Khi nhân dân đồng thuận

Huyện Lộc Ninh có xuất phát điểm thấp trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình (năm 2010), các xã đạt trung bình 1,05 tiêu chí NTM/xã; thu nhập bình quân 18,7 triệu đồng/người/năm. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh chung sức, đồng lòng tập trung xây dựng NTM. Sau gần 10 năm thực hiện, nay Lộc Ninh đạt bình quân 15,2 tiêu chí/xã, thu nhập (tháng 9-2019) hơn 40 triệu đồng/người.

>> Bù Đăng tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM
>> Lộc Ninh phấn đấu giai đoạn 2025-2030 có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới
>> Dự kiến năm 2020 Chơn Thành sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới
>> Nhân dân xã Tân Tiến góp sức thắp sáng đường quê
>> Nhân dân Bình Long đóng góp 33,9 tỷ đồng xây dựng NTM

Tạo bước đột phá về giao thông

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, giao thông là tiêu chí khó thực hiện, vì cần nguồn vốn lớn và sự đồng thuận cao của nhân dân. Để gỡ khó, năm 2013 huyện Lộc Ninh ban hành Đề án làm đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” (Đề án 03) nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

Lộc Thuận là xã tiên phong hoàn thành nhanh các tuyến đường theo Đề án 03. Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận Hoàng Thế Nam cho biết: Đề án 03 rất thiết thực, gắn bó với quyền lợi của nhân dân. Từ đó, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, các tuyến đường bê tông nhanh chóng hoàn thiện. Từ năm 2013 đến nay, đường trục ấp và liên ấp của xã được cứng hóa, bê tông hóa 40km; đường ngõ, xóm được bê tông hóa, cứng hóa 37km. Từ nay đến cuối năm 2019, xã tiếp tục đầu tư 15km đường liên ấp, 5km đường ngõ xóm. Thực hiện theo phương thức này, các tuyến đường giảm được 40% chi phí công trình.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh chung sức làm đường giao thông nông thôn tại ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh

Chiến sĩ Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh chung sức làm đường giao thông nông thôn tại ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh

Điểm đáng chú ý trong xây dựng các tuyến đường giao thông thời gian qua là có sự chung tay của lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn. Năm 2015, đường tổ 1, ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh là tuyến đầu tiên có sự chung sức của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 208 Bộ CHQS tỉnh. Bà Bùi Thị Loan, tổ 1, ấp Đồng Tâm cho biết: Trước đây, đường tổ nhỏ, hẹp, chỉ đủ cho xe chạy một chiều, khi được vận động làm đường bà con phấn khởi, tích cực chia ca làm. Trong 20 ngày tuyến đường dài 1.600m, bề rộng mặt đường 3m và hành lang hai bên đường 2m đã hoàn thành trong niềm hân hoan của người dân. Đây là tuyến đường giao thông đầu tiên của Lộc Thịnh được bê tông hóa theo Đề án 03, kinh phí trên 1 tỷ đồng. Cuối năm 2018, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các đoàn thể xã, thị trấn trong huyện chung tay đẩy nhanh tiến độ thực hiện 16 tuyến đường bê tông xi măng trên địa bàn các ấp của xã Lộc Tấn, dài 16.143m. Chủ tịch UBND xã Lộc Tấn Giang Minh Hiến cho biết: Sự giúp sức của lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị đưa xã về đích NTM đúng hẹn (năm 2018).

Những con đường “ý Đảng, lòng dân” được hoàn thành đã đem lại diện mạo mới cho vùng biên. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn huyện đã được đầu tư làm mới và nâng cấp 785,2km gồm: 144km đường nhựa, 336km đường bê tông xi măng, 213,7km đường cấp phối. Lộc Ninh có 8/15 xã đạt tiêu chí giao thông (tăng 8 xã so với năm 2010).

Hiệu quả xây dựng NTM

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thái Phan Thanh Quang phấn khởi cho biết: Trước đây, nhiều đường ngõ xóm của xã chỉ rộng hơn 2m nhưng thực hiện xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình để mở rộng đường. Đến nay, trên 90% tuyến đường ngõ xóm được bê tông hóa. Bên cạnh hiến đất, đóng góp tiền, ngày công làm đường, người dân còn tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Đến nay, 100% hộ dân tự phân loại rác thải ngay tại gia đình; các hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng hầm biogas, rãnh thoát nước thải.

Già làng Lâm Hớ, xã Lộc Hưng vui mừng nói: Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được trải nhựa và bê tông hóa 100%. Người hiến đất, người góp công, góp tiền, nhân dân trong xã đồng lòng cùng Nhà nước xây dựng đường khang trang, sạch đẹp. Theo ông Hà Trương Quyền, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng: Kết quả từ nguồn vốn xây dựng NTM và vốn lồng ghép, từ năm 2011, Lộc Hưng đã làm được trên 70km đường nông thôn, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp công lao động, hiến đất và các công trình, vật kiến trúc quy thành tiền trị giá hơn 5 tỷ đồng. Năm 2016, Lộc Hưng là xã đầu tiên của Lộc Ninh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Từ thực tiễn ở huyện cho thấy, vấn đề quan trọng nhất để huy động toàn xã hội tập trung cho chương trình xây dựng NTM là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân. Thành công trong xây dựng NTM ở Lộc Ninh là bài học “khơi dậy và phát huy sức dân”, lấy khu dân cư làm đơn vị cơ sở và hộ dân là hạt nhân để vận động thực hiện. Cũng chính từ chương trình xây dựng NTM, tình cảm trong cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết cho biết

Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Nguyễn Gia Hòa cho biết: Với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm gốc trong xây dựng NTM, bên cạnh những chính sách của Trung ương và tỉnh thì huyện Lộc Ninh cũng có những giải pháp riêng để nâng cao đời sống người dân. Đó là khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất bạc màu, hỗ trợ cây - con giống cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Trong đó, mô hình giống lúa mới OM 6916 và OM 6932 cho năng suất cao, mô hình máy gặt đập liên hợp, chăn nuôi bò, dê sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhờ những chính sách cụ thể, người dân địa phương đồng tình ủng hộ và chia sẻ cùng chính quyền thực hiện các chương trình xây dựng NTM. Đến tháng 9-2019, toàn huyện còn 1.658 hộ nghèo, chiếm 5,57% tổng số hộ dân, giảm 438 hộ so với năm 2011.

Sự đồng thuận trong toàn dân cùng với đa dạng hóa trong huy động vốn để xây dựng NTM, qua gần 10 năm (2010-2019) thực hiện, huyện Lộc Ninh đã huy động tổng các nguồn vốn 795 tỷ 508 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 568 tỷ 40 triệu đồng; nhân dân đóng góp 73 tỷ 167 triệu đồng và từ các nguồn vận động khác 154 tỷ 786 triệu đồng. Đến nay, Lộc Ninh có 5/15 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Lộc Hưng (năm 2016), Lộc Hiệp, Lộc Thái (năm 2017), Lộc Tấn, Lộc Thạnh (năm 2018); bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã, tăng 14,15 tiêu chí/xã so với năm 2011. Đến năm 2019, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt hơn 40 triệu đồng/người (tăng hơn 2,5 lần so với năm 2010). Huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM tại 3 xã: Lộc Điền, Lộc Thuận, Lộc Thịnh; đồng thời thẩm định, lập hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019. Huyện triển khai thực hiện 2 khu dân cư kiểu mẫu tại ấp 3, xã Lộc Thái và ấp Hiệp Quyết, xã Lộc Hiệp, đây cũng là 2 xã huyện đăng ký thực hiện xã NTM nâng cao vào năm 2020.

Mai Hoàng Mỹ

>> Chơn Thành khởi sắc nông thôn mới
>> Đồng Phú hướng tới huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM
>> Tân Tiến phấn đấu về đích nông thôn mới đúng hẹn
>> Đồng Phú tổng kết xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019
>> Phát động xây dựng 1.000km đường nông thôn và giảm 1.000 hộ DTTS nghèo

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/khi-nhan-dan-dong-thuan-554610