'Khí phách kiên cường của người lính một thời trận mạc'
Đó là lời tâm sự chân thành, bộc bạch từ sâu thẳm của Bác sĩ chuyên khoa 1 Tống Đức Bình - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, Thị trấn Long Hải, H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về những người lính bước ra từ khói lửa của bom đạn, may mắn được trở về sau chiến tranh nhưng cơ thể không còn lành lặn - những thương bệnh binh điều trị tại Trung tâm, đang nỗ lực hết mình khắc phục những đau thương, giữ vững khí tiết 'thương binh tàn nhưng không phế, nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).
Nơi chăm sóc đặc biệt
Bác sĩ Tống Đức Bình cho biết, lịch sử hình thành Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được thành lập vào tháng 7 năm 1977, tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh Long Đất. Trung tâm có chức năng quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh nặng. Nơi đây cũng tổ chức điều dưỡng luân phiên cho người có công với cách mạng các tỉnh, thành phía Nam.
Từ thời kỳ đầu mới thành lập, Trung tâm nuôi dưỡng gần 500 thương bệnh binh của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, điều kiện cơ sở vật chất thô sơ, đội ngũ phục vụ ít. Do vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý thương bệnh binh gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều thiếu thốn. Sau bao năm phát triển, đến nay Trung tâm đang nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe cho 51 thương bệnh binh của 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Thương bệnh binh của Trung tâm qua 2 thời kỳ (thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ bảo vệ biên giới Tây Nam), cao tuổi nhất gần 80 tuổi và có 10 thương binh nữ. Thương binh ở Trung tâm đa số là hạng 1/4, tỷ lệ thương tật trên 81%, có vết thương đặc biệt như vết thương cột sống gây liệt hoàn toàn hai chi dưới, có 15 thương binh có vết thương sọ não gây rối loạn tâm thần, một số thương binh có vết thương cắt cụt chi thể, vết thương bụng, vết thương ngực, vết thương hỏa khí gây hỏng hoàn toàn hai mắt.
Tình đồng đội, quê hương và anh em
Tâm sự về các hoàn cảnh tại Trung tâm, bác sĩ Tống Đức Bình xúc động cho biết, thương binh của Trung tâm hôm nay là những người lính bước ra từ khói lửa của bom đạn, may mắn được trở về từ hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhiều thương binh nặng thời gian nằm trên giường bệnh, bệnh viện nhiều hơn ở với gia đình. Có những thương binh do vết thương thường xuyên tái phát mà 10 năm, 20 năm chưa về thăm gia đình, quê hương. Họ sống độc thân cùng Trung tâm và xem đây là mái nhà chung, là quê hương thứ 2, có sự gắn kết tình cảm đồng đội, tình cảm anh em thân thiết.
Trong nhiều năm qua, mặc dù đời sống vật chất, tinh thần đã cải thiện, nhưng từng ngày, từng giờ, cả trong bữa cơm, trong giấc ngủ, lúc trái nắng trở trời, vết thương xưa tái phát, các thương bệnh binh lại gồng mình chống đỡ những cơn đau. Bằng tất cả bản lĩnh, khí phách kiên cường của người lính một thời trận mạc, thương bệnh binh của Trung tâm đã luôn cố gắng, nỗ lực hết mình khắc phục những đau thương để chiến thắng bệnh tật, thương tật, chiến thắng bản thân, giữ vững khí tiết "thương binh tàn nhưng không phế". Dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, thương binh Trung tâm đã, đang và giữ gìn phát huy truyền thống bản chất Bộ đội cụ Hồ, luôn thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người. Nhiều thương binh thực sự trở thành tấm gương mẫu mực, để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Trải qua 45 năm, qua các thế hệ, thời kỳ khác nhau, song, cán bộ nhân viên Trung tâm luôn tận tâm phục vụ thương bệnh binh, hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng, điều dưỡng luân phiên, giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng thương binh và xem đây không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà còn là một vinh dự lớn. Cán bộ nhân viên luôn xác định rõ công việc nuôi dưỡng thương bệnh binh ngoài trách nhiệm còn phải có tình thương, sự chia sẻ, thấu hiểu.
Trong những năm qua cứ mỗi dịp Lễ, Tết, Đảng và Nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân luôn dành tình cảm thăm hỏi, động viên thương bệnh binh của Trung tâm. Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần đã từng bước cải thiện. Tình cảm và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân giúp cho thương bệnh binh yên tâm điều trị. Bác sĩ Tống Đức Bình cho biết: "Sự quan tâm là nguồn động viên, là liều thuốc tinh thần giúp thương bệnh binh vượt qua được khó khăn trong sinh hoạt, chiến thắng thương tật, là động lực cho cán bộ nhân viên hoàn thành nhiệm vụ được tốt hơn".