Khi phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú

Cùng nhà trường trong vai trò giám sát bữa ăn bán trú, phụ huynh đã góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Kiểm tra thực phẩm bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Đông Thịnh (Đông Sơn).

Kiểm tra thực phẩm bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Đông Thịnh (Đông Sơn).

Thịt đã đủ kg, trứng đã đếm đủ quả... 1 buổi giám sát bữa ăn bán trú ở Trường Tiểu học (TH) thị trấn (thị xã Nghi Sơn) thường từ 6h30’, bắt đầu bằng khâu kiểm tra thực phẩm đầu vào. Tiếp đó là công tác kiểm tra bảo quản nguyên liệu, chế biến, quy trình bếp ăn một chiều: thức ăn sống, thức ăn chín, các suất ăn....

Bước sang năm học thứ 2 thực hiện công tác bán trú, các tổ giám sát ở trường TH thị trấn tiếp tục duy trì. Tổ này gồm đại diện ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, đại diện phụ huynh và nhà bếp. Riêng đối với phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú, ngay từ đầu năm học 2023-2024, hội cha mẹ học sinh chủ động xây dựng kế hoạch trực nhà bếp. Theo đó, mỗi lớp sẽ trực 1 tuần. “Phụ huynh tự lên lịch trong tuần. Về vấn đề này, nhà trường để các lớp tự quyết định, như vậy sẽ khách quan hơn. Sự đóng góp của phụ huynh, không chỉ nhà trường yên tâm mà quan trọng, đã tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng của các phụ huynh có con ăn bán trú”. Hiệu trưởng trường TH thị trấn, cô giáo Lê Thị Hòa cho biết.

So với năm học trước, năm học này, số lượng học sinh ở trường TH thị trấn đông hơn với 866 học sinh, trong đó học sinh ăn bán trú chiếm khoảng 67,5%. Ở năm học trước, không xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm đối với học sinh. Tuy nhiên, đã có một vài sự cố. Chị Trương Thị Yến, chi hội trưởng lớp 3E nhớ lại: “Ở năm học trước, các tổ giám sát đã phát hiện và trả 3 lần cá cho nhà cung cấp vì cá không tươi và thịt bò cũng trả lại 2 lần. Nói chung, trong quá trình giám sát, có vấn đề gì chúng tôi báo cáo lại ban giám hiệu để nhà trường có trách nhiệm phản ánh lại nhà cung cấp nhằm bảo đảm hơn chất lượng bữa ăn cho học sinh”.

Hôm nay ăn gì, thực đơn ra sao, chất lượng bữa ăn có bảo đảm là những vấn đề phụ huynh quan tâm. Trong 1 tuần, đối với các nhà trường có tổ chức bữa ăn bán trú, ngoài tổ giám sát thì chi hội trưởng của các lớp có trách nhiệm theo dõi và đăng lên nhóm lớp về thực đơn, thực phẩm, khẩu phần ăn... Khi đó, phụ huynh có con ăn bán trú sẽ được đối chiếu các thông tin, nếu sai lệch hoặc thấy không yên tâm vấn đề nào đấy, có quyền trao đổi trực tiếp lên trang của nhóm để chi hội trưởng phản ánh lại ban giám hiệu.

Năm học thứ 7, Trường Mầm non Đông Thịnh (Đông Sơn) tiếp tục phát huy vai trò của phụ huynh trong giám sát bữa ăn bán trú. Năm học này có 10 nhóm lớp với 305 học sinh. Có 2 cách để phụ huynh nắm bắt thông tin của con trong bữa ăn bán trú. Thứ nhất, phụ huynh giám sát thường xuyên trên nhóm lớp. Thứ 2, đại diện phụ huynh sẽ giám sát trực tiếp hàng ngày tại nhà bếp. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Mai Thị Hương: “Trước đây, về bữa ăn bán trú chỉ trao đổi thông tin trên nhóm zalo của các lớp, chưa thực hiện việc giám sát tại nhà bếp. Sau khi xảy ra một vài vụ ngộ độc trong trường học ở một số địa phương, lúc đấy ban giám hiệu yêu cầu thành lập nhóm phụ huynh trưởng. Đồng thời, thực hiện sự giám sát của phụ huynh các lớp đối với bữa ăn bán trú. Hiện nhà trường đang rất yên tâm với vai trò giám sát của phụ huynh”.

Theo chị Nguyễn Thị Thao, chi hội trưởng lớp mẫu giáo lớn B Trường Mầm non Đông Thịnh thì để biết con mình ăn uống ra sao, có an toàn hay không, phụ huynh phải trực tiếp xuống bếp. Chị nói: “Phụ huynh cần phải biết rõ về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, về khẩu phần ăn, về định lượng... Vì vậy, khi phụ huynh bỏ tiền để mua bữa ăn cho con, tất nhiên phụ huynh có quyền để giám sát về bữa ăn đó. Tôi cho rằng, điều này là cần thiết”.

Công tác bán trú đồng nghĩa với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn của học sinh. Thực tế, để tăng cường tính minh bạch về chất lượng bữa ăn bán trú, trường học tổ chức bán trú (bậc mầm non và TH, trường liên cấp TH&THCS) đã phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện việc giám sát. Và không thể phủ nhận hiệu quả của cách làm này. Ông Phạm Minh Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đông Sơn cho rằng: “Tổ giám sát rất quan trọng. Giám sát nguồn gốc, giám sát thực đơn theo tuần, theo mùa và theo ngày để bữa ăn cân đối, hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng. Bảo đảm chất lượng bữa ăn cho học sinh với trách nhiệm và tinh thần công khai, minh bạch hướng đến trường học hạnh phúc, đây cũng là một trong những hoạt động được phòng chỉ đạo, quan tâm, nhắc nhở, tạo sự đồng thuận cao giữa gia đình, nhà trường, xã hội”.

“Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn của học sinh. Việc kiểm tra giám sát bữa ăn được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để Ban phụ huynh được biết, theo dõi. Cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm. Nếu được, cần sử dụng các bộ kit test nhanh trong quá trình kiểm tra, giám sát” (TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam).

Còn theo bà Nguyễn Thị Huyền, viên chức Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn: “Tổ chức bữa ăn bán trú tức là nấu những bữa cơm cho học sinh ăn bằng tiền phụ huynh đóng góp. Do đó, phụ huynh có trách nhiệm giám sát cùng nhà trường nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Vai trò của phụ huynh trong vấn đề này rất lớn”.

Công tác bán trú là 1 trong những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2024-2025 của Sở GD&ĐT. Theo đó, các nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, có sự thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý...

Tuy nhiên, nhìn nhận một thực tế, mặc dù có giám sát của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh nhưng không phải lúc nào tổ giám sát cũng liên tục có mặt để theo dõi, canh chừng tới nhà cung cấp, nhà bếp về vấn đề nguồn gốc thực phẩm, quy trình...Cần thiết một cái “bắt tay” nghiêm túc, tuân thủ pháp luật giữa nhà cung cấp, nhà bếp với nhà trường, phụ huynh học sinh để bữa ăn bán trú bảo đảm an toàn, chất lượng...

Bài và ảnh: NINH NGHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khi-phu-huynh-giam-sat-bua-an-ban-tru-33154.htm