Khi nhà văn là cha đẻ của ngành tình báo
Trong những năm trước Thế chiến thứ nhất, Vương quốc Anh và Đức luôn luôn ở trong tình trạng xung đột quân sự. năm 1911, trong cuộc khủng hoảng ở Agadir, Marocco, Thủ tướng Anh David Lloyd George tuyên bố rằng Anh sẽ trả đũa nếu lợi ích của mình bị Đức xâm phạm. đương nhiên, trong những năm đó, các cơ quan tình báo và phản gián của hai nước đều hoạt động rất tích cực.
Những khó khăn của tình báo quân sự
Cơ quan tình báo quân sự Đức Nachrichtendienst (ND) đã tiến hành một chiến dịch do thám trên quy mô lớn ở khu vực biên giới của kẻ thù tiềm năng. Các nhân viên tình báo Đức hoạt động chủ yếu ở các tỉnh phía đông của Pháp và phía tây của Nga. Tuy nhiên, tiềm lực của ND trong những năm trước chiến tranh có nhiều hạn chế vì không được tài trợ và chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của các nhà ngoại giao, lãnh sự, tùy viên quân sự và nhà báo. Nghĩa là, không phải những người thu thập tin chuyên nghiệp.
Tháng 4/1913, Walter Nicolai trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo Đức, một năm sau, ông đã xây dựng được một cơ quan tình báo khá hiệu quả và chuẩn bị đưa Vương quốc Anh vào tầm ngắm của ND, nhưng không kịp...
Về phần tình báo Vương quốc Anh, như nhà sử học người Anh Phillip Knightley nhận xét trong cuốn sách “Nghề cổ xưa thứ hai”, tình hình cũng không khá hơn. Năm 1873, Bộ Chiến tranh Anh đã thành lập Cục Tình báo và nhận thông tin từ các tùy viên quân sự.
Năm 1876, Cục Tình báo Hải quân Anh được thành lập, và một năm sau, chức năng phản gián được giao cho Cục Điều tra Tội phạm, đơn vị này chủ yếu tham gia cuộc chiến chống quân phiến loạn Ireland.
Tình báo quân sự Anh được coi là hoạt động hiệu quả hơn. Nên nhớ rằng trong Thế chiến thứ nhất, trong hàng ngũ của Cục Tình báo mật Anh có những người anh hùng của "mặt trận vô hình" như Sidney Reilly và Lawrence of Arabia...
Tuy nhiên, đại tá James Edmonds, người đứng đầu cơ quan phản gián quân sự Anh, không hoạt động gì cả. Và không phải ông không muốn làm việc, mà bởi vì ngân sách của tổ chức này quá ít ỏi: 200 bảng Anh/năm với vỏn vẹn 2 biên chế đã trói tay ông. Cần phải có một cú hích nào đó để "cuộc chiến bí mật" nhận được xung lực mới. Và một xung lực như vậy, kỳ lạ thay, lại là các tác phẩm của nhà tình báo nghiệp dư, nhà tội phạm học, nhà sưu tầm, nhà báo và nhà văn William Le Queux.
Tầm quan trọng của văn học trinh thám
Năm 1896, William Le Queux công bố tiểu thuyết “Cơ quan mật vụ”, tiếp theo là “Nguy cơ đối với nước Anh” và “Bí mật của Bộ Ngoại giao”. Những tác phẩm này đã phần nào làm thỏa mãn cơn khát văn học trinh thám ở xứ sở sương mù vào đầu thế kỷ XX.
Năm 1903, một nhà văn Anh khác, Robert Childers, xuất bản tiểu thuyết “Bí ẩn của cát”, tác phẩm viết về nguy cơ chiến tranh. Theo Thủ tướng Anh Winston Churchill, chính việc xuất bản cuốn tiểu thuyết này đã thúc đẩy chính phủ quyết định xây dựng các căn cứ quân sự ở Invergordon (Scotland), Firth of Forth và Scapa Flow.
Nước Anh vốn có truyền thống tiểu thuyết trinh thám bền vững. Đầu tiên là Rudyard Kipling với tác phẩm "Kim", sau đó những bậc thầy đầu thế kỷ như E. Phillip Oppenheim, Robert Erskine Childers và John Buchan đã hoàn thiện thể loại này, buộc cả "cha đẻ" của Sherlock Holmes, Arthur Conan Doyle, và một tác giả kinh điển khác của văn học Anh - Somerset Maugham, cũng quan tâm tới đề tài văn học trinh thám.
Cuộc gặp gỡ của nhà văn với người bạn Đức
Năm 1905, Le Queux tuyên bố rằng tại khách sạn “The Dolder Grand” ở Zurich, dường như ông đã hai lần gặp người bạn của mình là ngài N., mà ông gọi là “Phó chánh Văn phòng Tình báo Hoàng gia Đức”. Kết quả là nhà văn được sở hữu những tài liệu hết sức bí mật. Lần thứ nhất là bản ghi âm bài phát biểu của Hoàng đế Đức trước các tướng lĩnh quân sự cao cấp của Đức ở Potsdam. “Đội quân gián điệp của tôi được bố trí rải rác trên lãnh thổ của Vương quốc Anh và Pháp, cũng như trên các vùng đất ở Nam và Bắc Mỹ”, - những lời này được gán cho Hoàng đế rất giống giọng văn của chính William Le Queux! Lần thứ hai, ngài N. bí ẩn cung cấp cho bạn mình danh sách những người Anh phản bội, thành viên của một tổ chức trá hình với cái tên đầy ám ảnh "Bàn tay bí mật".
Theo Le Queux, trong danh sách này có tên của các nghị sĩ quốc hội, quan chức các bộ của Anh: Ngoại giao, Nội vụ, Quốc phòng, Bộ các vấn đề Ấn Độ, cũng như Bộ Hải quân, và một số nhà văn nổi tiếng.
William Le Queux đã gửi các báo cáo của mình tới Bộ Chiến tranh và Chính phủ Anh, nhưng họ phớt lờ "chứng cứ" của ông. Và nguyên nhân không chỉ nằm ở sự sáng suốt của các quan chức Anh mà còn ở sự tự phụ và kiêu ngạo nổi tiếng của người Anh. Thực tế là, mặc dù William Le Queux rất nổi tiếng, nhưng ông không được xã hội thượng lưu coi là nhân vật ngang hàng. Ông vốn là người Anh gốc Pháp. Ông không được tiếp thu một nền học vấn phù hợp với xã hội này. Hồi nhỏ ở London, William học với gia sư, còn sau đó, ở Paris, nhà văn tương lai học nghệ thuật. Quả thật, Le Queux thành thạo một số ngôn ngữ châu Âu và ít lâu sau được thuê làm biên tập viên nước ngoài của tờ “The Globe”. Sau chuyến đi Nga, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông “Những nút thắt tội lỗi” có cốt truyện rùng rợn được xuất bản. Tưởng như ông có một sự nghiệp khá thành công, nhưng... Trong giới thượng lưu Anh, nhà văn bị coi là kẻ mới nổi.
Tất nhiên, không phải ai cũng tán thành ý kiến trên. Bị ám ảnh bởi tư tưởng bành trướng của nước Đức, Thống chế Frederick Sleigh Roberts đã tìm thấy ở nhà văn một tâm hồn đồng điệu. Họ cùng nhau viết một báo cáo về mối đe dọa của Đức và thuyết phục Lord Northcliffe, chủ bút tờ "Daily Mail" công bố. Độ tin cậy của bản báo cáo đã được xác nhận bởi ba chuyên gia: Đại tá Cyril Field, Thiếu tá Matson và sĩ quan hải quân H.W. Wilson.
Những hạt giống được gieo trên mảnh đất màu mỡ. Dựa trên báo cáo này, tác phẩm "Cuộc xâm lăng năm 1910" của Le Queux được in hơn một triệu bản và sau đó được dịch ra 27 thứ tiếng. W. Le Queux dành toàn bộ số tiền nhuận bút của cuốn sách thành lập một bộ phận tình báo riêng do ông cùng với Thống chế Frederick Sleigh Roberts đứng đầu.
Những điệp viên đức ở Anh
Tham gia hoạt động phản gián, William Le Queux tìm kiếm gián điệp trên lãnh thổ Anh. Nhờ tài trợ của D.S. Thompson, chủ bút tờ “Weekly News”, ông đã đi du lịch khắp Scotland, viết và đăng các phóng sự điều tra về công việc của mình trên các báo, sau đó xuất bản cuốn sách “Những điệp viên của Hoàng đế Đức: kế hoạch phá hoại nước Anh”, nhân vật chính là tác giả dưới cái tên John James Jacox, luật sư kiêm thám tử.
Và một lần nữa làn sóng cuồng gián điệp bao trùm đất nước. Năm 1907, một quý ông nào đấy tên là J. Heath, đã gửi một lá thư đến tờ “Morning Post” khẳng định rằng nước Anh bị bao vây bởi 90.000 điệp viên Đức, vũ khí và đạn dược được cất giấu ở nhiều nơi, và bộ chỉ huy Đức đã xây dựng kế hoạch phá hoại hệ thống thông tin liên lạc.
Một sĩ quan tình báo giấu tên đã “thu thập” bằng chứng này về âm mưu của người Đức và chuyển cho sếp của mình, Đại tá A.E.U. Gleichen kèm theo chú thích: “Như ông biết, ở đây có một phần sự thật. Tôi được nghe nói về một người Đức thường xuyên xuất hiện ở khu vực giữa Brenwood và sông Thames ở Tilbury, chụp ảnh các công trình và bản đồ khu vực. Không ai biết anh ta là ai và sống ở đâu. Nếu cần, tôi sẽ cố gắng thu thập thêm thông tin chi tiết".
Phải chăng có khói mà không có lửa? Nhà sử học Phillip Knightley viết rằng "không có những bằng chứng trực tiếp nào về việc Đức chuẩn bị các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Anh, chỉ có những giả thuyết". Còn nhà bình luận chính trị David French trong cuốn “Cơn sốt gián điệp ở Anh trong những năm 1909-1915” nhận xét: “Ngày 14/8/1914, chính quyền Anh đã bắt giữ 21 người Đức vì tình nghi hoạt động gián điệp. Chỉ một người trong số họ bị xét xử”. Không cần bình luận thêm…
Năm 1909, tại hội nghị của một tiểu ban do Bộ Chiến tranh thành lập, đã nổ ra các cuộc khẩu chiến về vấn đề gián điệp ở quần đảo Anh. Chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh R.B. Haldane, còn trong số những người tham gia có Đô đốc đầu tiên của Bộ Hải quân, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Bưu điện, Cục trưởng Cục Tình báo Hải quân... Diễn giả chính của hội nghị là Đại tá James Edmonds. Vấn đề đặt ra rất quan trọng và có ý nghĩa - thành lập cơ quan tình báo mật thống nhất. Tuy nhiên, tài liệu thực tế, luận chứng và các báo cáo của J. Edmonds không dựa trên các sự kiện, mà trên... các tác phẩm của nhà văn William Le Queux.
Tình cờ phát hiện kế hoạch của bộ tham mưu Đức
Ban đầu, R.B. Haldane, chủ tịch tiểu ban, nghi ngờ độ tin cậy của các tài liệu được trình bày tại hội nghị, nhưng sau đó, một tài liệu vô tình lọt vào tay Bộ Chiến tranh Anh ngay trước hội nghị đã thay đổi các đánh giá của ông.
R.B. Haldane nói: “Tuần trước, Bộ Chiến tranh đã nhận được từ nước ngoài một tài liệu có thể làm sáng tỏ phần nào những sự kiện đang diễn ra. Tài liệu này của một thương gia Pháp đang trên đường từ Hamburg đến Spa. Ông ta đi cùng toa với một người Đức có chiếc vali giống vali của mình. Khi xuống ở một ga, người Đức cầm nhầm vali. Mở chiếc vali để lại, thương gia Pháp phát hiện trong đó các kế hoạch chi tiết và sơ đồ đánh chiếm nước Anh. Ông ta đã sao chép những gì có thể trong thời gian tàu đi đến ga tiếp theo, nơi ông được yêu cầu trả lại vali, vì sau khi phát hiện ra sự nhầm lẫn của mình, người chủ đã báo cho cơ quan đường sắt”.
Công việc đã hoàn thành. Tài liệu này, rõ ràng, phảng phất mùi mực của Le Queux và giống tiểu thuyết “Những điệp viên của Hoàng đế” của ông như hai giọt nước. Nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử tình báo Anh: Cơ quan Tình báo mật Hoàng gia được thành lập, gồm hai bộ phận - đối nội, nghĩa là phản gián, và đối ngoại - tình báo (tiền thân của Cục Tình báo mật (Secret intelligence service-SIS), thường được gọi là MI.6. Người đứng đầu bộ phận phản gián là đại úy có kinh nghiệm hoạt động tình báo, nhà báo kiêm nhà tổ chức xuất sắc Vernon Kell. Còn người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Cục Tình báo mật là Đại úy Mansfield Smith-Cumming.
Có thể nói, công lao của William Le Queux trong việc thành lập Cục Tình báo mật là vô cùng to lớn. Bằng các tác phẩm của mình ông đã thức tỉnh người dân Anh, buộc họ cuối cùng tin vào nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới sắp xảy ra.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/khi-nha-van-la-cha-de-cua-nganh-tinh-bao-i754470/