Khi quán bar… nhờn luật

Nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi bán bóng cười, để khách sử dụng ma túy, kinh doanh quá giờ quy định… thế nhưng các quán bar trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tiếp vi phạm, bất chấp mọi lệnh xử phạt.

Đã đến lúc cần phải có biện pháp mạnh tay như thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa vĩnh viễn với các cơ sở sai phạm, quy trách nhiệm chính quyền địa phương để tránh tình trạng “nhờn luật”, gây bức xúc trong dư luận.

Liên tiếp vi phạm

Thời gian qua, lực lượng Công an ở Hà Nội liên tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí có sử dụng nhạc trên địa bàn với mục đích kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chủ cơ sở sử dụng khí cười N20. Tuy nhiên, dù liên tục kiểm tra, phát hiện và xử lý, song những vi phạm về bóng cười vẫn diễn ra nhộn nhịp trong một số quán bar, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Lực lượng chức năng lập biên bản với quán bar A Plus.

Lực lượng chức năng lập biên bản với quán bar A Plus.

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố về việc tăng cường kiểm tra xử lý tội phạm ma túy trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là chủ công phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Thành phố Hà Nội đã tiến hành đột kích, kiểm tra quán A Plus (địa chỉ 78 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội), qua đó phát hiện hàng chục “dân chơi” dương tính với ma túy.

Theo đó, khoảng 1h sáng 2/6, hàng loạt các mũi tấn công thuộc nhiều lực lượng của Công an thành phố đã tiến hành đột kích vào quán A Plus. Thời điểm kiểm tra, trong quán đang có 229 người gồm 173 khách và 56 nhân viên. Sau quá trình phân loại, lực lượng chức năng xác định 15 đối tượng dương tính với ma túy gồm 9 khách và 6 nhân viên. Ngoài ra, cơ quan Công an phát hiện, thu giữ một số bình khí không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bước đầu xác định, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác liên quan. Các đối tượng dương tính với ma túy đều khai nhận sử dụng từ trước, sau đó mới vào quán để nghe “nhạc mạnh” và “phê” ma túy.

Đây không phải là lần vi phạm đầu tiên của A Plus, bởi trước đó vào ngày 15/1/2024, đoàn công tác của phường Nguyễn Trung Trực đã tiến hành kiểm tra hoạt động của cơ sở này và phát hiện, A Plus đã thiếu nhiều loại giấy phép gồm: Giấy phép về môi trường, các hợp đồng thu gom rác thải với các đơn vị có đủ chức năng; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy; Giấy phép kinh doanh rượu; hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ rượu; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Đến ngày 17/1/2024, UBND phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội có Thông báo số 07/TB-UBND về việc “tạm dừng hoạt động đối với Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại Thịnh Vượng Phát tại địa chỉ 78 đường Yên Phụ”.

Sau khi bị đình chỉ khoảng 2 tháng, vào ngày 14/3, Tổ công tác của Công an quận Ba Đình và Công an phường Nguyễn Trung Trực đã kiểm tra đột xuất quán bar này và phát hiện hành vi: “Tổ chức các hình thức vui chơi giải trí ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày” quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 16 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa và Quảng cáo. Công an quận đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở trên với mức phạt tiền là 15 triệu đồng.

Tương tự với quán bar Heyo Club (57 Cửa Nam), cùng chủ đầu tư với quán bar A Plus, cũng là một quán bar có quá nhiều tai tiếng khi bị xử phạt hàng chục lần trong suốt quá trình hoạt động. Trong những đợt kiểm tra đột xuất, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều khách hàng của quán bar này dương tính với ma túy.

Cơ sở này đã bị xử phạt hành chính tới 23 lần trong suốt quá trình hoạt động với các vi phạm như trên, với số tiền phạt đã lên tới 600 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở này cũng có gặp một số khó khăn. Đơn cử như việc Heyo Club đón khách trong giờ quy định, nhưng khi qua thời gian hoạt động thì lại đổ trách nhiệm sang cho khách hàng… không chịu về.

Mặc dù liên tục bị xử phạt, bị kiểm tra đột xuất nhưng dường như cả A Plus và Heyo Club đều có dấu hiệu “nhờn” luật khi tiếp tục lặp lại các vi phạm đã bị xử lý. Qua tìm hiểu trên hệ thống dữ liệu doanh nghiệp, quán bar A Plus, Heyo Club thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại Thịnh Vượng Phát. Theo ngành nghề kinh doanh chính được cấp phép, công ty này cũng chỉ được phép kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động, không bao gồm kinh doanh dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cả A Plus và Heyo Club đều hoạt động như những quán bar nổi tiếng của Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Trước đó, thực hiện công tác quản lý địa bàn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 01/5, vào ngày 26/4/2024, Tổ công tác của Đội Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Ba Đình và Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra một quán bar trên phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh đang bán bóng cười cho khách sử dụng. Tổ công tác phát hiện 17 bình kim loại, trong đó có 04 bình chứa khí N2O dùng để bơm bóng. Đại diện cơ sở là ông T.V.Q cho biết số bình khí N2O trên là do ông mua trôi nổi trên thị trường về để bán cho khách.

Cũng qua công tác nắm tình hình, Công an phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phát hiện quán bar 1900 có địa chỉ tại số 8B Tạ Hiện, phường Hàng Buồm có biểu hiện kinh doanh bóng cười nên đã báo cáo Ban chỉ huy Công an quận chỉ đạo phối hợp với Đội cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra.

Để tiếp cận bên trong quán, trinh sát phải hóa trang thành “dân chơi”, từ đó ghi lại được hình ảnh các nam, nữ thanh niên vô tư sử dụng bóng cười dù đã được cảnh báo nhiều về mức độ nguy hại của loại khí N2O này.

Để phục vụ khách hàng thuận tiện, dễ dàng, quán bar này còn ngang nhiên để bình “khí cười” ngay tại quầy lễ tân để khi khách có nhu cầu là “bơm”. Từ những tư liệu có được, tối ngày 6/5, lực lượng Công an đã tổ chức kiểm tra quán bar 1900, qua đó phát hiện, thu giữ 1 bình “khí cười” và 100 vỏ bóng cao su chưa qua sử dụng. Thời điểm kiểm tra, nhiều khách hàng vẫn đang hít bóng cười. Được biết, giá bán mỗi quả “bóng cười” ở đây dao động từ khoảng 120.000-150.000 đồng/ quả.

Có dấu hiệu “bảo kê”, “nhờn luật”?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Việc kiểm tra vũ trường, quán bar của cơ quan Công an và Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp là công việc thường xuyên, liên tục mà cao điểm là vào thời điểm dịp lễ, tết. Các cuộc kiểm tra diễn ra khá giống nhau, có khác chăng là về số lượng người chơi bar ở mỗi tụ điểm. Đó là tầm khoảng nửa đêm về sáng, lực lượng phối hợp bất ngờ ập vào kiểm tra; thu giữ ma túy, lập biên bản vi phạm; đưa người về trụ sở xét nghiệm ma túy… Và kết quả lúc nào cũng có trên dưới 50% số người dương tính với ma túy; các lỗi vi phạm thường thấy là hoạt động không giấy phép và quá giờ quy định; bán rượu mạnh không phép; ánh sáng, âm thanh vượt mức cho phép; PCCC không đảm bảo; buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh…

Vào những ngày thường, Heyo Club vẫn sáng đèn sau 2 giờ đêm và nhiều khách hàng mới bắt đầu ra về.

Vào những ngày thường, Heyo Club vẫn sáng đèn sau 2 giờ đêm và nhiều khách hàng mới bắt đầu ra về.

“Các lỗi này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, cộng hết các khoản chỉ vài chục triệu đồng là cùng, chẳng đáng là bao so với lợi nhuận kếch sù mà những người chủ thu được. Một số vụ có xử lý hình sự nhưng chỉ là quản lý, nhân viên, khách chơi bị bắt quả tang khi tàng trữ, mua bán ma túy, còn người chủ thì tuyệt nhiên chẳng hề hấn gì. Rất ít khi mọi người nghe, đọc được thông tin có chủ quán bar, vũ trường nào đó bị khởi tố. Thế cho nên, việc bị kiểm tra và phạt vi phạm hành chính, các chủ quán bar coi như chuyện bình thường, không đáng để bận tâm. Bởi có phạt 1 lần hay hàng chục lần cũng như nhau cả, chỉ khác là tốn tiền nộp phạt nhiều hơn mà thôi. Tất cả các quán bar hiện nay ít thì vài lần, nhiều thì hơn 20 lần nhưng sau đó vẫn hoạt động, thách thức dư luận, thách thức chính quyền”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, những năm đầu của thế kỷ 21, khi Luật doanh nghiệp chưa ra đời, các quán bar, vũ trường rất dễ bị rút giấy phép khi để xảy ra vi phạm. Để tồn tại, người chủ mua chuộc cán bộ tha hóa ở các cơ quan công quyền để khi nào kiểm tra thì báo trước. Một số người chủ khác thì thuê đội quân xe ôm, túc trực ngày đêm trước Đoàn kiểm tra liên ngành, thấy ra quân là bám theo.

“Nếu Đoàn đi về hướng quán bar mình được nhờ theo dõi thì lập tức báo cho người chủ để tìm cách đối phó. Còn bây giờ, các chiêu đó không còn tồn tại, bởi chuyện bị phạt hành chính “rẻ” hơn rất nhiều so với phải đi thuê mướn, chạy chọt. Mặt khác, vì hoạt động không phép nên chủ quán bar còn gì đâu mà phải sợ… rút giấy phép!? Giới trẻ đi bar giờ cũng khác, nếu trước đây cứ hễ có đoàn kiểm tra là mạnh ai nấy chạy. Còn bây giờ họ cứ dửng dưng, thậm chí còn châm chọc người thi hành công vụ. Bởi ma túy mà họ đang sử dụng chỉ cần vứt xuống sàn là thoát tội. Còn có test nhanh phát hiện ma túy cũng chẳng có sao vì cùng lắm là bị phạt hành chính nếu như có nơi cư trú ổn định. Do vậy mà nhóm người vẫn còn tháo chạy là những kẻ “đầu trộm đuôi cướp”, tàng trữ ma túy trong người hoặc có hộ khẩu ngoài thành phố mà thôi”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án về tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng cao, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn thì:

Một là, đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thay thế Thông tư liên tịch số 17/2007 để có căn cứ pháp luật thống nhất. Cần hướng dẫn cụ thể về các khái niệm liên quan, dễ gây nhầm lẫn; bổ sung khái niệm “người thụ hưởng là người được tổ chức cho sử dụng trái phép chất ma túy mà không phải đóng góp công sức hoặc giá trị vật chất khác”. Cần quy định rõ hơn, đầy đủ hơn về hành vi “cung cấp chất ma túy” và xác định “bê đĩa ma túy đi mời người khác sử dụng” có phải là hành vi cung cấp chất ma túy hay không.

Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong nhóm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; bổ sung thêm yếu tố hành vi (trường hợp các đối tượng tổ chức sử dụng ma túy cho nhau mà không có người thụ hưởng) cũng được coi là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan y tế trong quá trình điều trị, theo dõi cắt cơn nghiện cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các loại ma túy mới, những biểu hiện nghiện của người sử dụng loại ma túy cụ thể để tổng hợp, phổ biến, bổ sung kiến thức cho cán bộ, công chức. Khi giải quyết án đòi hỏi Điều tra viên, Kiểm sát viên có tinh thần trách nhiệm cao, có kỹ năng làm việc tập thể khoa học, có khả năng tổng hợp, phân loại các đầu việc, phải tiến hành điều tra một cách nhịp nhàng thống nhất, không bị chồng chéo và phải đảm bảo tiến độ. Do đó, cần phải tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện kỹ năng giải quyết loại án này cho đội ngũ cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên.

Ba là, cần tăng cường công tác quản lý tại địa phương, buộc người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, công an địa bàn phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra tình hình tệ nạn ma túy phức tạp, kéo dài ở địa phương, địa bàn mình quản lý, phụ trách. Đồng thời, cần củng cố, xác lập ngay từ đầu, làm chặt chẽ để khởi tố tội “Tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/khi-quan-bar-nhon-luat-i734453/