Khi người dân là đại sứ du lịch

Những ngày cuối năm, bầu trời cao vợi và xanh thăm thẳm. Và hơn ai hết, mỗi người con Gia Lai, dù đang sống ở đâu cũng mong muốn quay về. Và từ trang cá nhân của những người bạn tôi đang sinh sống ở Gia Lai, tôi hiểu, họ đang trở thành đại sứ du lịch của mảnh đất mình đang sống.

Hình ảnh hoa dã quỳ rực rỡ khoe mình trên mảnh đất bazan đã nhuộm vàng nhiều trang Facebook. Ai nấy đều xúng xính váy áo, chọn những kiểu ảnh đẹp nhất, ý nghĩa nhất để up lên trang cá nhân. Cũng có người chỉ khoe ảnh thôi nhưng thông qua đó họ gửi được thông điệp đến bạn bè, những người chưa từng được đặt chân đến Phố núi niềm mong muốn khám phá về vùng đất còn nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn.

Quang cảnh tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Quang cảnh tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Có nhiều chuyến đi, tôi hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của những bạn bè đi trước hoặc trò chuyện với người đang sinh sống ở vùng đất đó, dù cho thông tin trên mạng khá dày. Nhưng thói quen, niềm tin dắt ta đi đến với những người đã từng trải nghiệm, những người thuộc về vùng đất đó để ta yên tâm khi có “thổ công”.

Vì nhu cầu công việc, tôi không còn sống ở Gia Lai nhưng “máu Gia Lai” trong tôi vẫn còn nguyên vẹn, chưa kể bạn bè tôi phần lớn ở đây. Vì vậy khi chuẩn bị có sự kiện nào đó diễn ra, Facebook của các bạn lại ngập tràn hình ảnh để giới thiệu, quảng bá cho tỉnh. Không đứng ngoài cuộc, tôi cũng share lại thông tin đó, viết thêm kinh nghiệm cá nhân để hướng dẫn bạn bè mình. Và chuyến trở về này, tôi mang theo 12 du khách để cùng tham dự lễ hội, họ đến Gia Lai lần đầu, theo sự hướng dẫn của hàng xóm mới.

Tôi hình dung, chính quyền địa phương như một doanh nghiệp lớn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng đông đảo người dân trở thành người bán hàng mà cụ thể đây là sản phẩm du lịch, dịch vụ. Khi mỗi người ý thức được rằng, mình đang bán một sản phẩm mới thì mọi người sẽ trau chuốt, quảng bá, gầy dựng lòng tin, đồng thời góp ý để sản phẩm tốt hơn. Và khi Gia Lai phát triển thì người thụ hưởng chính là người dân. Mỗi người, bằng mối quan hệ khác nhau sẽ có những “tệp khách” của mình. Chính vì vậy, việc đăng một tấm ảnh trên trang cá nhân, tìm hiểu rõ hơn về vùng đất mà mình sống, bỏ chút thời gian cho mạng xã hội để giới thiệu, share một bài viết, một thắng cảnh của tỉnh, có nhiều đóng góp ý kiến để dịch vụ tốt hơn, thiết nghĩ, ai cũng có thể làm được.

Tôi biết công nghệ phát triển, AI đã hiểu con người nhiều hơn. Nó đọc được thói quen sử dụng của người dùng. Nếu bạn nói chuyện về sách, một lát sau, trên trang cá nhân của bạn hiện lên hàng loạt cửa hàng sách, những đánh giá về cuốn sách đó, gợi ý cửa hàng mua, giảm giá, khuyến mại… và thậm chí, nhiều người cũng thắc mắc, tại sao mình chỉ mới nghĩ đến thôi mà đã thấy xuất hiện trên các trang cá nhân rồi. Đơn giản vì chúng ta làm việc theo thói quen và dữ liệu mẫu lớn xử lý thông tin dựa trên thói quen tìm kiếm và liên kết, suy luận. Thường khi nghĩ về điều gì đó, ta sẽ tìm kiếm, nói chuyện, quan tâm đến nó. Các thuật toán được viết ra cũng nhằm mục đích đó, giúp ta tìm kiếm nhanh hơn.

Tuy nhiên, dù thế nào, những trải nghiệm chân thực, dịch vụ hoàn hảo, người dân thân thiện vẫn là những từ khóa để níu giữ và làm cho du khách quay trở lại hoặc chính bản thân họ trở thành đại sứ, cánh tay nối dài cho bạn bè của họ trong các chuyến đi tiếp theo.

Gia Lai có nhiều thắng cảnh. Những vỉa tầng lớp lớp của văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây là những thứ mà không bức ảnh nào có thể miêu tả được. Vậy nên, tôi cho rằng, mỗi người đều có thể giới thiệu, quảng bá cho “tệp khách” của mình bước đầu, phần còn lại là sự bắt tay của chính quyền, doanh nghiệp để dịch vụ được tốt hơn.

TẠ NGỌC ĐIỆP

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khi-nguoi-dan-la-dai-su-du-lich-post256379.html