Khi nông dân Cò Nòi 'bung sức'

Xã Cò Nòi (Mai Sơn) một thời ghi dấu ấn là vựa ngô 'vàng', mía ngọt, nay xã nông thôn mới trù phú này tiếp tục nổi tiếng với nhiều sản vật nông nghiệp nức tiếng, chinh phục hầu hết các siêu thị danh tiếng trong nước và đang vững vàng vươn ra xuất khẩu. Nơi đây cũng đang là mảnh đất sản sinh ra nhiều tỷ phú nông dân tốp đầu của tỉnh.

Vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung của xã Cò Nòi

Vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung của xã Cò Nòi

Vùng quê nhiều "đại gia chân đất"

Ai qua Cò Nòi hẳn đều bị chú ý bởi trung tâm xã sầm uất với khu dân cư có nhiều nhà cao tầng san sát, mang dáng dấp đô thị mới. Dọc đường đến các bản, tiểu khu, những biệt thự nhà vườn xuất hiện ngày một nhiều. Chúng tôi thực sự ấn tượng với con số mà cán bộ Hội Nông dân xã thông tin: Toàn xã hiện có 1.535 hội viên nông dân, hơn 50% đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, trong đó, cấp Trung ương 16 hộ, cấp tỉnh 98 hộ, cấp huyện 345 hộ, cấp xã 322 hộ. Họ thực sự là “đại gia” với thu nhập mà nhiều người mơ ước từ vài trăm triệu đến trên tỷ bạc mỗi năm, ở hầu khắp các lĩnh vực từ may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải, chế biến nông sản, chăn nuôi, trồng trọt... Nhưng theo cán bộ Hội Nông dân xã thì lĩnh vực trồng trọt đang là bước đột phá của địa phương.

Diện mạo nông thôn mới tiểu khu 3/2 khang trang, sạch đẹp

Diện mạo nông thôn mới tiểu khu 3/2 khang trang, sạch đẹp

Dẫn tôi đi thăm tiểu khu 3/2, một vựa cây ăn quả mới nổi khi chiếm tới 1/3 số hộ nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương của xã. Từ quốc lộ 6 gần khu vực nhà máy Mía đường Sơn La, cắt ngang tuyến đường bê tông hai bên hoa cúc vàng, hoa chiều tím đua nhau khoe sắc, đến vùng cây ăn quả ngút tầm mắt rộng vài trăm ha. Nhà “Tỷ phú nhãn” Nguyễn Văn Xanh hiện ra sau những chùm nhãn treo buông lấn sát lối đi. Cuộc trò chuyện với bác nông dân ngấp nghé tuổi "lục tuần" này liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại chuẩn bị cho chuyến nhãn xuất đi Trung Quốc. Chủ đề câu chuyện cũng đều liên quan đến nhãn. 10 năm lập nghiệp ở Cò Nòi, ông Xanh mang giống nhãn Miền Thiết quê Hưng Yên của mình lên trồng 1,5 ha đất mua được. Bình quân, mỗi năm thu từ 35-40 tấn. Toàn bộ số nhãn của gia đình và khoảng 300 tấn nhãn mỗi vụ của các hộ xung quanh được ông Xanh thu mua, làm đầu mối cho doanh nghiệp xuất nhãn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên được giá cao. Tổng thu nhập của gia đình ông Xanh khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Còn đến vườn của “Tỷ phú na” Bùi Văn Lộc như lạc vào rừng cây trái xum xuê, mướt mắt. Mới 30 tuổi, anh Lộc đã có thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm. Được thừa kế 1 ha na dai của bố mẹ và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, anh đã gây dựng cơ ngơi đáng nể, mua đất mở rộng diện tích lên 7 ha, gồm 4 ha na Thái, 2 ha na dai, 1 ha na Đài Loan. Chàng nông dân lái xe bán tải đi nương này còn tạo việc làm cho gần 20 lao động, với tiền công hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiểu khu 3/2, chúng tôi còn thăm mô hình 2,5 ha trồng xoài, nhãn, bưởi đỏ của anh Đoàn Thanh Thuận cũng mới 36 tuổi, tiểu khu Thống Nhất, thu nhập 800 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Hữu Tứ, bản Mé Lếch với 2,5 ha na, thu 920 triệu đồng/năm… Họ đều là những nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương, có sức lan tỏa trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở địa phương, được nhiều người đến học tập và làm theo.

Kế hoạch hóa sinh sản cho… cây

Qua các mô hình đến thăm, điểm chung là các hộ nông dân biết “chọn cây gửi đất” và áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất. Khu vực tiểu khu 3/2 nguồn nước khan hiếm, thường bị hạn những tháng mùa khô. “Cái khó ló cái khôn”, năm 2015 anh Bùi Văn Lộc đã lặn lội vào tận Đồng Nai để mua 50 cây giống na Thái trồng thử nghiệm. Nhận thấy na Thái có ưu điểm là khả năng chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt, nên anh đã nghiên cứu, ghép cải tạo vườn na bản địa và mở rộng lên 4 ha. Giống na này ít hạt, mắt na sáng mịn, thịt dai, dẻo, rất thơm ngon, ngọt, khi chín không bị nứt vỏ, quả to gấp 3-4 lần na thường, mỗi quả nặng từ 0,6-1,4 kg, mỗi cây cho thu từ 30-60 kg quả/năm, giá ổn định hơn 80 nghìn đồng/kg. Thăm vườn na của anh Lộc, chúng tôi nhận thấy, cùng một cây có quả sắp chín, lại có nhiều quả non kích cỡ khác nhau, thậm chí có cả mầm hoa. Không giấu bí quyết, anh Lộc chia sẻ: Tôi áp dụng kỹ thuật tỉa cành, kết hợp với bón phân làm cho cây ra hoa nhiều đợt ở cành to thay vì tự ra ở ngọn như trước kia, thụ phấn bằng phương pháp nhân tạo nên tỷ lệ đậu quả cao, tính được lượng quả phù hợp với cây. Kỹ thuật này giúp cây phân phối nguồn dinh dưỡng nuôi quả to hơn, ngon hơn, đối với na Thái năng suất cây năm thứ 7 có thể đạt 20 tấn/ha, đặc biệt là thời gian thu hoạch kéo dài đến Tết Nguyên đán, giá lên tới 90 nghìn đồng/kg; còn na dai đạt tới 13 tấn/ha, thời gian thu hoạch từ tháng 8 đến hết tháng 10.

Thành viên HTX Bảo Khánh chăm sóc na Thái theo quy trình VietGAP

Thành viên HTX Bảo Khánh chăm sóc na Thái theo quy trình VietGAP

Là người tiên phong áp dụng kỹ thuật ghép mắt cây ở xã, ông Nguyễn Văn Xanh đã cải tạo vườn nhãn “cỏ” của gia đình và hàng chục ha của các hộ xung quanh bằng giống nhãn chín muộn Miền Thiết. Mặt khác, ông áp dụng phương pháp khoanh cành “hãm” làm cây chậm ra quả, lùi thu hoạch tới 20 ngày so với bình thường, nhằm tránh khoảng thời gian đáng kể cho cây phải nuôi quả lúc cao điểm mùa khô, lại được giá cao hơn. Năng suất nhãn của gia đình ông Xanh đạt 30 tấn/ha. Vụ trước, ông ghép 100 cây giống nhãn siêu ngọt chất lượng cao hơn, thu hoạch muộn hơn, thương lái đã trả 35 nghìn đồng/kg nhãn siêu ngọt mà gia đình vẫn chưa chốt, cao gấp đôi nhãn Miền Thiết.

Qua tìm hiểu được biết, với sự hỗ trợ của các cấp và các ngành tỉnh, nhiều hộ gia đình ở Cò Nòi đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho khoảng 30 ha, khi bón phân chỉ cần hòa vào bể chứa nước đầu nguồn, giảm đáng kể ngày công lao động, năng suất tăng lên 20%. Nhờ vậy, hiệu quả canh tác rất cao, bình quân mỗi ha cây ăn quả đạt 300-400 triệu đồng, nhất là dâu tây đạt 1 tỷ đồng/ha.

“Tiếp sức” cho nông dân làm giàu

Phát huy tiềm năng đất đai tương đối bằng phẳng, nông dân Cò Nòi đã thâm canh nhiều loại cây trồng, nhưng họ thực sự được “bung sức” làm giàu trên mảnh đất của mình khi tỉnh có chủ trương chuyển đổi diện tích cây lương thực, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Các hộ nông dân đã mạnh dạn đưa các loại cây giống mới có giá trị kinh tế cao; đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Toàn xã hiện có trên 1.200 ha cây ăn quả, nhất là na Thái, dâu tây trở thành cây chủ lực làm giàu cho nông dân.

Trong quá trình sản xuất, các hộ nông dân được các cấp, các ngành hỗ trợ nhiều mặt, như: Chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ xây dựng mô hình; vận động, hướng dẫn thành lập HTX và cấp chứng nhận VietGAP, tạo điều kiện tham gia quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin: 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 104 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 6.200 lượt nông dân. Nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn, hiện tổng dư nợ hơn 7,7 tỷ đồng; giải ngân 500 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động hội viên đóng góp quỹ trên 550 triệu đồng cho các hộ vay vốn đầu tư sản xuất.

"Buôn có bạn, bán có phường", từ những hộ sản xuất đơn lẻ, giờ đây nông dân Cò Nòi đã liên kết thành lập HTX, thống nhất thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, kết nối tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Cả xã hiện có 18 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, bình quân mỗi HTX khoảng 15 thành viên, thường xuyên trao đổi kỹ thuật sản xuất, sẵn sàng chia sẻ “bí quyết” như cách làm cho na ra nhiều đợt quả, điều khiển cho nhãn chín muộn… Sở hữu những nông dân dám nghĩ, dám làm, các HTX cũng trở nên đa năng hơn khi trở thành trung tâm cung ứng vật tư nông nghiệp, vừa làm đầu mối bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Điển hình là HTX Mé Lếch có 20 thành viên với 50 ha na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng/thành viên/năm. HTX Bảo Khánh, với 22 thành viên, có 60 ha na cùng sản xuất theo quy trình VietGAP, tháng 6/2018, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Na Thái Mai Sơn, đặc sản Sơn La”, doanh thu năm 2019 trên 20 tỷ đồng. Triển vọng là mô hình HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất gồm 25 thành viên, trồng 50 ha nhãn, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi đỏ, xoài Đài Loan, xoài Thái... Anh Đoàn Thanh Thuận, Giám đốc HTX, bộc bạch: Nhận thấy thế mạnh của tiểu khu là trồng cây ăn quả, song trước đây làm theo kiểu “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, manh mún, kém hiệu quả. Với sự trợ giúp hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và xã, những thanh niên thế hệ 8X ở tiểu khu cùng chí hướng đã thành lập HTX năm 2017, hiện có 15 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 5 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang châu Âu. Tuy cây mới bắt đầu cho thu hoạch, nhưng năm 2019, tổng doanh thu của HTX đã đạt 4 tỷ đồng…

Mô hình tưới tiết kiệm nước tại HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất

Mô hình tưới tiết kiệm nước tại HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất

Từ phong trào nông dân SXKD giỏi góp phần lớn vào phát triển kinh tế của xã, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, tăng 11,3 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%. Đời sống nông dân nâng lên đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, với trên 3,5 tỷ đồng của Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp ngày công và tiền hơn 4 tỷ đồng làm 11,6 km đường giao thông nông thôn, xây mới và sửa chữa 19 nhà văn hóa, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn thu hoạch nhãn chín muộn

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn thu hoạch nhãn chín muộn

Với sự “tiếp sức” của các cấp, các ngành, trực tiếp là Hội Nông dân đã khích lệ, tạo động lực cho nông dân Cò Nòi thi đua sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu cho gia đình và chung sức xây dựng quê hương Ngã ba Cò Nòi huyền thoại ngày càng khang trang, đổi mới.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khi-nong-dan-co-noi-bung-suc-33493