Khi nông dân linh hoạt

Khi cái nắng ban trưa dịu bớt, anh Hồ Viết Sơn ở khu phố Lương Tây (thị trấn Lương Sơn, Bắc Bình) lại mang máy ra cánh đồng cắt cỏ cho đàn bò ăn. Chỉ khoảng vài phút đi xe máy, vườn cỏ tây xanh um hiện ra trước mắt. Cánh đồng rộng 3 sào này 5 năm trước là ruộng lúa 'năm được năm thất' của gia đình anh. Bây giờ đã khác, trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản mỗi năm cho gia đình nguồn thu nhập khá.

Khi nông dân linh hoạt

Anh Sơn cắt cỏ chăm đàn bò.

Anh Sơn cắt cỏ chăm đàn bò.

Trồng cỏ nuôi bò trên đất lúa

Tiếng máy cắt cỏ nổ giòn tan, từng đám cỏ ngã rạp, con gái anh Sơn theo sau tóm cỏ thành từng bó ôm gọn trên tay. Đàn bò trong chuồng cứ thong dong gặm cỏ, con nào con nấy bụng cũng no căng tròn. Ngưng tay, anh Sơn hồ hởi khoe: “Nhờ thức ăn dồi dào, bò nhốt chuồng ít dịch bệnh hơn nên tôi chủ động tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng nên đàn bò thịt phát triển rất tốt. 5 con bò cái vừa sinh 5 bê con sau gần 7 tháng nuôi, kêu thương lái đến bán tất cả số bê ấy được 25 triệu đồng. Tôi định sửa lại cái chuồng cũ để đầu tháng sắp tới nuôi thêm bê con bán thịt. Sở dĩ tôi quyết định tăng số lượng đàn là thấy hướng này cho mức thu nhập khá cao, hơn nữa số cỏ trồng đủ cho đàn bò ăn”.

Các cánh đồng khu phố Lương Tây, Lương Trung, Lương Đông hưởng lợi nguồn nước công trình thủy lợi Đại Ninh, bây giờ thêm nước tích trữ hồ Sông Lũy. Nơi đây, mạch nước ngầm dồi dào nhưng tình trạng ngập úng lại xảy ra vào mùa mưa, mùa khô có lúc thiếu nước một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Sau khi được UBND xã định hướng, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi bớt diện đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, số còn lại vừa trồng lúa tăng thu nhập và tận dụng nguồn rơm rạ chăn nuôi. Nhớ lại khi còn trồng 5 sào lúa, mỗi năm đầu tắt mặt tối làm đều đặn 3 vụ lúa song cuộc sống gia đình anh vẫn thiếu trước hụt sau. “Lúa thất thu đã khổ, điều khiến tôi đau đầu hơn là lúa mất nên không có rơm cho bò ăn, phải đi mua với giá cao. Mỗi tháng nuôi 4 con bò cũng tốn khoảng 200.000 đồng tiền mua cỏ”, anh Sơn kể. Anh Sơn nhẩm tính so sánh với làm lúa thì trồng cỏ nuôi bò lãi gấp 1,5 lần bởi giá bò thịt ổn định, gia đình anh bớt nhọc nhằn.

Anh Nguyễn Hữu Sáng - một hộ nông dân khác ở khu phố Lương Trung cũng chuyển đổi trồng 3,5 sào cỏ nuôi 10 con bò cái sinh sản và 10 con bò bán thịt, nói thêm: “Trồng cỏ trên đất lúa, cỏ tốt hơn so với đất gò bởi đất giữ được độ ẩm, ít tốn phân. Tôi bắt thêm hệ thống tưới tiết kiệm giảm được một nửa lượng nước tưới so với làm lúa”. Trồng cỏ nuôi bò đang cho hiệu quả kinh tế bởi người dân chủ động được nguồn thức ăn tự trồng sẵn, nguồn rơm rạ cả đàn bò ăn thoải mái, tận dụng phân bò bán cũng có thêm thu nhập.

Chuyển đổi sinh kế hiệu quả

Anh Trần Xuân Tửu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lương Sơn thông tin: “Định hướng năm 2021 này sẽ nhân rộng mô hình khu vực cánh đồng Ma Khóc ở khu phố Lương Hòa, nơi đây diện tích lúa lên đến 500 ha”. Tùy vào lượng mưa hàng năm một số cánh đồng vùng hạ lưu nơi xa nguồn nước tưới của các hệ thống thủy lợi không đủ nước sản xuất. Nông dân có xu hướng chuyển đổi một vài đám ruộng nguy cơ thiếu nước sang trồng cỏ nuôi bò, được xã khuyến khích. Để mô hình trồng cỏ nuôi bò phát triển bền vững, tháng 10/2020 Tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo với 10 thành viên được thành lập ở khu phố Lương Hòa với quy mô 50 con.

Các thành viên của tổ thường xuyên gặp gỡ trao đổi thông tin, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, nguồn hàng, kỹ thuật chăm sóc bò sao cho hiệu quả. Nguyễn Hữu Hảo – Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo chia sẻ: “Xuất phát từ ảnh hưởng dịch Covid - 19 kéo theo sản xuất cây thanh long cũng bấp bênh, giá chạm đáy. Những hộ khó khăn không chăm sóc, phá bỏ, khi có chủ trương của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, chúng tôi động viên nhau tập hợp lại xin thành lập Tổ hợp tác này”. Ngoài số diện tích đất lúa chuyển đổi trồng cỏ nuôi bò, một vài hộ đợt giá thanh long xuống thấp họ kết hợp trồng cỏ xen thanh long nuôi bò, sử dụng phân bón bò chăm sóc thanh long nên lợi cả đôi đường! Một thành viên trong tổ hợp tác nói thêm: “Từ ngày cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tôi học hỏi thêm được cách chọn giống, để nuôi bò vỗ béo hiệu quả hàng ngày phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, có sự kết hợp giữa thức ăn tinh và thức ăn thô. Nhiều bà con tha thiết vào tổ nhưng thiếu vốn sản xuất...”.

Có thể thấy từ độc canh cây lúa bấp bênh chuyển sang đa canh kết hợp, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế gia đình hiệu quả mở ra cho nông dân những cơ hội và thách thức đan xen nhau. Mặc dù sự linh hoạt chuyển đổi trồng cỏ nuôi bò hiệu quả nhưng để phát triển bền vững cần tính tới liên kết chuỗi chăn nuôi nâng cao năng lực nông dân, cải thiện thu nhập, có sự thống nhất về giá cả của sản phẩm khi xuất ra thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh… Rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, liên kết hợp tác, liên kết sản xuất thì việc chuyển đổi sinh kế bền vững, tăng thu nhập, tránh vòng luẩn quẩn chuyển đổi với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì?”.

Thị trấn Lương Sơn có khoảng 50 ha diện tích lúa nước chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, nhiều nhất là ở khu phố Lương Hòa chừng 20 ha, đàn bò phát triển với trên 5.000 con” - anh Trần Xuân Tửu – Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Lương Sơn cho biết.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/khi-nong-dan-linh-hoat-136110.html