Khi nước mắt rơi trong phòng xử án

'Bị cáo có điều gì muốn nói trước khi tòa tuyên án?'. Câu hỏi quen thuộc vang lên giữa không gian tĩnh lặng của phiên tòa, như một lát cắt nhói lòng. Và rồi những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, không chỉ từ bị cáo, mà còn từ phía người thân, gia đình nạn nhân và cả những người dự khán. Mỗi phiên xử là một lần lật mở sự thật, nhưng cũng là nơi dấy lên bao day dứt, tiếc nuối.

Bị cáo Nguyễn Văn Kịch tại tòa

Bị cáo Nguyễn Văn Kịch tại tòa

Cái giá từ sự thiếu hiểu biết pháp luật

Trong căn phòng xét xử, người đàn ông 62 tuổi cúi đầu, 2 vai run lên từng hồi. Ông bật khóc, những giọt nước mắt muộn màng không thể cứu vãn một sinh mạng đã mất, cũng không thể xóa nhòa nỗi đau đớn của gia đình bị hại. Đó là ông Nguyễn Văn Kịch, ngụ xã Giồng Riềng. Người dân địa phương cho biết, ông Kịch vốn là nông dân hiền lành, chưa từng có tiền án, tiền sự. Cuộc sống quanh năm gắn bó với ruộng đồng, làm thuê, đặt lưới, xuyệt chuột để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, một hành vi thiếu hiểu biết pháp luật đã đẩy ông vào vòng lao lý.

Chiều 7/4/2024, lo sợ chuột phá hoại vụ lúa sắp trổ bông, ông Kịch nối dây kẽm quanh ruộng và đấu trực tiếp vào nguồn điện sinh hoạt. Đó là cách ông vẫn làm nhiều năm qua. Nhưng hôm ấy, bi kịch đã xảy ra.

Tối cùng ngày, 2 anh em V.C.V.L. và V.C.H.N. chạy xe ngang qua khu ruộng của ông Kịch trong tình trạng say rượu, mất lái và ngã vào khu vực dây điện. Anh L. tử vong tại chỗ, còn anh N. bị thương nhưng may mắn sống sót, do ít tiếp xúc với điện. Khi ông Kịch phát hiện, thì đã quá muộn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Kịch không chối tội. Ông nhiều lần bật khóc, trình bày rằng mình không có ý giết người, chỉ nghĩ đơn giản là bẫy chuột. Giọng nghẹn lại, ông Kịch nói: “Tôi không ngờ một hành động dại dột, thiếu suy nghĩ của mình lại khiến 1 người mất mạng, 1 người mang thương tật. Tôi ân hận suốt đời”.

Tòa tuyên phạt bị cáo Kịch 4 năm tù giam. Phía dưới khán phòng, người mẹ già của 2 nạn nhân gầy gò, tóc bạc, lặng lẽ lau nước mắt. Không một lời trách móc, nhưng sự im lặng của bà lại là sự giày vò lớn nhất trong lòng người gây ra lỗi...

Nước mắt muộn màng sau án tử

Một phiên tòa khác, khi nghe tòa tuyên án tử hình đối với con trai mình, người mẹ gầy gò ôm mặt khóc nấc. Trước bục khai báo, bị cáo cúi đầu, đôi mắt đỏ hoe lặng lẽ nhìn mẹ với ánh mắt hối hận.

Lý Hồng Công (43 tuổi, ngụ xã Gò Quao) vốn quen sống buông thả, thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt. Trong một lần nhậu với những người cùng xóm, Công thấy ông Nguyễn Văn Út và ông Nguyễn Văn Đen thách thức chém nhau về việc tranh giành làm “đại ca” xóm.

Tức giận vì ông Đen và ông Út không tập trung nhậu mà cãi nhau, Công cầm dao chém vào đầu cả 2 người. Thấy anh Mai Hoàng Anh đang nằm ngủ gần đó, Công cũng cầm dao chém. Ông Út và ông Đen tử vong tại chỗ, còn anh Hoàng Anh được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, tỷ lệ thương tích 48%.

Tại tòa, vẻ mặt thất thần, Công nói: “Chúng tôi là bạn nhậu bình thường, chỉ vì tức quá, lại có rượu trong người, nên mất kiểm soát, mới dẫn đến chuyện như vậy. Tôi hối hận lắm”. Nhưng sự ăn năn ấy không thể hồi sinh 2 mạng người đã mất, cũng không thể hàn gắn nỗi đau của gia đình họ.

Tòa tuyên phạt Công án tử hình về tội giết người. Người mẹ già gần như gục xuống, tiếng khóc nghẹn ngào gọi tên con giữa khán phòng. Khoảnh khắc đó khiến cả phiên tòa lặng đi, một nỗi đau không còn lời nào để diễn tả...

Phiên tòa khép lại, án đã tuyên, người phạm tội phải chịu hình phạt thích đáng. Mỗi vụ án khép lại không chỉ là bài học về pháp luật, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm, sự tỉnh táo trong hành vi và ứng xử đúng mực giữa người với người. Đừng để một phút chủ quan, thiếu suy nghĩ hay nóng giận trở thành khởi đầu cho một bi kịch không thể cứu vãn...

ÚT CHUYỀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khi-nuoc-mat-roi-trong-phong-xu-an-a424008.html