Khi niềm tin bị đánh cắp

Trong thời kỳ bùng nổ đầu tư bất động sản, nhiều người đã tìm cách huy động vốn từ người thân, bạn bè với những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã lợi dụng sự tin tưởng này để chiếm đoạt tiền và sử dụng cho mục đích cá nhân, khiến nhiều người mất trắng tài sản.

Việc lừa đảo trong quan hệ bạn bè, gia đình trở nên nguy hiểm bởi niềm tin dễ dàng bị lợi dụng.

Bạn bè, người thân là đối tượng nhắm tới

Những năm gần đây, bất động sản là thị trường được coi là kênh đầu tư hấp dẫn và khá an toàn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những người có vốn mỏng thì đầu tư vào bất động sản là rất khó khăn. Chính vì thế rủ người đầu tư chung là phương án khá phổ biển và rất khả thi. Lợi dụng điều này mà nhiều đối tượng đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết để rủ rê đầu tư bất động sản sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ lừa đảo luôn tận dụng sự tin tưởng của bạn bè, người thân để tiếp cận và thuyết phục người khác góp vốn vào những dự án bất động sản rất mơ hồ.

Tình trạng “vẽ” dự án để lừa đảo diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tình trạng “vẽ” dự án để lừa đảo diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó chúng thường đưa ra những lời hứa về lợi nhuận khủng từ các dự án đó, cam kết rằng khoản đầu tư sẽ sinh lời nhanh chóng và đảm bảo an toàn. Vốn là người không hiểu biết về thị trường bất động sản, cộng với lòng tin đối với kẻ lừa đảo nên nhiều người đã không mảy may nghi ngờ, dễ dàng đồng ý góp vốn mà không yêu cầu xác minh kỹ lưỡng.

Chị Nguyễn Thu Hường (Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) là một nạn nhân của chiêu rủ đầu tư bất động sản này. Chị Hường kể lại, chị có một người bạn sống trong Gia Lai, năm 2022 người bạn này bất ngờ gọi điện rủ đầu tư bất động sản. “Cô ấy nói là hiện đang làm chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, môi giới bất động sản nên am hiểu thị trường đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Cô ấy bảo, hiện trong Gia Lai có một dự án rất tốt nếu đầu tư vào đó khi dự án này hoàn thiện chắc chắn lãi gấp đôi thậm chí gấp 3 lần.

Để thể hiện thiện chí, cô ấy bay từ Gia Lai ra đây gặp tôi. Sau khi nghe cô ấy “ngọt nhạt” tôi đã quyết định chuyển hơn 3 tỷ cho cô ấy để đầu tư. Có lẽ do cô ấy nói quá hay, quá khéo nên tôi cũng không có nghi ngờ gì, cũng không xác minh dự án đó như thế nào. Sau khoảng 5 tháng đưa tiền thì vô tình tôi được biết chẳng có dự án nào như thế cả. Điện thoại đòi tiền không được, hai vợ chồng tôi vào tận Gia Lai để tìm cô ấy. Sau đó cô ấy có xin và xin trả dần…”, chị Hường kể lại.

Không chỉ sử dụng những lời lẽ ngon ngọt, “vẽ” ra những dự án đẹp như mơ, kẻ lừa đảo còn tạo áp lực bằng cách nói rằng cơ hội đầu tư chỉ có giới hạn về thời gian, nếu không hành động ngay, người đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn. Điều này khiến người thân hoặc bạn bè dễ bị thúc ép phải ra quyết định nhanh chóng mà không có thời gian xem xét kỹ lưỡng về dự án hoặc tính hợp pháp của khoản đầu tư. Anh Trương Như Hồng (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại: “Tôi có chơi với một anh bạn làm về môi giới bất động sản. Anh ấy có mời tôi đầu tư vào một dự án ở Hưng Yên. Tôi không có nhiều tiền nên đã từ chối, nhưng anh ấy nói có bao nhiêu đầu tư từng đó, nhiều thì ăn nhiều, ít ăn ít. Nghe anh ấy nói xong tôi cũng thấy hợp lý nên đã về bàn với vợ để rút tiền ngân hàng. Do một số vấn đề về giấy tờ, chúng tôi rút tiền bị chậm so với lịch hẹn với người bạn đó. Trong thời gian đó anh bạn liên tục gọi điện thúc, rồi còn bảo cơ hội đầu tư chỉ có giới hạn về thời gian, nếu không nhanh là người khác thế chỗ mất. Giục nhiều quá nên vợ chồng tôi sinh nghi, sau nhờ người kiểm tra thông tin dự án thì hoàn toàn không có… Khi gọi lại nói sự việc thì anh ấy chặn luôn số, cắt đứt mọi liên lạc với tôi”.

Chia sẻ về hiện tượng này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Intelia cho rằng: “Đa phần các đối tượng huy động được số tiền lớn từ người thân, bạn bè, họ thường không đầu tư vào bất kỳ dự án nào mà thay vào đó sử dụng tiền cho các mục đích cá nhân như tiêu xài, mua sắm xa xỉ hoặc trả nợ. Những lời hứa hẹn về việc sinh lời hoặc hoàn trả vốn nhanh chóng biến thành những lời bào chữa, trì hoãn, và cuối cùng là biến mất không dấu vết.

Những dự án mà kẻ lừa đảo giới thiệu có thể không tồn tại hoặc là những dự án “ma” không có cơ sở pháp lý. Họ sử dụng các thông tin giả, hình ảnh photoshop hoặc các tài liệu mạo danh để thuyết phục nhà đầu tư rằng dự án đang triển khai và sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai”, luật sư Hòe chia sẻ.

Theo luật sư Hòe, để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo huy động vốn từ bạn bè, người thân, nhà đầu tư cần chú ý những điểm như: Dù người kêu gọi đầu tư là bạn bè, người thân, vẫn cần tìm hiểu kỹ về dự án. Yêu cầu xem các giấy tờ pháp lý, giấy phép xây dựng, và xác minh thông tin từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nếu không có đủ kiến thức về bất động sản hoặc pháp lý, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đưa ra quyết định đúng đắn. Luật sư hoặc các chuyên gia tài chính có thể giúp kiểm tra tính hợp pháp của dự án và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Không đầu tư vào các dự án không rõ ràng: Những dự án không có thông tin rõ ràng, không có giấy phép pháp lý, hoặc hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần thận trọng và không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào bất kỳ ai, kể cả người thân. Yêu cầu hợp đồng chi tiết: Trước khi góp vốn, luôn yêu cầu ký kết hợp đồng chi tiết về các điều khoản, quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên. Hợp đồng cần được soạn thảo rõ ràng, nêu rõ cách thức chia lợi nhuận và biện pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp.

Trả giá đắt

Thời gian gần đây cơ quan công an liên tục bắt giữ các đối tượng sử dụng phương thức lợi dụng quan hệ thân thiết, rủ đầu tư bất động sản để chiếm đoạt tài sản. Ngày 27/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An thông tin, đơn vị này vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thoan (sinh năm 1992) trú tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thoan có quen biết với nhiều người tại địa phương.

Đối tượng Nguyễn Thị Thoan tại cơ quan Công an.

Đối tượng Nguyễn Thị Thoan tại cơ quan Công an.

Nhận thấy tiềm năng có thể huy động được số tiền lớn từ những người này nên Thoan đã tung tin về việc mình có người anh trai làm ăn rất giỏi, có nhiều mối quan hệ trong việc đầu tư bất động sản. Khi được nhiều người tin tưởng, Thoan mở lời việc đứng ra huy động vốn giúp anh để đầu tư mua đất. Khi bán có lời, lợi nhuận sẽ được chia cho những người góp vốn.

Để xây dựng niềm tin, người phụ nữ này gửi hình ảnh chụp chung với "anh trai", ảnh công trình thi công, công trình đang động thổ, ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mọi người xem và nói dối rằng đây là các dự án anh trai Thoan đang đầu tư, hứa hẹn sẽ sinh lợi hàng tỷ đồng. Tin tưởng Thoan, nhiều người đã đưa tiền để được góp vốn. Tổng số tiền mà Thoan nhận để đầu tư bất động sản là 7,2 tỷ đồng. Nhận tiền, thay vì đầu tư sinh lời, Thoan dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hưởng án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hưởng án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 24/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1989, cựu cán bộ địa chính UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, tháng 1/2013, Nguyễn Thị Hưởng được tuyển làm nhân viên hợp đồng có thời hạn tại bộ phận Địa chính - Xây dựng UBND phường Phú Lương, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn. Do cần tiền để chi tiêu cá nhân và trả nợ, Hưởng đã đưa ra thông tin gian dối về khả năng người phụ nữ này có thể mua được các lô đất ở, đất dịch vụ ở quận Hà Đông với giá rẻ. Hưởng rủ các bị hại góp vốn để mua nhiều lô đất rồi bán lại ngay để kiếm lời. Sau khi nhận tiền, Hưởng đã chiếm đoạt để sử dụng chi tiêu cá nhân.

Cơ quan tố tụng xác định, với thủ đoạn trên, từ ngày 26/8/2018 đến ngày 23/2/2019, Nguyễn Thị Hưởng đã lừa đảo, chiếm đoạt của 12 bị hại với tổng số tiền gần 44 tỷ đồng.

Trong đó, ông D.V.C. (Sinh năm 1966, họ hàng với Hưởng) bị Nguyễn Thị Hưởng lừa nhiều nhất là gần 18 tỉ đồng. Theo đó, cuối năm 2018, Hưởng rủ ông C. góp tiền mua đất cùng với Hưởng, sau khi bán đất sẽ chia theo tỉ lệ vốn góp. Ông C. tin là thật nên từ tháng 11 và 12/2018 đã đưa cho Hưởng tổng số 17,95 tỉ đồng để góp tiền mua đất. Tương tự, bà Ng.Th.V. (Sinh năm 1972, ở phường La Khê, quận Hà Đông) làm nghề môi giới nhà đất quen biết với Hưởng từ năm 2016. Tháng 1/2019, Hưởng rủ bà V. góp tiền mua chung các mảnh đất để bán lại kiếm lời theo tỉ lệ góp vốn. Bà V. tin là thật nên chỉ trong 3 ngày đã đưa cho Hưởng 12 tỉ đồng để cùng mua chung một số lô đất.

Sau khi đưa 12 tỉ đồng cho Hưởng, bà V. yêu cầu Hưởng liên hệ với các chủ sử dụng lô đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc người có tên trong các quyết định giao đất để hoàn tất thủ tục mua bán theo thỏa thuận song Hưởng không thực hiện mà chiếm đoạt tiền sử dụng chi tiêu cá nhân, trả nợ hết.

Với hành vi của bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hưởng án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Phạm Thị Thái Oanh tại phiên tòa diễn ra vào tháng 4/2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Bị cáo Phạm Thị Thái Oanh tại phiên tòa diễn ra vào tháng 4/2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó vào tháng 4/2024, TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng mở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thị Thái Oanh (43 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2021, Oanh vay tiền của nhiều người để đầu tư mua bán đất ở huyện Lộc Hà song thua lỗ, nợ hơn 6 tỷ đồng tiền gốc, mỗi tháng phải trả 300 triệu đồng tiền lãi. Đến tháng 5/2022, Oanh mất khả năng thanh toán. Do các khoản nợ quá hạn, bị nhiều chủ nợ hối thúc trả tiền nên Oanh đã nảy sinh ý định mượn tiền của người thân, hàng xóm, bạn bè hoặc rủ chung vốn mua đất cùng mình, hứa sẽ trả lãi đúng hạn và chia đôi tiền lời sau khi bán đất.

Để tạo sự tin tưởng, Oanh nhận vơ một số miếng đất mặt đường xã Thạch Châu và thị trấn Lộc Hà là của mình rồi dẫn đối tác đi xem, nói "đã có 'cò' trả giá cao hơn vài trăm triệu đồng, nếu hùn vốn đầu tư thì chắc chắn vài ngày là có lời".

Tháng 5-7/2022, 3 phụ nữ ở xã Thạch Kim và Thạch Châu, huyện Lộc Hà cho Oanh vay gần 4,7 tỷ đồng, người nhiều nhất hơn 2,6 tỷ đồng. Nhận tiền, Oanh đem trả nợ, tiêu xài hết. Đến hẹn không có tiền trả gốc và lãi, bị hối thúc, Oanh nhắn tin thông báo vỡ nợ.

Sau đó, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo Oanh. Tháng 10/2022 Oanh bị bắt.

Tại phiên xử, Oanh trình bày do buôn đất thua lỗ, nợ nần nhiều nên nảy sinh ý định lừa đảo. Bị cáo mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm về làm việc trả nợ.

Nhận định hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi, gây mất an ninh trật tự cho xã hội nên cần phải nhận mức án tương xứng. Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Oanh 14 năm tù về tội danh trên.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/khi-niem-tin-bi-danh-cap-i745890/