Khi người dân học làm công dân số

Việc học làm công dân số là hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thích nghi, đồng hành giữa chính quyền và Nhân dân. Trong hành trình ấy cần giúp người dân thấy được tiện lợi của chuyển đổi số mang lại trong đời sống để mọi người chủ động tham gia.

Sự phát triển mạnh của công nghệ số từng bước thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Từ việc học tập, lao động, hành chính công, thương mại hay giao tiếp xã hội… đều gắn bó mật thiết với môi trường mạng. Trong bối cảnh đó, khái niệm công dân số được quan tâm nhiều hơn. Hiện người dân sử dụng điện thoại thông minh và internet chiếm tỷ lệ cao. Đây là nền tảng quan trọng giúp thực hiện chuyển đổi số toàn dân. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, nhất là người cao tuổi, lao động phổ thông, người sống ở vùng sâu, vùng xa dù có thiết bị kết nối mạng nhưng chưa có kỹ năng tận dụng các tiện ích do công nghệ số mang lại, còn hạn chế trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến hay thanh toán điện tử.

Là người mới biết sử dụng, trải nghiêm tiện ích của công nghệ, bà Nguyễn Thị Bé Tư (62 tuổi), ngụ xã Bình Mỹ cho biết: “Tôi có điện thoại thông minh hai năm nay, trước đây tôi dùng điện thoại để gọi thấy mặt con cháu nói chuyện. Điện thoại có cài app VNeID nhưng tôi không biết cách dùng, nhờ mấy cháu thanh niên hướng dẫn nên vài tháng gần đây tôi biết cách sử dụng VNeID khi đi khám bệnh, coi được thông tin bảo hiểm y tế của mình. Giờ đi đâu tôi không cần mang theo giấy tờ”. Bà Lê Thị Hồng (60 tuổi), ngụ phường Long Xuyên chia sẻ: “Khi sử dụng điện thoại kết nối mạng, được con gái chỉ cách đặt vé xe, gọi đồ ăn, đăng ký khám bệnh tôi thấy rất tiện lợi”.

Phương thức thanh toán điện tử được nhiều người lựa chọn.

Phương thức thanh toán điện tử được nhiều người lựa chọn.

Không riêng người cao tuổi mà đối với người trẻ khi tiếp cận và nhận ra những tiện lợi thiết thực của công nghệ mang lại cho cuộc sống của họ như nộp hồ sơ nhanh hơn, mua bán tiện hơn, khám, chữa bệnh dễ hơn… thì mỗi người sẽ muốn học, muốn thay đổi để tiếp cận công nghệ số. Anh Ngô Thanh Toàn, ngụ phường Long Xuyên nói: “Công tác ở lĩnh vực công nghệ thông tin, quá trình làm việc, tôi được tiếp xúc nhiều với các hoạt động chuyển đổi số, tìm hiểu về công nghệ mới. Kỷ nguyên số đang mang đến cho giới trẻ cơ hội phát triển, thể hiện rõ qua việc giới trẻ khai thác sức mạnh của công nghệ để phục vụ học tập, công việc, kinh doanh… Việc học, làm việc trở nên linh hoạt, cá nhân hóa và hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất học tập, lao động”.

Để hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận công nghệ số, trước đây, mỗi thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng đến từng hộ dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng, tạo tài khoản định danh điện tử, đăng ký tiêm vaccine, thanh toán hóa đơn điện, nước trực tuyến, góp phần thu hẹp khoảng cách hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số, Tỉnh đoàn vừa triển khai các đội hình tình nguyện hỗ trợ chính quyền cơ sở triển khai mô hình hành chính 2 cấp và chuyển đổi số tại 102 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, chú trọng các xã, phường, đặc khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, biển, đảo, khu vực còn thiếu hạ tầng về công nghệ… Người dân, nhất là người lớn tuổi, người ít tiếp xúc công nghệ khi tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích công nghệ luôn mang tâm lý e ngại. Với sự hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên giúp mọi người tự tin, thành thạo hơn trong những lần sử dụng tiếp theo.

Học làm công dân số không chỉ là học cách sử dụng công nghệ mà còn học cách sống an toàn, có trách nhiệm trên không gian mạng và có kỹ năng nhận diện đối với các hành vi lừa đảo trên nền tảng số. Những năm gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo qua mạng, giả mạo cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản, xâm phạm dữ liệu cá nhân khiến nhiều người lo lắng. Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng năm 2024 do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện cho thấy cứ 220 người dùng điện thoại thông minh có 1 người là nạn nhân của lừa đảo. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường hoạt động theo dõi, giám sát để phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn, an ninh trên không gian mạng. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không công khai thông tin cá nhân trên không gian mạng và chú ý bảo mật quyền riêng tư trên tài khoản.

Bài và ảnh: MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khi-nguoi-dan-hoc-lam-cong-dan-so-a424664.html