Khi ông bà là cha mẹ

Không ai có quyền lựa chọn số phận và nơi mình sinh ra, nhưng chắc chắn một điều, khi con trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, ông bà là tia hy vọng để các cháu an tâm bám víu lấy. Thêm một lần nữa làm cha mẹ, ông bà nuôi dạy cháu khôn lớn để mai này có một nơi hướng về, đó là gia đình. Đây là câu chuyện về những hoàn cảnh đáng thương, lớn lên trong tình yêu thương của ông bà ở một ngôi làng vùng cao.

"Sợ cháu chết, nên tôi phải sống"

Ngôi nhà của ông Đinh Văn Nin nằm bên cạnh bờ hồ thủy điện Đăk đrinh. Đường lên đây xa xôi và cách trở. Thấy có người lạ đến nhà, vợ chồng ông bà vội vã chạy về, trên tay xách mẻ cá rô phi vừa mới câu được để nấu cơm trưa. Bữa cơm ấm áp cho một ngày lễ đặc biệt. Vợ ông Nin, xách trên tay bó rau rừng bước theo.

Một đứa trẻ đáng yêu, ngộ nghĩnh, từ nhà hàng xóm chạy về, ngơ ngác nhìn. Không rành rỏi tiếng Việt nên em chỉ mỉm cười, nhút nhát cúi đầu chào. Cậu bé ấy là Đinh Văn Tươn- cháu ngoại của ông bà Nin.

Khi hỏi cha mẹ của cháu đâu, ông Nin chẳng nói một câu. Ông lặng lẽ rồi đáp lời trong tiếng thở dài. Rồi ông chẳng ngại kể tường tận. Ngày trước con gái ông, tức mẹ của Tươn là một trong những cô gái xinh đẹp, được nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng sau đó lại se duyên cùng cha của Tươn. Họ làm mâm cơm cúng vái ông bà rồi về ở với nhau, có được mụn con. Không lâu sau, cả hai lại làm mâm cơm cúng để... rời xa nhau.

Vợ chồng ông Đinh Văn Rin đảm nhận luôn vai trò làm cha mẹ của cháu ngoại.

5 tháng, kể từ khi Tươn sinh ra, mẹ bỏ đi làm ăn xa chẳng màng ngó tới. Thỉnh thoảng vài ba năm ghé về một lần rồi lại bỏ đi, cũng chẳng gửi tiền về cho cha mẹ nuôi con hộ. Còn người chồng nay cũng đã có gia đình mới. Tươn thành đứa trẻ bơ vơ.

"Việc chăm lo cho Tươn dựa vào đôi bàn tay của hai vợ chồng già. Có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, hai vợ chồng già cùng cháu sống nương tựa vào núi rừng qua ngày. Sợ nhất là lúc ốm đau...", vợ ông Rin nói.

Ông Rin có một người con trai vừa mới qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo cách đây không lâu. Con gái lại bỏ đi biền biệt, chẳng biết cha mẹ, con mình đói khổ. Từng có lúc ông muốn lao xuống vực để kết thúc một cuộc đời nhưng rồi ông lại nghĩ đến Tươn, đứa cháu đã thiệt thòi khi mới sinh ra.

"Mẹ Tươn có một lần duy nhất về mang Tươn ra Nghệ An sống được 3 năm. Sau đó lại mang con về phó mặc cho ông bà. Vì lẽ đó mà đến giờ Tươn vẫn không được đến trường do không ổn định chỗ ở. Bây giờ, nếu tôi có mệnh hệ gì, chẳng biết cháu mình sống làm sao", ông nặng lòng nói, rồi nhìn cháu mình với ánh mắt đầy lo lắng khi giờ tuổi cũng đã cao.

Tươn là một đứa trẻ ngoan ngoãn. Thế nhưng, vì hoàn cảnh nên dù đã 11 tuổi vẫn chưa được đến trường.

Ông bà Rin là hộ nghèo ờ địa phương, hàng chục năm sống trong căn nhà chẳng khác gì chòi rẫy. Sau lần nhà bị cháy rụi cách đây không lâu, từ sự hỗ trợ của địa phương, ngôi nhà sàn mới đã được hỗ trợ làm lại, đủ ông bà và cháu che nắng mưa.

Hằng ngày bà đi kiếm rau rừng, ông đánh bắt cá dưới lòng hồ thủy điện, hôm nào dư dả thì đem bán kiếm tiền. Còn đó bao khó khăn, cái ăn cái mặc chưa đủ ấm no nhưng ông bà nhất định không bỏ rơi cháu. Điều làm ông trăn trở nhất là năm nay Tươn đã 11 tuổi nhưng chưa biết chữ và không được đến trường...

Khó đi, ông dắt cháu đi

"Những ngôi sao thức ngoài kia. Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con. Đêm nay con ngủ giấc tròn. Mẹ là ngọn gió của con suốt đời...", lời bài thơ do những đứa trẻ cháu ông Đinh Văn Duất, 80 tuổi, ở thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên đọc vanh vách bên hiên nhà thật khiến người ta xót xa. "Bọn trẻ lại nhớ mẹ chúng rồi"- một người hàng xóm nói.

Có cha mẹ là điều tuyệt vời nhất. Thế nhưng, theo lời của trưởng thôn Đinh Văn Xuân, hoàn cảnh của 3 đứa cháu nhà ông Duất rất đáng thương. Riêng ông, dù đã đi qua 80 mùa rẫy, sống một cuộc đời vất vả, vậy mà đến đoạn cuối bên kia dốc cuộc đời cũng chẳng sung sướng là bao.

Năm nay, dù đã 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Duất phải nuôi cùng lúc 3 đứa cháu đang tuổi ăn học.

Vợ chồng ông có 6 người con, trong đó có 2 người con gái. Cả 2 đứa có cuộc sống không hạnh phúc với chồng rồi rời bản làng đi làm ăn xa, biệt tăm tích, để lại 3 đứa con nhỏ. May mắn thay, bọn trẻ còn có sự nuôi nấng của ông bà Duất, chăm sóc từ khi còn đỏ hỏn cho đến khi Đinh Văn Sai học lớp 8 và Đinh Thị Mên, Đinh Thị Thu Mai (đang học tiểu học).

"Bạn bè cùng trang lứa có cha, có mẹ bên cạnh dạy dỗ, vỗ về yêu thương. Em cũng có cha mẹ nhưng vì hoàn cảnh vậy đành phải chịu. Cũng may em còn có ông bà", Sai nói.

Gia đình là hộ nghèo. Hằng ngày vợ chồng ông bà kiêm luôn trọng trách của cha mẹ chúng. Ông làm cha, bà làm mẹ. Ngày ngày lăn xả với ruộng nương, rồi lại lo cho cháu. Ngày chúng tôi vào thăm, trời đã xế chiều, người bà vẫn còn ở trên nương rẫy, ông phải ở nhà lo cơm nước.

Trong ngôi nhà sàn, có lẽ những vật dụng sinh hoạt là thứ có giá trị nhất. Cuộc sống của hai người già và 3 cháu nhỏ chỉ trông chờ vào rẫy thuốc lá và ruộng nương. Khó khăn nối tiếp khó khăn.

"Dù có khó khăn, vất vả đến đâu, dù phải mặc quần áo rách, tôi cũng không để bọn trẻ thất học, phải đến trường mới có thể thay đổi số phận. Tôi luôn dặn dò chúng không phụ lòng ông bà, nghe lời thầy cô mà học cho tốt", ông nói.

Ngôi nhà xập xệ, nơi ông Duất nuôi 3 cháu ngoại.

Thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên là một xã khó khăn, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Tây. Khoảng cách giàu nghèo của các hộ dân không khác nhau là bao. Trường hợp của những gia đình như ông Rin và ông Duất đặc biệt hơn khi đôi vai còn gồng gánh thêm cháu nhỏ, có cha mẹ mà như mồ côi.

"Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội những đứa trẻ này không được hưởng quyền lợi do vẫn còn cha mẹ, nên cuộc sống vốn đã khó càng khó hơn. Chính quyền địa phương dù tạo điều kiện để các gia đình được hưởng đầy đủ các chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cũng không thể vơi hết vất vả, cực nhọc cho ông, bà...", Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Phan Huỳnh Sơn chia sẻ.

Vách nhà sàn chẳng đủ kín để che những cơn gió lạnh cho ông bà và các cháu mỗi đêm. Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền chỉ mới có tinh thần động viên, khắc phục phần nào khó khăn. Nhưng sự cố gắng nỗ lực của ông bà Đinh Văn Rin, Đinh Văn Duất nơi non cao đã giúp bọn trẻ thêm một lần được sống, có một nơi để quay về gọi là gia đình, dù rằng ông bà phải thêm một lần nữa làm cha mẹ.

Bài, ảnh: Thiên Hậu

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202006/khi-ong-ba-la-cha-me-3010204/