp cho Hành một chiếc điện thoại để ông cháu tiện liên lạc. Đáp lại tấm lòng của “ông nội”, Hành hứa sẽ chăm chỉ học tập để tốt nghiệp THPT, còn kế hoạch tương lai ra sao sẽ báo lại với ông vào cuối năm học.

Thầy Nguyễn Xuân Khang là 1 trong 10 cá nhân được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

Vị GS đồng hành cùng những khuyến nghị chính sách cho người già

GS.TS Nguyễn Đình Cử, sinh năm 1952, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân là cựu sinh viên Khoa Toán kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1987 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) về lĩnh vực Kinh tế dân số và Dân số học tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow (Liên Xô cũ). Năm 1995, khi Trường Kinh tế Quốc dân thành lập Trung tâm Dân số, TS. Nguyễn Đình Cử là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Dân số.

Năm 2005 Trung tâm Dân số phát triển thành Viện Dân số và các vấn đề xã hội. Ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng cho đến năm 2012. GS. TS Nguyễn Đình Cử đã làm Chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm 25 đề tài khoa học; công bố 43 bài báo khoa học trong các Tạp chí, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; tác giả, đồng tác giả, chủ biên 36 cuốn sách khoa học, trong đó có 2 cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Anh.

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) (trái) trong một chuyến công tác tại Vũng Tàu. (Ảnh: FBNV)

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) (trái) trong một chuyến công tác tại Vũng Tàu. (Ảnh: FBNV)

Với sự giúp đỡ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, GS. Nguyễn Đình Cử có nhiều đóng góp trong việc hình thành mạng lưới giảng dạy và nghiên cứu về dân số và phát triển với nòng cốt là Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Đồng thời ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật về dân số ở nước ta.

GS.TS Nguyễn Đình Cử đã từng tâm sự rằng trong suốt nhiều năm, gần như ông không có ngày nghỉ cuối tuần. Tâm sức của ông dành trọn vẹn cho nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước. Mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng nhà khoa học vẫn miệt mài với những khuyến nghị chính sách về dân số. Ông thường xuyên chia sẻ những bài viết dễ hiểu về những vấn đề “nóng” hiện nay như người trẻ lười sinh, chuẩn bị cho thế hệ dân số già với góc nhìn từ “người trong cuộc”…

Đơn cử, trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con, trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng, nhằm mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước.

GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, vợ chồng được quyết định số con có thể mức sinh sẽ tăng đôi chút nhưng không thể thay đổi xu hướng và đến mức bùng nổ dân số như trước. Nếu không nới lỏng chính sách sớm, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống Trung Quốc, tức là cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này phản ánh tỉ lệ già hóa dân số ở mức cao…

Mới đây, ông chia sẻ: “Tháng 7 vừa qua, nhân dịp tham gia một hội thảo ở Vũng Tàu, tôi được đi thăm Trung tâm chăm sóc người cao tuổi (NCT) trên địa bàn. Bản thân tôi là một NCT và vẫn nghiên cứu về dân số, nên tôi rất háo hức với chuyến đi này.

Đến năm 2021, Việt Nam đã có 13 triệu NCT (đủ 60 tuổi trở lên). Trong bối cảnh hiện đại hóa, chăm sóc NCT thường vượt quá khả năng gia đình. Vì vậy, NCT sống trong các Trung tâm như thế này là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, đầu tư cho “nhà già” tốn kém hơn nhiều so với đầu tư cho “nhà trẻ”. Phí vào Trung tâm nhìn chung chưa phù hợp với số đông NCT Việt Nam. Phí mỗi tháng như sau: 18 triệu đồng/người/phòng; 14 triệu đồng/2 người/phòng; 9 triệu đồng/6 người/phòng. Nhìn vào chi phí này có thể thấy nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ (đất đai, lãi suất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực…) thì những Trung tâm cần thiết như thế khó phát triển.

Học sinh khu trường Làng Nủ đã đi học trở lại từ ngày 16/9. (Ảnh: HT)

Học sinh khu trường Làng Nủ đã đi học trở lại từ ngày 16/9. (Ảnh: HT)

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ NCT của nước ta năm 2011, đạt 10%, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi có hơn 22 triệu NCT chiếm 20% tổng số dân.

Nghiên cứu cũng chỉ ra NCT nước ta có một số đặc điểm sau: NCT là nữ chiếm số đông. Năm 2019, trong tổng số hơn 11,4 triệu NCT thì có tới trên 6,6 triệu cụ bà (chiếm 58%), còn lại là 4,7 triệu cụ ông (chiếm 42%). Nói khác đi, cứ 100 cụ ông thì có tới 139 cụ bà. Từ tuổi 85 trở lên, số cụ bà gấp hơn 2 lần số cụ ông. Khi về già phụ nữ có thể vẫn phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm với cha mẹ già và những đứa con chưa trưởng thành.

Do đó, chính sách đối với NCT, hoạt động của Hội NCT cần chú ý nhóm nữ, nhất là nhóm nữ góa chồng… Phần lớn NCT sống với con nhưng tỷ lệ này đang giảm nhanh. Khác biệt thế hệ, mâu thuẫn thế hệ và xung đột thế hệ. Nhà nước và Hội NCT cần tăng cường giáo dục, truyền thông cho cả hai thế hệ để các thế hệ lắng nghe nhau, thấu hiểu nhau và luôn luôn chia sẻ. Luật NCT khi sửa đổi, cần có mục bảo vệ NCT cả về thân thể, tinh thần, nhân phẩm, tài sản”...

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khi-nguoi-cao-tuoi-khong-huu-post528414.html