Khi người khổng lồ Pharmacity 'đi lạc'
18 tháng qua tại Pharmacity được xem là giai đoạn chuyển đổi đầy chông gai, khi doanh nghiệp đã liên tục tìm ra các thiếu sót và tìm cách khắc phục, nhất là với khoản lỗ lũy kế 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ gần đây trên truyền thông, ông Deepanshu Madan - tân CEO Pharmacity thừa nhận, chuỗi gần 1.000 nhà thuốc tại Việt Nam từng "đi lạc".
Cụ thể, ông Deepanshu Madan gọi 18 tháng qua tại Pharmacity là giai đoạn chuyển đổi đầy chông gai, khi doanh nghiệp nhận thấy nhiều thiếu sót trong dịch vụ, giá bán, cho đến việc không đảm bảo được lượng hàng hóa tại nhà thuốc.
"Chúng tôi đã nỗ lực không ngừng trong 4 tháng qua để tìm nguồn cung ứng các sản phẩm mà người tiêu dùng cần và đưa ra được một chiến lược mới lấy khách hàng làm trọng tâm", CEO Pharmacity chia sẻ.
Theo ông Deepanshu Madan, tình hình tại Pharmacity đã được phần nào khắc phục bằng cách tập trung vào việc đưa loại thuốc phù hợp vào nhà thuốc, với chủ trương đáp ứng đủ các toa thuốc theo đơn bệnh viện.
"Lần quay trở lại này, người tiêu dùng sẽ nhận thấy được sự thay đổi lớn trong số lượng hàng hóa tại nhà thuốc Pharmacity - đầy đủ các danh mục và chủng loại thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn", vị CEO nói.
Yếu điểm này của Pharmacity đến từ thực tế, hình ảnh doanh nghiệp trong tâm trí của người tiêu dùng Việt Nam gắn với mô hình "nhà thuốc tiện lợi" hơn là nhà thuốc kê đơn.
Một chuyên gia trong ngành dược phẩm từng nhận định, mô hình nhà thuốc tiện lợi mặc dù có nhiều điểm mới, nhưng sẽ không phải là mô hình hiệu quả tại Việt Nam, do nhu cầu của người dân với thuốc kê đơn vẫn rất lớn. Chưa kể, người bệnh cũng chưa có thói quen "shopping" trong cửa hàng thuốc.
Trong khi đại diện Pharmacity gọi đây là thay đổi lớn, thì tại các chuỗi nhà thuốc khác, chiến lược "đủ thuốc" được xem là mục tiêu căn cơ và cơ bản. Chẳng hạn tại chuỗi Long Châu, "đủ thuốc" là chiến lược được FPT Retail đã theo đuổi từ lâu.
Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail từng cho biết, "đủ thuốc" chính là một trong những chiến lược hàng đầu giúp nhà thuốc Long Châu tăng trưởng thần tốc trong thời gian qua, đưa doanh nghiệp từ vài cửa hàng ban đầu lên hơn 1.500 nhà thuốc hiện tại.
Để làm được điều này, Long Châu không chỉ có các đối tác lớn trong ngành dược phẩm ủng hộ, mà còn là sự đầu tư lớn về mặt công nghệ trong việc quản lý tồn kho, chia và phân loại thuốc, cũng như liên tục khảo sát, hoàn thiện quy trình kinh doanh.
Sự bền bỉ đầu tư đã giúp Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc có quy mô điểm bán hàng đầu Việt Nam, vượt qua cả Pharmacity dù từng có thời điểm chuỗi này đạt quy mô gần 1.200 cửa hàng.
Một thực trạng khác cũng dẫn tới sự hụt hơi của Pharmacity trong thời gian qua chính là hoạt động kinh doanh có nhiều điểm yếu. Giai đoạn 2018-2020, doanh thu Pharmacity liên tục tăng trưởng nóng. Doanh thu năm 2019 tăng 129% so với 2018, và doanh thu năm 2020 tăng hơn 230% so với năm 2019.
Nhưng trái ngược với doanh thu, công ty lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 vượt mức 1.000 tỷ đồng. Giới thạo tin cho rằng, nguồn cơn của khoản lỗ lũy kế chủ yếu đến từ ban điều hành của Pharmacity trước đây.
Điều này đã buộc nhà sáng lập Chris Blank phải rời ghế tổng giám đốc, cũng như người đại diện pháp luật. Vị trí đại diện pháp luật của Pharmacity sau đó được trao cho ông Nguyễn Như Nam - quản lý đầu tư của quỹ Hàn Quốc SK Group.
Còn vị trí tổng giám đốc được chuyển giao cho bà Trần Tuệ Tri và sau này là ông Deepanshu Madan - người của TR Capital - đơn vị cũng rót vốn vào Pharmacity.
Thậm chí, thời điểm ông Deepanshu Madan nhận chức CEO Pharmacity, từng xuất hiện thông tin cho rằng các cổ đông ngoại của chuỗi nhà thuốc này đang cảm thấy "lo lắng" và muốn nhanh chóng bán vốn cho các nhà đầu tư khác.
Ở thời điểm hiện tại, khả năng vận hành của Pharmacity được CEO Deepanshu Madan khẳng định là đã hiệu quả hơn trước đây, sau khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh chính sách giá bán và thay đổi tư duy vận hành của mình.
"Hiện nay, Pharmacity cung cấp nhiều sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau để có thể tiếp tục phục vụ đa nhu cầu của khách hàng", ông Deepanshu Madan.
Nhưng về hiệu quả kinh doanh, khả năng sinh lời của Pharmacity vẫn là một ẩn số, nhất là khi khoản lỗ lũy kế 1.000 tỷ đồng trước đây của doanh nghiệp vẫn chưa có lời giải.
Một áp lực khác đến từ chính doanh nghiệp cùng ngành với Pharmacity là Long Châu, khi đầu năm nay lãnh đạo FPT Retail từng tuyên bố tới 99% nhà thuốc của chuỗi này hòa vốn sau nửa năm hoạt động và coi đây là mục tiêu bắt buộc.
Sắp tới, Long Châu dự kiến huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ tối đa là 10%, áp lực với Pharmacity sẽ còn tăng lên nhiều lần, khi các nhà đầu tư, quỹ ngoại sẽ có sự so sánh về hiệu quả kinh doanh giữa hai chuỗi thuốc hàng đầu Việt Nam.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khi-nguoi-khong-lo-pharmacity-di-lac-1717402490981.htm