Cuộc đua phát triển công nghệ sạc nhanh của xe điện Trung Quốc
Công nghệ sạc xe điện tại Trung Quốc đang phát triển thần tốc với các giải pháp siêu nhanh, định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp.
Công nghệ này tại Trung Quốc cũng đang thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu mới về tốc độ và hiệu suất.
Bùng nổ sạc siêu nhanh tại Trung Quốc
Điều gì sẽ xảy ra nếu việc sạc một chiếc xe điện (EV) trở nên đơn giản như cắm sạc điện thoại di động? Mặc dù hạ tầng trạm sạc còn hạn chế vẫn là rào cản lớn cho việc phổ cập xe điện nhưng tốc độ sạc chậm cũng là trở ngại đáng kể không kém.
Trước thực tế đó, các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc đại lục đang biến điểm yếu này thành lợi thế cạnh tranh bằng cách phát triển công nghệ sạc siêu nhanh - xu hướng đang nhanh chóng tái định hình thị trường xe điện toàn cầu.
Cuộc đua sạc siêu nhanh khởi động vào tháng 8/2022 khi hãng xe điện XPeng của Trung Quốc ra mắt công nghệ sạc siêu nhanh S4. Hệ thống sạc này cung cấp 210 km phạm vi di chuyển chỉ sau 5 phút sạc cho mẫu SUV XPeng G9, ngay lập tức đưa XPeng ngang hàng với các công nghệ sạc tiên tiến của Tesla (V3 Supercharger) và Porsche (Turbo Charger).
Gần ba năm sau, hàng loạt công ty Trung Quốc tiếp tục giới thiệu giải pháp sạc nhanh đột phá, nhờ vào những bước tiến công nghệ vượt bậc. Điều này đang trở thành một trong những xu thế then chốt của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Công nghệ sạc xe điện tại Trung Quốc đang phát triển thần tốc với các giải pháp siêu nhanh.
Để đáp ứng dòng điện lớn cho việc sạc siêu nhanh, các nhà sản xuất ô tô đã phát triển kiến trúc điện áp 800V - nâng cấp đáng kể so với nền tảng phổ biến 400V. Hệ thống 800V này gồm các thành phần chủ chốt như bộ pin điện áp cao, động cơ điện, bộ biến tần, bộ sạc tích hợp, bộ chuyển đổi DC-DC và hệ thống làm mát hiệu quả.
Kiến trúc 800V đầu tiên được áp dụng tại Trung Quốc và hiện được các hãng xe phương Tây bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ sạc EV tại Trung Quốc vẫn dẫn đầu thế giới, giữ vững vị thế tiên phong trong cuộc đua công nghệ.
Doanh nghiệp vào cuộc đua cạnh tranh
Ngày 17/3, BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc - ra mắt nền tảng Super e-Platform với pin sạc siêu nhanh, động cơ điện 30.000 vòng/phút và chip bán dẫn silicon carbide (SiC) tự phát triển. Nền tảng này hỗ trợ công suất sạc lên tới 1 megawatt (1.000kW), tương đương 2 km phạm vi di chuyển mỗi giây sạc.
Để tăng tốc dòng điện vào bộ pin, BYD giảm 50% điện trở bên trong, đạt dòng sạc 1.000A và tốc độ sạc 10C. Với đơn vị C-rate: 1C tương ứng sạc đầy trong 1 giờ, thì 10C cho phép sạc đầy chỉ trong khoảng 6 phút.
Tại Diễn đàn EV10 Trung Quốc 2025 diễn ra từ 28-30/3 tại Bắc Kinh, Zeekr - thương hiệu xe điện cao cấp thuộc Geely - công bố kế hoạch ra mắt trụ sạc siêu nhanh làm mát hoàn toàn bằng chất lỏng, có thể cung cấp công suất đỉnh 1,2MW cho mỗi tay sạc. Mẫu trụ này được trưng bày tại triển lãm Auto Shanghai 2025 vào tháng 4.
Trụ sạc 1,2MW của Zeekr là kết quả nâng cấp liên tục từ nhóm kỹ sư nội bộ, từ thế hệ đầu 360kW, lên 600kW, rồi 800kW. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Zeekr đã phát triển dòng xe tương thích với công suất sạc này hay chưa. Việc thương mại hóa được dự kiến trong quý 2/2025.
Ngày 21/4, CATL - tập đoàn pin hàng đầu thế giới - tổ chức sự kiện Super Tech Day, giới thiệu loạt công nghệ pin tiên tiến, trong đó có Shenxing thế hệ thứ hai. Đây là pin LFP đầu tiên trên thế giới đạt phạm vi 800 km và tốc độ sạc đỉnh 12C, cao hơn hẳn mức 4C của phiên bản năm 2023.
Phiên bản mới này hỗ trợ công suất sạc tối đa 1,3MW và có thể cung cấp 2,5 km phạm vi cho mỗi giây sạc.
Ngày 22/4, Huawei ra mắt hệ thống sạc nhanh 1,5MW tại Hội nghị Giải pháp DriveONE & Smart Charging Network tổ chức ở Thượng Hải. Hệ thống có thể cấp dòng sạc tối đa 2.400A khi sử dụng đồng thời cả hai tay sạc.
Huawei cho biết hệ thống này có thể sạc đầy pin 300kWh trong 15 phút. Tuy nhắm đến các xe tải điện hạng nặng, công nghệ của Huawei vẫn được đánh giá là một đột phá với chip SiC tự phát triển và hệ thống làm mát bằng chất lỏng tích hợp.

(Ảnh minh họa)
Mở rộng hạ tầng, siết xuất khẩu công nghệ pin xe điện
Để đáp ứng nhu cầu xe điện ngày càng tăng, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng mạng lưới trạm sạc megawatt trên toàn quốc. BYD dẫn đầu với kế hoạch triển khai 4.000 trạm sạc 1MW. Bên cạnh đó, CATL, Geely, Nio và Sinopec cũng tích cực mở rộng mạng lưới trạm đổi pin, giúp tiết kiệm thời gian nạp năng lượng.
Trong thị trường nội địa cạnh tranh, công nghệ mới từ thương hiệu nhanh chóng bị đối thủ vượt qua, điều mà các nhà sản xuất phương Tây khó theo kịp. Thậm chí, hệ thống V4 Supercharger mới nhất của Tesla cũng trở nên “khiêm tốn” khi đặt cạnh loạt công bố từ Trung Quốc.
Việc triển khai đại trà các trạm sạc megawatt tại Trung Quốc không đơn giản. Hoạt động đồng thời của nhiều trạm sạc công suất cao có thể tạo áp lực lớn lên lưới điện quốc gia. Để thích ứng, cần nâng cấp cả hạ tầng điện và mạng lưới trạm sạc hiện có, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.
Hơn nữa, việc thiếu dữ liệu thực nghiệm về triển khai megawatt charger trên quy mô rộng khiến các doanh nghiệp phải thận trọng.
Tuy vậy, một số công ty như Huawei có bước đi cụ thể để giải bài toán này. Hệ thống sạc của Huawei có khả năng điều chỉnh công suất theo thời gian thực nhằm giảm áp lực lên lưới điện. Cùng với Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc, Huawei phát triển hệ thống lập lịch thông minh giúp giảm công suất đỉnh lên tới 40%.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng áp dụng các hạn chế xuất khẩu mới đối với một số công nghệ cốt lõi trong sản xuất pin xe điện (EV), nhằm bảo vệ lợi thế cạnh tranh và tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu của mình trong ngành công nghiệp xe điện.
Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, nhiều công nghệ liên quan đến sản xuất pin EV và xử lý lithium - nguyên liệu thiết yếu cho pin - được bổ sung vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Mọi hoạt động chuyển giao ra nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, từ thương mại, đầu tư đến hợp tác công nghệ, sẽ cần giấy phép chính thức từ chính phủ.