Khi người trẻ 'giữ hồn' bánh quê

Bánh quê, bánh dân gian là những món ngon quen thuộc, gần gũi với nhiều người. Những chiếc bánh với cách làm đơn giản, không cầu kỳ là một phần ký ức tuổi thơ tuy không còn phổ biến như trước đây nhưng vẫn được nhiều người trẻ gìn giữ, duy trì để những chiếc bánh quê vẫn tồn tại, phát triển qua thời gian.

Ký ức đẹp của tuổi thơ

Ngày còn nhỏ, chắc hẳn nhiều người đều có những kỷ niệm thật đẹp khi nôn nao chờ mẹ đi chợ về để được cho cây kẹo, cái bánh. Những món mẹ mua có khi chỉ là cái bánh da lợn, khoai mì nướng, vài cái bánh bò dẻo mềm, thơm ngọt hay bánh tằm se béo ngậy nước cốt dừa,... ấy vậy mà ăn hoài cũng không ngán, cứ ngóng chờ được nhận quà của mẹ sau những buổi chợ sớm mai. Rồi những trưa rảnh rỗi, nhà có dư chút bột, ít chuối xiêm chín, mẹ lại hấp cho xửng bánh thơm lừng hay làm bánh lá mơ, lá mít.

Sau thời gian học tập, làm việc tại TP.HCM, chị Nguyễn Thủy quyết định trở về Long An, gắn bó hẳn với nghề bánh, duy trì nghề truyền thống của gia đình

Sau thời gian học tập, làm việc tại TP.HCM, chị Nguyễn Thủy quyết định trở về Long An, gắn bó hẳn với nghề bánh, duy trì nghề truyền thống của gia đình

Thời gian qua đi, trẻ con ngày nay có nhiều sự lựa chọn với các loại bánh, kẹo đóng gói, ngoài ra còn có nhiều loại bánh nhập khẩu với hương vị thơm ngon, hấp dẫn nên những món quà quê mộc mạc ít được ưa chuộng như thuở trước. Hơn nữa, làm bánh quê đòi hỏi nhiều thời gian, tốn nhiều công sức nên ít người duy trì nghề. Hiện nay, đa phần những người làm bánh quê, bánh dân gian là các cô, các dì lớn tuổi, hiếm có những bạn trẻ “mặn mà” với nghề. Tuy nhiên, trong số ít đó cũng có những người trẻ rất yêu nghề, muốn duy trì và phát triển những món bánh truyền thống quê hương.

Chị Nguyễn Thủy (SN 1990, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) là một trong những người như thế. Bà ngoại của chị Thủy trước đây làm đủ loại bánh quê để bán ở chợ Tân An (phường 1, TP.Tân An), hiện bà lớn tuổi nên đã nghỉ bán. Từ nhỏ, được ăn những chiếc bánh thơm ngon, Thủy đã rất thích, cứ líu ríu theo chân bà để học và ấp ủ ước mơ có thể làm bánh ngon như vậy. Lớn lên, đi học, ra trường, làm công việc văn phòng tại TP.HCM nhưng chị Nguyễn Thủy vẫn dành thời gian làm bánh quê để bán online có thêm thu nhập. Sau nhiều năm học tập, làm việc tại TP.HCM, chị quyết định trở về Long An, gắn bó hẳn với nghề bánh, duy trì nghề truyền thống của gia đình.

Các loại bánh của chị Nguyễn Thủy đều dùng màu tự nhiên như gấc, hoa đậu biếc, lá dứa, lá cẩm,…

Các loại bánh của chị Nguyễn Thủy đều dùng màu tự nhiên như gấc, hoa đậu biếc, lá dứa, lá cẩm,…

Khi bánh quê “lên phố”

Được bà ngoại chỉ dạy tận tình, cô nàng 9X nỗ lực học hỏi để làm ra thật nhiều loại bánh, từ bánh lá mơ, bánh đúc gân, bánh chuối hấp, bánh tằm mì, bánh bột báng đậu xanh, bánh ướt ngọt cuộn nhân dừa xác đậu xanh, bánh bò bông, bánh lọt,... Không chỉ vậy, chị Thủy còn chịu khó lên mạng tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều loại hơn nữa để bánh vừa ngon, vừa đẹp mắt và đa dạng mới có thể làm hài lòng khách hàng.

Chị Thủy chia sẻ: “Các loại bánh đều dùng màu tự nhiên như gấc, hoa đậu biếc, lá dứa, lá cẩm,...Mỗi loại đều có cách làm, cách pha bột khác nhau và có những “bí quyết” riêng để bánh ngon, ăn không ngán. Trong đó, bánh đúc gân là khó làm nhất vì mất rất nhiều thời gian khuấy bột để bánh lên vân màu rõ, đẹp, chất bột giòn, dai. Nếu chỉ là bánh đúc thông thường thì bánh sẽ mềm, không có vân màu trộn lẫn. Loại đơn giản nhất là bánh chuối, tuy nhiên, khi làm cũng phải có kỹ thuật, tỷ lệ pha bột năng, bột gạo thích hợp để bánh không quá mềm, đủ độ dai hòa quyện với những lát chuối xiêm chín ngọt ngào. Đặc biệt, “linh hồn” của bánh quê chính là nước cốt dừa, phải đủ độ sệt, vị mặn, ngọt vừa phải, thơm béo, ăn bánh mà nước cốt quá lỏng, tách nước thì sẽ mất ngon”.

Các loại bánh quê của chị Nguyễn Thủy không chỉ ngon mà còn rất bắt mắt

Các loại bánh quê của chị Nguyễn Thủy không chỉ ngon mà còn rất bắt mắt

Được biết, thời gian đầu cách đây vài năm, chị Thủy bán bánh online với khoảng 10 loại, giá 50.000 đồng/phần. Bánh ngon, giá cả phải chăng nên cô chủ trẻ có được một lượng khách quen thường xuyên mua hàng. Sau này, bên cạnh bán online, giao hàng tận nơi, chị quyết định thuê một quầy nhỏ trên đường Bạch Đằng, phường 2, TP.Tân An để bán, mỗi phần bánh được chia nhỏ, bán với giá 15.000 đồng/phần từ 10 giờ mỗi ngày.

Những chiếc bánh mộc mạc, bình dị mà thấm đượm tình quê, gợi nhớ tuổi thơ vẫn là những món ngon đặc biệt, một phần không thể thiếu của ẩm thực dân gian Nam bộ. Dù còn nhiều khó khăn, công việc vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng chị Nguyễn Thủy vẫn quyết tâm bám trụ, giữ nghề. Tin rằng, với những nỗ lực cùng tâm huyết dành cho chiếc bánh quê, cô chủ trẻ sẽ có thêm thật nhiều khách hàng ủng hộ, chiếc bánh quê vẫn giữ được sức sống qua thời gian./.

Phạm Ngân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-nguoi-tre-giu-hon-banh-que-a133684.html