Khi người tuyên truyền trở thành tội phạm buôn người

Từng tham gia tuyên truyền chống mua bán người, Cụt Thị Liên lại nhẫn tâm cùng đồng phạm lừa bán bé gái 14 tuổi sang Trung Quốc. Tám năm sau, khi nạn nhân trở về tố cáo, sự thật bị phơi bày không thể chối cãi.

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Bảo Thắng (nay thuộc xã Chiêu Lưu, tỉnh Nghệ An), Cụt Thị Liên (SN 1992) từng được xem là người phụ nữ tiêu biểu của bản làng. Là người dân tộc thiểu số, nhưng Liên được học hành đầy đủ, từng giữ vai trò hoạt động trong Hội Phụ nữ cơ sở.

Nhiệm vụ của Liên là tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức, đặc biệt là về phòng, chống tội phạm mua bán người – vấn nạn đã và đang rình rập nhiều bản làng nơi biên giới.

Người từng đứng ra tuyên truyền chống buôn người lại chính là kẻ tiếp tay đưa một bé gái sang xứ người như món hàng trao đổi. Tội ác ấy âm thầm diễn ra trong bóng tối suốt gần một thập kỷ, cho đến khi nạn nhân trở về, thắp sáng lại sự thật.

Bản án pháp luật đã tuyên, cánh cửa công lý đã khép lại. Nhưng phía sau song sắt là một bản án khác – bản án lương tâm, nhức nhối và dai dẳng, dành cho kẻ đã phản bội niềm tin, phản bội chính những điều mình từng kêu gọi cộng đồng cùng gìn giữ.

Hai bị cáo tại phiên tòa.

Hai bị cáo tại phiên tòa.

Cái bẫy đường mật và tuổi thơ bị đánh cắp

Vào năm 2016, Moong Thị Y – một đối tượng từng lấy chồng ở Trung Quốc – gọi điện về cho Liên, đề nghị tìm người đưa sang xứ người “làm vợ thuê”. Không chút đắn đo, Liên đồng ý. Sau đó, Liên liên hệ với Cụt Thị Tuyết (cháu gọi bằng cô ruột, trú cùng xã) để cùng thực hiện.

Biết một gia đình trong bản đang có ý định cho con gái sang Trung Quốc kiếm tiền xây nhà, Liên và Tuyết chủ động tìm đến. Họ mang theo viễn cảnh “đổi đời”: con gái sẽ sống sung sướng, kiếm được nhiều tiền, và chỉ ba năm sau sẽ được về quê sum họp. Kèm theo đó là lời hứa chi trả 100 triệu đồng nếu gia đình đồng ý.

Dù còn nhiều e ngại, nhưng trước những lời lẽ ngon ngọt và số tiền quá lớn so với điều kiện kinh tế eo hẹp, gia đình đã gật đầu. Đứa trẻ ấy – cháu Lương T.X., sinh năm 2002, lúc đó mới 14 tuổi hoàn toàn không ý thức được mình đang bước vào cạm bẫy.

Chỉ hai ngày sau, Tuyết trực tiếp dẫn cháu X. đón xe khách ra Bắc, vượt biên sang Trung Quốc. Tại đây, các đối tượng đã bán cháu bé cho một người đàn ông bản xứ với giá 250 triệu đồng. Trong phi vụ này, Liên nhận được 2,5 triệu đồng, Tuyết được chia 7,5 triệu đồng, còn lại 100 triệu đồng đưa cho gia đình nạn nhân.

Không ai biết cô bé đã phải trải qua những gì trong suốt những năm lưu lạc. Chỉ đến tháng 6/2024, khi cháu X. bỏ trốn trở về Việt Nam và trình báo công an, toàn bộ sự thật mới được hé lộ.

Chối tội bất thành và những giọt nước mắt không còn ý nghĩa

Ngày 26/7/2024, biết không thể chối cãi, Cụt Thị Tuyết và Cụt Thị Liên đã đến công an đầu thú. Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố, Liên bất ngờ thay đổi lời khai, phủ nhận toàn bộ vai trò trong vụ án. Bị cáo quanh co, phủ nhận việc dẫn dụ, đưa đón cháu X., thậm chí yêu cầu được đối chất với nạn nhân và người liên quan.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Nghệ An mở gần đây, toàn bộ hành vi của các bị cáo đã được làm rõ. Cụt Thị Tuyết thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ cáo trạng truy tố, đồng thời bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi. Bị cáo cho biết đã dùng một phần tiền cá nhân để khắc phục hậu quả, bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại.

Ngược lại, bị cáo Cụt Thị Liên vẫn một mực chối tội, khóc lóc tại tòa, nhưng không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào để minh oan cho mình. Trong khi đó, các tài liệu điều tra đã thể hiện rõ: bị cáo là người chủ động rủ rê Tuyết, trực tiếp thuyết phục gia đình nạn nhân, là người liên quan chặt chẽ trong toàn bộ hành vi phạm tội.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: cơ quan điều tra đã tiến hành đầy đủ thủ tục đối chất, nhận dạng, ghi lời khai phù hợp với quy định pháp luật. Các lời khai của nạn nhân, nhân chứng và đồng phạm đều thống nhất, có căn cứ. Vụ án đã được củng cố vững chắc từ nhiều phía, không có dấu hiệu oan sai.

Một bản án, nhiều bài học cảnh tỉnh

Hội đồng xét xử nhận định: hành vi của hai bị cáo là vô cùng nghiêm trọng, trực tiếp xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em – đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ.

Vì lợi ích cá nhân, các bị cáo đã coi trẻ em như một món hàng để đổi chác, gây tổn thương nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần cho bị hại, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương, tạo dư luận bất an trong nhân dân.

Trên cơ sở đó, Tòa tuyên phạt Cụt Thị Liên 12 năm tù giam về tội Mua bán trẻ em, đồng thời buộc bị cáo bồi thường 23 triệu đồng cho bị hại. Bị cáo Cụt Thị Tuyết, nhờ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được tuyên 10 năm tù cùng tội danh.

Giây phút tòa tuyên án, Cụt Thị Liên bật khóc. Nhưng những giọt nước mắt ấy đến quá muộn, không thể cứu vãn tuổi thơ đã đánh mất của một cô bé. Không ai ngờ người phụ nữ từng đi đầu trong các buổi truyền thông chống buôn người lại chính là kẻ buôn người.

Sự phản bội ấy không chỉ làm tổn thương niềm tin cộng đồng, mà còn trở thành bản án lương tâm theo bị cáo suốt phần đời còn lại.

Gia Ân

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khi-nguoi-tuyen-truyen-tro-thanh-toi-pham-buon-nguoi-484885.html