Khi phái đẹp chung tay làm đẹp môi trường

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát huy vai trò, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường. Từ đường làng, ngõ xóm đến mỗi gian bếp, nếp nhà được giữ gìn sạch đẹp đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình.

Hành động của chị em phụ nữ đã tác động tích cực giúp chuyển biến, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.

XÂY DỰNG “GIA ĐÌNH 5 CÓ, 3 SẠCH”

Từ hiệu quả và sức lan tỏa của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã triển khai xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”. Mô hình mới này đang được đông đảo hội viên, phụ nữ trong tỉnh đồng tình hưởng ứng.

Các chai nhựa được sử dụng có ích từ bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ.

Các chai nhựa được sử dụng có ích từ bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” với các tiêu chí 5 có: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa và 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Ngoài bảo đảm các tiêu chí trên, mô hình còn tập trung hỗ trợ kiến thức, tạo việc làm, vận động hội viên, phụ nữ thành lập tổ hợp tác, tiêu thụ các sản phẩm sẵn có tại địa phương, đặc biệt là sản phẩm do phụ nữ sản xuất, làm chủ.

Đồng thời, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí NTM, tham gia bảo vệ môi trường, hình thành thói quen phân loại rác thải tại gia đình nhằm tạo sức mạnh đồng thuận cao trong cộng đồng, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Mô hình “Đổi rác nhận quà” của Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo).

Mô hình “Đổi rác nhận quà” của Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo).

Hội LHPN tỉnh Tiền Giang vừa ra mắt mô hình “Chi hội Phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” điểm tại xã NTM nâng cao Trung Hòa (huyện Chợ Gạo) và xã NTM kiểu mẫu Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) với hàng trăm gia đình tham gia. Bên cạnh đó, mỗi huyện, thị, thành cũng chọn các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để xây dựng mô hình. Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ còn triển khai xây dựng các mô hình “Phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trung Chánh, xã Trung Hòa (huyện Chợ Gạo) Lê Thị Mười cho biết: Chúng tôi tự hào khi chị em phụ nữ đã góp phần xây dựng NTM, NTM nâng cao tại địa phương. Bởi vậy, được chọn làm điểm mô hình “Chi hội phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, chúng tôi hưởng ứng ngay. Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình, tham gia các buổi truyền thông, sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, kiến thức bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc.

NHIỀU MÔ HÌNH CÓ ÍCH TỪ RÁC THẢI

Hưởng ứng Cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa”, thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”. Chị em trong các tổ, nhóm đã thu gom các loại phế liệu như: Vỏ lon bia, vỏ chai nhựa, túi ni lông… định kỳ hằng tháng, quý tập kết phế liệu tại trụ sở văn hóa ấp để bán cho cơ sở thu mua phế liệu.

Đơn cử như, hội viên, phụ nữ xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) trung bình một tháng từ nguồn bán ve chai, phế liệu thu được từ 30 đến 40 ngàn đồng. Tuy số tiền tích lũy không lớn nhưng thông qua mô hình, chị em hình thành được thói quen tiết kiệm và quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Phụ nữ Tiền Giang tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường.

Phụ nữ Tiền Giang tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường.

Với mô hình “Làm sản phẩm từ rác thải tái chế”, chị em còn khéo léo dùng chai nhựa phế thải làm ra những vật dụng xinh xắn, có ích như: Chiếc bàn, ghế, bồn hoa, vườn hoa công cộng... Hay mô hình “Ủ rác thành phân hữu cơ”, “Một hố rác một cây xanh” đã đạt được hiệu quả tích cực. Các cô, chị đã ủ rác thành hữu cơ để bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học, tạo ra các sản phẩm sạch…

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: Phân loại rác tại nhà, ủ rác thành phân hữu cơ là việc làm thường xuyên của chị em trong xã gần 10 năm qua. Bên cạnh đó, hội viên, phụ nữ còn tham gia các tổ “Một hố rác một cây xanh”, xây dựng hàng rào cây xanh, xây dựng các hố rác di động, sử dụng thùng rác compost tự chế... Từ đó đã nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường sống của phụ nữ, góp phần xây dựng và giữ vững tiêu chí Môi trường của xã NTM Tân Hòa Thành.

Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Hội LHPN xã Song Bình (huyện Chợ Gạo).

Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Hội LHPN xã Song Bình (huyện Chợ Gạo).

Hay như mô hình “Đổi rác nhận quà” không chỉ hội viên, phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng, mà ngay cả người dân cũng rất đồng tình ủng hộ. Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Thị Thúy Vân chia sẻ: Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội LHPN xã đã chủ động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân, nhất là hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; trong đó, vận động hội viên thực hiện tốt “Gia đình 5 có, 3 sạch” và tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, hoa, thường xuyên quét dọn thu gom rác, góp phần thực hiện các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Khi tham gia vào tổ, nhóm phụ nữ bảo vệ môi trường, chị em đã biết cách phân loại rác thải, những thứ có thể tái chế thì gom lại bán ve chai, còn rác phân hủy được thì chôn ủ hoặc để xe rác thu gom chở về các bãi chôn lấp, xử lý. Nhờ vậy mà trong nhà, ngoài ngõ đều gọn gàng, sạch sẽ.

Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động, mô hình hiệu quả, thiết thực, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng NTM tại các địa phương.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202305/khi-phai-dep-chung-tay-lam-dep-moi-truong-978812/