Khi nông dân vượt khó, làm giàu

Nông dân Tây Hòa với mô hình chăn nuôi gà H’Mông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào được các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng. Phong trào đã khích lệ, động viên, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân.

Tạo điều kiện giúp nông dân thoát nghèo

Theo ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có 107 cơ sở hội với 125.980 hội viên sinh hoạt tại 582 chi hội và 1.819 tổ hội. Để phong trào nông dân thi đua SXKDG đạt kết quả thiết thực, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, hội còn chủ động triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề, cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện hiệu quả các mô hình chuyên canh, đa canh, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ mà chọn mô hình SXKD phù hợp.

Nhằm giúp hội viên có vốn sản xuất, hội đã tín chấp với ngân hàng cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong 3 năm qua (2019-2021), thông qua Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội, hội đã tín chấp cho hơn 45.000 lượt hộ vay với số tiền hơn 2.278 tỉ đồng; vận động, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân được hơn 15,7 tỉ đồng, lập 109 dự án với 1.079 lượt hộ vay để phát triển sản xuất.

“Ngoài việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện Đề án 24 của Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh hội đã thành lập 7 chi hội nghề nghiệp và 117 tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề với 1.766 thành viên; tạo việc làm cho 7.778 hộ nghèo và giúp 819 hộ vươn lên thoát nghèo…”, ông Phan Đại Thắng cho biết.

Nhiều mô hình hiệu quả

Phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn như: vùng trồng mía, trồng sắn, cao su, cà phê, trồng lúa, trồng rau màu, trồng hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy, hải sản… ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng quy mô, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày một tăng. Hiện giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 85 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 1 tỉ đồng.

Từ chỗ sản xuất bấp bênh, gia đình ông Huỳnh Thượng Đoài ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa đã phất lên nhờ mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Đoài, qua tìm hiểu trên sách báo, internet và nhờ sự hỗ trợ của cán bộ Sở KH-CN, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống… để trồng khoảng 2.500 dây dưa lưới trên diện tích 1.000m2. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của gia đình ông phát triển tốt. “Chỉ sau 70 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trên 1 tấn, trọng lượng từ 1,3-1,6kg/trái, bán với giá khoảng 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ cho lãi khoảng 90 triệu đồng, bình quân mỗi năm trồng 4-5 vụ, gia đình tôi thu lời từ 300-400 triệu đồng từ việc bán dưa”, ông Đoài phấn khởi nói.

Là người có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, anh Võ Quốc Thắng ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa mạnh dạn đầu tư trồng nấm sò mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Thắng cho biết: “Trước đây vợ chồng tôi đều làm công nhân ở Bình Dương. Không may công ty phá sản, vợ chồng thất nghiệp và trở về quê. Đang loay hoay tìm cho mình một lối đi, một công việc mang tính ổn định thì Hội Nông dân tạo điều kiện để tôi được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và tiếp cận nguồn vốn sản xuất. Năm 2015, tôi quyết định mua đất làm nhà trại và các vật dụng trồng nấm sò. Trải qua nhiều lần thất bại, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay công việc trồng nấm của gia đình tôi đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia đình có 5 trại che, mỗi trại 1.000 bịch, sản lượng nấm bình quân đạt 250kg/tháng với giá bán 60.000-70.000 đồng/kg, cho lãi gần 20 triệu đồng/tháng”.

“Với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH gắn với ứng dụng các tiến bộ KH-CN, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, thời gian tới, hội nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn; khuyến khích các mô hình kinh tế phát triển được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện về vốn vay để nông dân mạnh dạn triển khai những mô hình mới; phát huy vai trò là cầu nối giữa hội viên với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông Thắng khẳng định.

Giai đoạn 2019-2021, nhờ sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân, phong trào thi đua SXKDG ngày càng được nhân rộng và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 52.850 hộ nông dân SXKDG các cấp; trong đó, cấp Trung ương 317 hộ, cấp tỉnh 2.520 hộ, cấp huyện 13.416 hộ và cấp cơ sở 36.597 hộ.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/269644/khi-nong-dan-vuot-kho-lam-giau.html