Khi người trẻ mơ những giấc mơ khác (kỳ 2): Không bỏ quên những giá trị bản địa

Nắm bắt cơ hội phát triển của địa phương, nhiều người trẻ đã mạnh dạn 'bước qua giới hạn', thành công xây dựng những mô hình mang lại hiệu quả cao cho cả gia đình và cộng đồng.

Ngoài cây chè, Thái Nguyên còn giàu tiềm năng phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - du lịch. Nắm bắt cơ hội phát triển, nhiều người trẻ đã mạnh dạn “bước qua giới hạn”, thành công xây dựng những mô hình mang lại hiệu quả cao cho cả gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, hướng đi mà họ lựa chọn chính là khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh của quê hương và trên cơ sở đó, chọn lựa cho mình chiến lược phù hợp, bắt kịp xu thế phát triển của cuộc sống hiện đại.

Vài năm trở lại đây, cụm từ “tử tế” được nhắc đến nhiều. Xuất phát từ lối sống với hành động, suy nghĩ, lời nói đẹp, cụm từ này dần được sử dụng trong các lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp.

Từ năm 2022, anh Tuấn đã bàn bạc với gia đình đầu tư hệ thống nhà lưới với diện tích 1.500m2 để trồng rau ăn lá theo mùa. Rau được sản xuất theo phương pháp hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không phân bón hóa học; không thuốc bảo vệ thực vật; không kích thích sinh trưởng; không thuốc diệt cỏ; không giống biến đổi gen; không chất bảo quản), an toàn cho sức khỏe người trồng và người tiêu dùng.

Nhờ chất lượng đảm bảo, các sản phẩm rau muống, xà lách, rau cải… do anh Tuấn sản xuất được thị trường đón nhận. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch khoảng 5 tấn rau củ, cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Trên thực tế, sự khắt khe của kinh tế thị trường luôn đặt ra một giới hạn đòi hỏi những “bước chân khởi nghiệp” phải đủ bản lĩnh để vượt lên khó khăn. Bởi nếu tính đến bài toán kinh tế trước mắt, việc lựa chọn sản xuất an toàn không có nhiều ưu thế khi thời gian thu hoạch dài hơn, thị trường “vàng thau lẫn lộn”, đồng thời chi phí cải tạo đất, xây dựng chuồng trại ban đầu tương đối lớn.

Tuy vậy, vượt qua những khó khăn ban đầu, nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi, sáng tạo không ngừng, các mô hình nông nghiệp an toàn của người trẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng gặt hái nhiều thành công.

Kiên trì với cách làm như vậy, dần dần, thương hiệu lợn sạch của gia đình anh Hưng được thị trường đón nhận. Nhờ tiêu thụ tốt cả lợn thịt thương phẩm và lợn giống, bình quân mỗi năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

“Để nông sản thực sự tạo ra giá trị lớn hơn, việc “tự đứng chân” là rất khó” – đó là suy nghĩ của chị Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại, dịch vụ Bản Việt, xã Bảo Lý (Phú Bình).

Với khâu tiêu thụ, sản phẩm của Hợp tác xã đang được bán trên kênh truyền thống và trực tiếp tại cửa hàng. Ngoài ra, đơn vị phối hợp liên kết với các cửa hàng đặc sản Thái Nguyên, cửa hàng đặc sản các vùng miền để bao tiêu đầu ra cho bà con và bán hàng trên kênh online TikTok, Shopee, các website… Trong đó, hình thức mạnh nhất hiện nay là livestream bán hàng trên các nền tảng số.

Theo chị Yến, việc livestream giúp Hợp tác xã có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm bất cứ thời gian nào, ở đâu. Từ đó, khách hàng biết, cảm nhận được quy trình và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ngược lại, Hợp tác xã dễ dàng tiếp cận được khách hàng ở khắp mọi nơi.

Không chỉ riêng chị Yến và Hợp tác xã sản xuất và thương mại, dịch vụ Bản Việt, từ khoảng 3-4 năm trở lại đây, dấu ấn của những người trẻ trong việc đổi mới các hình thức quảng bá và tiêu thụ nông sản trên nhiều kênh bán hàng hiện đại như: Shopee, TikTok, Facebook… ngày càng rõ nét.

Tuy không sinh ra và lớn lên tại Thái Nguyên, nhưng khi nhắc đến chị Nguyễn Hải Yến, ở xã La Bằng (Đại Từ), chủ kênh Tiktok nổi tiếng “Làm dâu xứ Trà”, nhiều người thán phục với cách cô gái trẻ này quảng bá du lịch và nông sản Thái Nguyên.

Vài năm trước đây, khi trào lưu “bỏ phố về quê” còn chưa thịnh hành như bây giờ, vợ chồng chị Yến đã lựa chọn từ bỏ công việc ổn định với mức thu nhập khá để về với ruộng đồng Thái Nguyên. Trong hành trình hơn 3 năm tìm hiểu về nông sản, khởi nghiệp với nghề nông, chị Yến đã tự tay trồng chè và nhiều loại cây bản địa, cây dược liệu khác, chế biến thành các sản phẩm như: bột matcha, kẹo lạc trà xanh, chè lam vị gấc, bột sắn dây, cà gai leo…

Cùng với việc quảng bá, giới thiệu về du lịch Thái Nguyên, tại các khu, điểm du lịch, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia quản lý, khai thác, phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng. Không ít bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp từ du lịch với các mô hình homestay, tour trải nghiệm...

Với suy nghĩ như vậy, ở thời điểm hiện tại, anh Linh Đan đang liên kết với một số bạn trẻ khác trên địa bàn huyện Đại Từ để kết nối những điểm du lịch tại La Bằng – Hoàng Nông, với các sản phẩm như trekking suối Cửa Tử, tham quan và vui chơi tại suối Kẹm, trải nghiệm hái chè và thưởng thức văn hóa Tày, Dao bản địa.

Còn với chàng trai Đồng Văn Hùng, ở xã Xuân Phương (Phú Bình), nổi tiếng với kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm” ghi lại cuộc sống hàng ngày ở làng quê yên bình của chính gia đình mình, việc ngày càng trở nên nổi tiếng cũng đi kèm với trách nhiệm. Với kênh Youtube hiện có hơn 1 triệu người theo dõi, anh Hùng đang tiếp tục thực hiện mong muốn giới thiệu hình ảnh làng quê Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung đến khán giả toàn cầu.

Mới đây, anh Hùng được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách những tài năng dưới 30 tuổi ở châu Á. Lần vinh danh này cũng là sự công nhận đối với sức ảnh hưởng của anh và kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm” khi không chỉ nổi tiếng trong một cộng đồng nhất định mà đã vươn ra thế giới, được khán giả quốc tế đón nhận.

Với những cách làm riêng biệt, nhiều người trẻ Thái Nguyên không những tự khẳng định được năng lực của bản thân mà còn có những đóng góp tích cực cho quê hương. Ngay trên chính quê hương mình và xuất phát từ những giá trị bản địa, họ đã chứng minh được quan điểm “bỏ phố về quê” hay “không ly hương” không phải là trào lưu, mà là sự cân nhắc kỹ lưỡng của những trái tim dũng cảm, mong muốn góp sức xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp…

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202410/khi-nguoi-tre-mo-nhung-giac-mo-khac-ky-2-khong-bo-quen-nhung-gia-tri-ban-dia-6af1fae/