Khí phách xứ Thanh trong những vần thơ cách mạng

Mảnh đất xứ Thanh anh hùng không chỉ vang danh trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những chiến công hiển hách, đóng góp quan trọng về sức người, sức của mà còn ghi dấu ấn sâu đậm qua nhiều vần thơ cách mạng tiêu biểu. Đó là xứ Thanh hào hùng cũng rất đỗi thơ mộng, trữ tình; một xứ Thanh khí phách, kiên cường, bất khuất mà dạt dào tình yêu thương, ấm áp tình đời, tình người…

Tập thơ “Mầu tím hoa sim” của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 1990.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Thanh Hóa có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của cả nước. Vì lẽ đó nên xứ Thanh cũng lưu dấu trong nhiều trang thơ viết về cách mạng. Đó có thể là những bài thơ có gợi nhắc về các địa danh, chiến công, con người tiêu biểu của xứ Thanh trong thời kỳ đạn bom khốc liệt; cũng có thể là những bài thơ đặc sắc do các nhà thơ xứ Thanh viết nên. Tựu chung lại, các tác phẩm đều khắc họa tinh thần, khí thế, sức chiến đấu của quân và dân ta, trong đó thấy sáng bừng lên những địa danh của xứ Thanh, những gương mặt người xứ Thanh đã góp phần làm nên lịch sử.

“Tây Tiến” - bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”, đến năm 1957 đã bỏ từ “nhớ”, lấy tên là “Tây Tiến” và in trong tập thơ “Mây đầu ô”. Bài thơ được tác giả sáng tác tại Phù Lưu Chanh, năm 1948. Cùng chung mạch nguồn cảm hứng ấy, Quang Dũng hoàn thành tập hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” vào năm 1952, chỉ mấy năm sau khi bài thơ “Tây Tiến” ra đời.

Trên những dặm dài hành quân, thực hiện nhiệm vụ, đoàn binh Tây Tiến đã đi qua nhiều địa danh của miền tây Thanh Hóa. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của vùng núi xứ Thanh, tình cảm quân – dân sâu sắc, gắn bó cùng những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội,... đã lưu lại cảm xúc sâu đậm trong tâm trí mỗi người lính Tây Tiến, gieo vào tâm hồn thơ Quang Dũng muôn ý tình: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.

Cả bài thơ Tây Tiến bao trùm bởi nỗi nhớ mà hiện diện từ những dòng thơ đầu tiên là các địa danh của xứ Thanh. Dòng sông Mã – từ nước bạn Lào chảy vào địa phận xứ Thanh tại xã Tam Chung (Mường Lát) và tiếp tục vẽ hành trình vượt thác, ghềnh xuôi về với biển, mang nặng phù sa mà bồi đắp nên xóm làng trù phú, lắng đọng những vỉa tầng lịch sử - văn hóa – tâm linh. Ai về xứ Thanh mà không khỏi nhớ nhung cảnh sắc nơi này, thả hồn mình trong điệu hò dô tá dô huầy... Dòng sông Mã trong thơ Tây Tiến gợi nhớ cả về không gian rừng núi điệp trùng với những cung đường hành quân đầy rẫy nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” – không gian trải mênh mang cùng nỗi nhớ xen chút gì vừa như luyến tiếc, vừa như lời chào.

Theo sau đó, lần lượt các địa danh hiểm trở miền tây xứ Thanh được gọi tên trong nỗi “nhớ chơi vơi”. “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” – một liên tưởng tài hoa, lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng. Vùng Sài Khao sương mờ giăng kín lối không phải là hiện thực khốc liệt, khó khăn trên bước đường hành quân mà như là đang quấn quýt, xoa dịu những bàn chân mỏi mệt vì dặm dài viễn chinh, giúp người lính vơi đi phần nào khó nhọc. “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” cũng là áng thơ đẹp nao lòng, bảng lãng, như thực như mơ. “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến” - nhà thơ Vũ Quần Phương sâu sắc nhận định. Và thật tự hào biết bao khi xứ Thanh có riêng chỗ đứng, dẫu nhỏ bé thôi, trong bài thơ nổi tiếng, trong tâm hồn người thi sĩ tài năng ấy.

Có một điều rất đặc biệt, không hẹn mà gặp, năm 1946 là thời điểm ra đời của nhiều bài thơ cách mạng nổi tiếng như: “Tây Tiến” – Quang Dũng, “Nhớ máu” - Trần Mai Ninh, “Đèo cả” - Hữu Loan. Trong đó, Trần Mai Ninh và Hữu Loan là 2 tác giả tiêu biểu trong đời sống văn học nghệ thuật xứ Thanh.

Trần Mai Ninh (1917-1947), tên thật là Nguyễn Thường Khanh, là một nhà báo, nhà thơ, người hoạt động cách mạng sôi nổi. Với tư cách là nhà thơ, Trần Mai Ninh đặc biệt nổi tiếng với các bài thơ mở đầu cho dòng thơ cách mạng và kháng chiến thật hào hùng như: “Nhớ máu”, “Tình sông núi”...

Bài thơ “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh được viết trong một đêm Tuy Hòa đầy gió, trước thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khoảng 1 tháng. Và có thể lắm chứ, chính cơn gió đang lồng lộng, căng tràn trong nhiệt huyết cách mạng của chàng trai trẻ đã khiến đêm Tuy Hòa bừng bừng khí thế như đã có trong thơ: “Ơ cái gió Tuy Hòa.../ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/ Gió trẻ lại - lưng chừng/ Gió nghỉ/ Gió cười/ Gió reo lên lồng lộng”... Nhịp điệu bài thơ nhanh, mạnh, có lúc như muốn hô vang, có lúc lại như đang gằn lên giận giữ, kìm nén: Cả trại giặc kinh hoàng/ Quy-lát khua lắc cắc/ Giày đinh xôn xao/ Còi và kèn.../ Cả trại giặc bạt hồn, bạt vía.../ Chạy lung tung/ Sớm mai xét và bắt/ Thiết giáp cam nhông/ Rầm rập nối đuôi nhau/ Và đêm khuya: lại chết/ Chồn Pháp, chó Việt gian/ Ằng ặc máu”.

Sự cộng hưởng của nhịp, hình ảnh, ngôn ngữ tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo của bài thơ, để từ đó nổi bật nhất là khí phách, tinh thần, nhiệt huyết cách mạng sục sôi: “Cả ngàn chiến sĩ/ Cả ngàn con bạc, con vàng/ Của Tổ quốc!/ Sống... trong đáy âm thầm/ Mà nắm chắc tối cao vinh dự/ Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai/ Vững tin tưởng nơi oai hùng/ Và chiến thắng/ Câu Việt Nam: dân tộc!”. Kết thúc bài thơ là niềm tin mãnh liệt, khát vọng về một ngày mai tươi sáng hơn: “Ta quyết thắng!/ Việt Nam rồi đứng dậy/ Sáng vô chừng/ Rất tươi đẹp với Nha Trang và Nam bộ/ Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt/ Máu chan hòa trên góc cạnh kim cương/ Các anh hùng tay hạ súng trường/ Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu/ Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu!”.

Nếu Trần Mai Ninh với bài thơ “Nhớ máu” để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc với giọng thơ cá tính, quyết liệt thì “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan đưa chúng ta về miền thổn thức trước chuyện tình buồn, những mất mát, hy sinh không gì bù đắp được bởi sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh. Vì lẽ đó, theo thời gian, “Mầu tím hoa sim” vẫn được xem là bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX, khúc tình ca bi thương của một hồn thơ mang nhiều nỗi đa đoan. “Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng/ Có em chưa biết nói/ Khi tóc nàng xanh xanh/ Tôi người Vệ quốc quân/ xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái/ Ngày hợp hôn/ nàng không đòi may áo mới” – lời thơ như lời tự bạch giản dị nhất mà cũng chân thật nhất.

Những ngày vui của đôi trẻ ngắn chẳng tày gang, người chiến binh vội vã khoác ba lô lên đường, hành trang chẳng có gì ngoài đôi giày đinh bết bùn đất cùng nỗi nhớ nhung, thương xót người vợ trẻ vò võ đợi chồng. Chẳng ai biết được rằng, đó là lần cuối cùng hai vợ chồng nhìn thấy nhau, từ đó về sau âm – dương cách biệt: “Một chiều rừng mưa/ Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng”. Nỗi đau ấy như lênh loang khắp cả triền, nhuốm vào sắc thắm hoa sim: “Tôi hát trong màu hoa/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu.../ Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm/ Tím tình ơi lệ ứa/ Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành/ Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn/ Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím/ Tôi ví vọng về đâu/ Tôi với vọng về đâu/ Áo anh nát chỉ dù lâu...”.

Còn nhiều nữa những vần thơ cách mạng ghi đậm dấu ấn xứ Thanh – một xứ Thanh có bề dày truyền thống cách mạng với đóng góp quan trọng, tiêu biểu và con người yêu nước nồng nàn bằng tất cả tinh thần, khí phách, tài năng...

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khi-phach-xu-thanh-trong-nhung-van-tho-cach-mang/193210.htm