Khi phụ nữ nghèo biết cách 'số hóa' cuộc sống
Trong những bản làng heo hút nơi rẻo cao Phú Thọ, câu chuyện phụ nữ nghèo dám bước qua nếp nghĩ cũ, học hỏi cái mới và từng bước làm chủ cuộc sống của mình luôn là những câu chuyện thầm lặng nhưng giàu sức lay động.

Chị Phùng Thị Hải Yến (bìa trái) và chị em hội viên trên địa bàn
Ở khu Đép, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, hành trình vươn lên của chị Phùng Thị Hải Yến, người phụ nữ dân tộc Mường, từ một hội viên rụt rè trở thành một cán bộ hội năng động, biết tận dụng sức mạnh của "số hóa" để phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng, đang gieo những hạt mầm hy vọng mới cho nơi đây.
Học tập, đổi mới, sáng tạo và "số hóa"
Một buổi sáng se lạnh giữa núi rừng Văn Luông, chị Phùng Thị Hải Yến, ở khu Đép, lại tất bật với công việc thường ngày. Tiếng máy ép gạch không nung vang lên đều đặn từ xưởng nhỏ phía sau nhà. Bên cạnh đó, đàn bò lai của gia đình chị đang ung dung gặm cỏ bên bãi đất rộng trồng ngô và cỏ voi. Khó ai ngờ rằng, chỉ vài năm trước, chị Yến vẫn còn là một hội viên rụt rè, nhút nhát, loay hoay với bài toán thoát nghèo.

Ban đầu, "số hóa" với chị Yến chỉ đơn giản là biết tìm kiếm thông tin trên mạng, tra cứu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi sạch
"Ngày ấy, gia đình tôi vẫn thuộc hộ khó khăn. Vốn liếng không có, trình độ công nghệ cũng gần như bằng không. Tôi thậm chí còn chưa từng dùng điện thoại thông minh", chị Yến nhớ lại. Nhưng rồi, từ những buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ khu Đép, chị bắt đầu tiếp cận với những khái niệm mới mẻ: học tập, đổi mới, sáng tạo và cả... số hóa.
Ban đầu, "số hóa" trong chị chỉ đơn giản là biết tìm kiếm thông tin trên mạng, tra cứu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi sạch. Sau này, khi nhận thấy thị trường gạch không nung đang dần được ưa chuộng, chị mạnh dạn đề xuất với hội phụ nữ để được giúp đỡ vay vốn ngân hàng, mở xưởng sản xuất. Những ngày đầu, chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu quy trình tối ưu, mỗi viên gạch ra lò đều đổ vào đó không ít mồ hôi và công sức. Xưởng phải cần 2-3 lao động làm liên tục mà hiệu quả vẫn thấp, lợi nhuận không đáng kể.
Không cam chịu, chị Hải Yến tự mày mò lên mạng, tham gia các nhóm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tìm hiểu video hướng dẫn cách vận hành máy móc. Từng thao tác nhỏ như điều chỉnh độ nén, kiểm tra tỉ lệ trộn nguyên liệu, cách tối ưu hóa nhân công đều được chị học hỏi qua các kênh số hóa. Nhờ đó, chỉ sau hơn một năm, xưởng gạch của chị đã rút ngắn quy trình, chỉ cần một lao động chính mà năng suất tăng gấp đôi.
Bên cạnh sản xuất gạch, chị còn tận dụng mạng xã hội để kết nối với khách hàng, giới thiệu sản phẩm. Việc bán hàng, thậm chí giao dịch nhỏ, giờ đây cũng được thực hiện nhanh gọn qua các ứng dụng điện tử. Chị Hải Yến không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành một hình mẫu về cách "số hóa cuộc sống" thành công giữa vùng núi non heo hút.
Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình, chị Yến còn tích cực vận động chị em trong khu Đép học cách làm quen với công nghệ. Trong các buổi sinh hoạt chi hội, chị thường xuyên hướng dẫn mọi người cách sử dụng điện thoại thông minh, cách tìm kiếm thông tin nông nghiệp sạch, cách đăng ký tham gia các lớp tập huấn trực tuyến về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
"Có lần, tôi còn đứng ra tổ chức hẳn một buổi hướng dẫn cách bán nông sản qua mạng xã hội. Ban đầu các chị ngại lắm, nhưng rồi cũng dần dần quen, thấy được lợi ích thực tế", chị Yến cười rạng rỡ.
Số hóa không còn là thuật ngữ xa vời
Số hóa, với chị Hải Yến và các chị em khu Đép, không còn là những thuật ngữ xa vời. Nó đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày - từ việc tiếp cận tri thức, nâng cao kỹ năng, đến việc mở rộng cơ hội kinh tế.

Nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn học cách sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất...
"Số hóa" trong đời sống nông thôn, đặc biệt với phụ nữ dân tộc thiểu số, chính là cầu nối giúp rút ngắn khoảng cách phát triển. Số hóa không chỉ dừng ở việc đưa thiết bị điện tử vào cuộc sống, mà còn là quá trình thay đổi tư duy: biết tìm kiếm thông tin đúng, biết áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thậm chí quản lý tài chính gia đình.
Những thay đổi nhỏ ban đầu như biết cách sử dụng điện thoại thông minh, biết tra cứu kiến thức nông nghiệp, biết tham gia vào các mạng lưới buôn bán online… đã góp phần làm nên thay đổi lớn cho phụ nữ nơi đây. Đó là sự tự tin, chủ động vươn lên từ chính bàn tay mình, mà không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ bên ngoài.
Từ mô hình chi hội khu Đép, có thể thấy rõ, khi được tiếp cận đúng cách, phụ nữ dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể nắm bắt được thời cơ phát triển mà công nghệ mang lại. Không còn hình ảnh những người phụ nữ chỉ quanh quẩn bên nương rẫy hay phụ thuộc vào mùa màng, giờ đây, họ đã chủ động tìm kiếm kiến thức, cải thiện kỹ năng sản xuất, kinh doanh và từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình mình.
Chị Hải Yến không phải là một "người hùng" trong những bản tin lớn. Chị chỉ đơn giản là một phụ nữ Mường bình dị, dám bước qua rụt rè để thay đổi chính cuộc đời mình. Nhưng câu chuyện của chị, như một hạt giống nhỏ, đang lan tỏa sức sống mới ở khu Đép, nơi mà những giấc mơ thoát nghèo bền vững, những ước mơ làm chủ cuộc đời mình, đang dần trở thành hiện thực nhờ ánh sáng của sự học hỏi và công nghệ.
Giữa những thách thức của thời đại mới, thành công nhỏ bé của phụ nữ khu Đép là lời khẳng định mạnh mẽ: Dù ở nơi đâu, dù xuất phát điểm thấp đến mấy, thì với ý chí vươn lên và tinh thần tiếp cận cái mới, phụ nữ cũng có thể làm chủ được tương lai của mình. Và hành trình "số hóa cuộc sống" dù giản dị, thầm lặng vẫn là một hành trình rất đỗi kiêu hãnh.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện của riêng chị Hải Yến hay khu Đép, hiệu ứng từ việc tiếp cận công nghệ và số hóa đang dần lan tỏa ra khắp các bản làng huyện Tân Sơn. Nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn học cách sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tham gia các lớp học online, hoặc tự giới thiệu sản phẩm nông sản sạch qua mạng xã hội.
Điều này không chỉ giúp chị em nâng cao thu nhập, giảm bớt sự lệ thuộc vào thời vụ nông nghiệp, mà còn làm thay đổi tư duy truyền thống: từ thụ động sang chủ động, từ e dè sang tự tin hội nhập. Trong bức tranh chung của nông thôn mới, sự chuyển mình âm thầm ấy của phụ nữ Tân Sơn đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển bền vững và từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa miền núi và miền xuôi.