Khi người trẻ chọn lối đi 'không an phận'

Khác với thế hệ cha mẹ từng quen với thời tem phiếu, thiếu ăn, thiếu mặc, nhiều bạn trẻ sinh ra sau những năm 1990 đã lớn lên trong điều kiện sống ổn định, không còn thiếu thốn. Nhưng thay vì 'an phận', nhiều người lại chọn con đường lao động chăm chỉ, học hành nghiêm túc, sống có lý tưởng và trách nhiệm.

Nhiều người trẻ chọn lối đi "không an phận" để có cuộc sống ý nghĩa hơn. (Ảnh: Thùy Trang)

Nhiều người trẻ chọn lối đi "không an phận" để có cuộc sống ý nghĩa hơn. (Ảnh: Thùy Trang)

Không đói, không khổ – nhưng không dễ sống ý nghĩa

Trần Thùy Trang, 27 tuổi, từng là du học sinh, hiện đang làm việc tại một tổ chức xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Ba mẹ tôi không giàu nhưng cũng lo cho tôi đủ đầy. Tôi từng nghĩ mình không cần cố gắng nhiều, nhưng đến lúc ra đời mới thấy, cái khó không nằm ở chuyện kiếm tiền, mà là sống có ích và không trống rỗng”.

“Không an phận” – khái niệm nghe có vẻ mỉa mai, nhưng lại là hành trình thật với nhiều người trẻ ngày nay. Khi không còn phải lo miếng cơm manh áo, họ bắt đầu đối mặt với áp lực khẳng định bản thân, tìm ý nghĩa sống, và chọn một lối đi riêng giữa hàng ngàn lựa chọn dễ dãi.

Huyền Chi chọn theo đuổi dân ca, chọn hát cho cộng đồng người miền Trung xa quê. (Ảnh: Huyền Chi)

Huyền Chi chọn theo đuổi dân ca, chọn hát cho cộng đồng người miền Trung xa quê. (Ảnh: Huyền Chi)

Một điển hình khác, Huyền Chi - sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Cô không phải xuất thân trong cảnh quá nghèo khó. Sau khi học hành, cô có thể chọn cuộc sống ổn định với công việc “văn phòng êm ấm”. Nhưng thay vì vậy, cô chọn theo đuổi dân ca, chọn hát cho cộng đồng người miền Trung xa quê, và mở lớp dạy dân ca miễn phí cho trẻ em.

“Có người hỏi tôi: làm vậy để làm gì? Tôi cũng từng phân vân. Nhưng mỗi lần thấy một đứa trẻ hát câu dân ca, thấy phụ huynh tự hào về con em mình, tôi lại biết mình chọn đúng”.

Dân ca không mang lại danh tiếng nhanh hay tiền bạc. Nhưng với Huyền Chi, đó là cách để không sống hoài phí thanh xuân. Cô chọn đi vào những con đường không có ánh đèn rực rỡ, nhưng lại đầy ý nghĩa.

Trưởng thành theo cách riêng

Lương Thành Húy, 25 tuổi, vừa bỏ công việc lương cao để khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ cùng nhóm bạn. Gia đình Húy phản đối vì lo con “không khổ mà lại tự làm khổ”.

Nhưng Húy nói: “Tôi không muốn cuộc sống chỉ xoay quanh deadline và tiền lương hàng tháng. Tôi muốn làm gì đó thật, cho mình và cho cộng đồng”.

Không hiếm gặp những bạn trẻ như Húy, chọn bắt đầu lại, chọn làm khó mình, chọn rời khỏi vùng an toàn để khám phá khả năng thật sự của bản thân.

 Xu hướng giới trẻ chọn khởi nghiệp nông nghiệp xanh ngày càng gia tăng. (Ảnh: Thanh Nga)

Xu hướng giới trẻ chọn khởi nghiệp nông nghiệp xanh ngày càng gia tăng. (Ảnh: Thanh Nga)

Họ không được truyền cảm hứng bằng những câu chuyện từ nghèo vươn lên, cũng không cần được tung hô vì “dấn thân”. Họ chỉ đang kiên trì với lựa chọn khó hơn, vì đó là điều đúng đắn với họ.

Họ không vượt khổ, nhưng lại phải vượt qua rất nhiều thứ khác: sự lười biếng, cảm giác đủ rồi, định kiến “sướng thì không hiểu đời”, và cả hoài nghi từ chính người thân.

Và hôm nay, giữa một xã hội đô thị đầy đủ tiện nghi, vẫn có những người trẻ chọn “không an phận” không phải để vất vả, mà để trưởng thành theo cách của riêng họ.

Thanh Nga

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-nguoi-tre-chon-loi-di-khong-an-phan-319950.html