Khi người trẻ tập viết chữ 'nhẫn' bằng sợi chỉ

Gác lại nhịp sống vội thường nhật, nhiều bạn trẻ tìm đến workshop thêu tay như một cách tập viết 'chữ nhẫn' bằng sự tỉ mỉ, kiên trì và những khoảnh khắc lặng lẽ kết nối với chính mình.

Thêu tay vốn được xem là bộ môn thủ công xưa cũ, gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ lớn tuổi, khéo léo và có nhiều thời gian để tỉ mẩn bên khung vải. Thế nhưng ngày nay, bộ môn này đang dần được người trẻ đón nhận. Những buổi chia sẻ và trải nghiệm thêu tay miễn phí được tổ chức, thu hút không ít bạn trẻ tham gia như một hình thức nghỉ ngơi tinh thần sau chuỗi ngày học tập, làm việc căng thẳng.

Workshop thêu tay miễn phí là cơ hội trải nghiệm thú vị dành cho người trẻ.

Workshop thêu tay miễn phí là cơ hội trải nghiệm thú vị dành cho người trẻ.

Vốn không đặt nhiều kỳ vọng về khả năng khéo tay của mình, Diệu Yến (Hà Nội) đã “cởi trói” tâm lý tự ti khi tham gia workshop thêu tay cùng bạn bè. Yến tâm sự: “Ban đầu, mình gặp không ít lúng túng. Việc căng vải sao cho đều, luồn chỉ cho đúng hay giữ mũi kim thẳng hàng đều đòi hỏi sự tỉ mỉ. Chỉ cần sơ ý một chút là chỉ rối, đường thêu lệch, có khi phải tháo ra làm lại từ đầu”.

Khi đến phần thực hành, cô chọn vẽ hình một chiếc nơ để thêu tặng mẹ. Nhờ sự hỗ trợ của người hướng dẫn, sản phẩm đầu tay cuối cùng cũng hoàn thiện. “Mình không ngờ chỉ trong một buổi ngắn ngủi, mình lại có thể bắt nhịp được với mọi người; học cách tập trung, tỉ mỉ trong từng mũi thêu”, cô nói.

Với sự hỗ trợ chi tiết cùng dụng cụ được chuẩn bị sẵn, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận và làm quen với bộ môn thủ công đầy tính nghệ thuật này.

Với sự hỗ trợ chi tiết cùng dụng cụ được chuẩn bị sẵn, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận và làm quen với bộ môn thủ công đầy tính nghệ thuật này.

Thùy Trang (21 tuổi, Hà Nam) cho biết, cô tiếp xúc với thêu tay từ thời học cấp 2, khi tham gia bộ môn nghề. Ngay từ lần đầu thử sức, cô đã cảm thấy phù hợp và gắn bó với thêu tay cho đến hiện tại. “Mình yêu thích bộ môn này vì nó giúp rèn luyện sự kiên nhẫn và cũng là cách để khám phá xem bản thân khéo léo đến đâu”, Thùy Trang bộc bạch.

Trang cũng nhận thấy, thêu tay giúp cô đi sâu vào thế giới bên trong của chính mình. “Mỗi khi thêu, mình cảm thấy tâm hồn thư thái, tập trung vào từng mũi kim như một cách thiền. Đây là bộ môn rất phù hợp với những người nhẹ nhàng, thích sự tinh tế và muốn rèn luyện sự kiên nhẫn”, Thùy Trang nói.

Thành phẩm của các học viên trẻ sau một buổi tham gia workshop thêu tay.

Thành phẩm của các học viên trẻ sau một buổi tham gia workshop thêu tay.

Mỹ Lam (Sơn La) chia sẻ rằng, khi nhìn thấy mẫu thêu hoa trong buổi workshop, cô lập tức bị thu hút. Hoa là họa tiết cô từng rất yêu thích, từng ngắm nhìn qua nhiều sản phẩm thủ công, nhưng chưa có dịp tự tay thực hiện. Vì vậy, việc từng mũi chỉ dần tạo thành hình trên nền vải khiến cô cảm thấy hào hứng và vui thích.

Sau trải nghiệm này, Mỹ Lam nảy ra ý tưởng sẽ tiếp tục thêu tay để làm quà tặng cho người thân, bạn bè vào những dịp đặc biệt. “Mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn cá nhân, và mình tin sự chân thành luôn là món quà ý nghĩa nhất”, cô nói. Lam cũng mong muốn hoạt động này sẽ được lan tỏa rộng hơn trong giới trẻ, không chỉ như một bộ môn nghệ thuật thủ công, mà còn là cách để mỗi người sống chậm lại, lắng nghe bản thân và tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé.

Là người đứng sau các buổi workshop thêu miễn phí, Anh Bùi Tiến Phi chia sẻ: “Để hoàn thiện một sản phẩm, người thêu cần có sự kiên trì rất lớn. Việc các bạn trẻ tham gia workshop thêu không chỉ giúp rèn luyện sự nhẫn nại, tĩnh tâm, mà còn là cách xoa dịu tâm trạng, giảm căng thẳng từ những áp lực của cuộc sống”.

Với anh Bùi Tiến Phi, thêu tay không chỉ đơn thuần là tạo ra các sản phẩm mang tính vật lý, mà nó còn chứa đựng giá trị tinh thần to lớn đến từ tâm huyết đôi bàn tay và tình cảm mà người thêu muốn gửi gắm cho người nhận được.

Với anh Bùi Tiến Phi, thêu tay không chỉ đơn thuần là tạo ra các sản phẩm mang tính vật lý, mà nó còn chứa đựng giá trị tinh thần to lớn đến từ tâm huyết đôi bàn tay và tình cảm mà người thêu muốn gửi gắm cho người nhận được.

Vượt qua giai đoạn “tự chữa lành” nhờ tìm thấy niềm vui trong thêu, anh Phi luôn cố gắng tạo ra không gian vui vẻ, thư thái để mọi người có thể thoải mái trò chuyện, tâm sự. Anh cho rằng, việc mở lòng với “người lạ chưa từng thân” đôi khi dễ dàng hơn với người quen, và đó chính là cách giúp mỗi người chữa lành cho bản thân qua mỗi workshop.

Hồng Hoa

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-nguoi-tre-tap-viet-chu-nhan-bang-soi-chi-post1730183.tpo