Khi sinh viên làm gia sư
Theo lịch, 18h45, Trần Khánh Toàn lên xe để đi dạy học, cách nơi em ở gần 2km. Học trò của em là một học sinh lớp 6 ở địa bàn TP Thanh Hóa. Đây không phải lần đầu tiên Toàn đi làm gia sư. Công việc này, em đã tham gia từ 3 năm về trước, khi đó Toàn đang là sinh viên năm thứ 2, ngành y khoa - Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Giờ là sinh viên năm thứ 4, em vẫn tiếp tục vừa làm sinh viên vừa làm 'thầy giáo' dạy môn Toán.
Quê Toàn ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Các khoản chi phí: ăn, ở, điện, nước, tổng gần 4 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ của Toàn, có 2 lý do để em đi làm gia sư, đó là có thêm tiền để trang trải chi tiêu sinh hoạt đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp. “3 năm qua, em đã dạy cho học sinh từ tiểu học đến THCS. Thường thì phụ huynh của học sinh này lại giới thiệu em dạy thêm cho con của phụ huynh khác”.
Ngay từ năm thứ nhất, Đặng Thị Hồng Liên, hiện là sinh viên năm 4, lớp K22, Sư phạm Toán chất lượng cao, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Hồng Đức đã đi dạy cho học sinh THCS và THPT. Hiện Liên đang dạy cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 10 dưới hình thức 1 kèm 1 ở thành phố và 1 lớp gần 10 học sinh ở huyện Đông Sơn, quê của Liên. Có thời gian, Liên còn dạy kèm cho một số học sinh ở Trường Vinschool học hệ Cambridge (học song ngữ - dạy song ngữ). Một cuộc hành trình với sự nỗ lực lớn. Trên hết, đấy là sự tự tin vào chính năng lực của bản thân để Hồng Liên đi làm thầy ngay khi còn đang là sinh viên.
Làm gia sư, thuận có, khó cũng nhiều. Theo như chia sẻ của Hồng Liên, bản thân đi dạy để vừa có điều kiện trau dồi kiến thức vừa có thu nhập. Về phía phụ huynh, họ quan tâm và sát sao với việc học của con. Họ thường xuyên trao đổi với cô giáo về thông tin của con sau mỗi buổi học. Tuy nhiên, đối với những học sinh tiếp thu chậm, hổng kiến thức nên đòi hỏi gia sư phải luôn tìm tòi nhiều phương pháp học tập để học sinh tiếp cận dễ dàng hơn. Hồng Liên cho biết: “Đi làm gia sư không chỉ dạy kiến thức mà còn phải nắm bắt được tâm lý, hiểu hoàn cảnh từng em để cùng chia sẻ, động viên các em học tập tốt hơn…”.
Học và đi dạy, đôi khi như guồng quay. Với Liên, vẫn tràn đầy năng lượng. Theo Liên, làm gia sư không ảnh hưởng nhiều đến việc học, như em tâm sự: “Em cũng như nhiều bạn khi xác định đi làm gia sư thì phải biết phân bổ thời gian hợp lý. Hoàn thành xong buổi học trên trường thì mới nhận đi dạy. Bên cạnh đó, em cũng được chia sẻ kinh nghiệm của thầy, cô và các anh, chị khóa trước nên cũng rất tự tin với công việc này”.
Sinh viên đi làm gia sư, phần lớn đều cần đến sự kết nối từ các trung tâm gia sư. Nếu sinh viên có nhu cầu sẽ đến những trung tâm này để đăng ký. Từ những trung tâm này, phụ huynh thì tìm được thầy cho con và sinh viên thì được làm gia sư như mong muốn.
Tại Trung tâm gia sư thủ khoa Thanh Hóa (TP Thanh Hóa), trung bình 1 tháng có khoảng 100 sinh viên đến để đăng ký làm gia sư. Tuy nhiên, trong số đó chỉ khoảng 20% tìm được việc.
Từ Trường Đại học Hồng Đức, thầy giáo Lê Nam Dương, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài năng trẻ Khoa Khoa học tự nhiên cho hay: Hiện nay đối với sinh viên sư phạm nói riêng nhu cầu đi làm gia sư khá cao. Tuy nhiên, nếu được đi dạy, gia sư cũng đối diện với không ít khó khăn. Bởi khi đến làm việc với gia đình, nếu gia sư gặp được phụ huynh thân thiện, đối xử tốt thì không sao nhưng nếu gặp các phụ huynh không sát sao con cái, hoặc thông tin đến gia sư không đầy đủ về khả năng của con mình hoặc kỳ vọng quá cao vào năng lực của con sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch giảng dạy của gia sư, vì lẽ đó mà có trường hợp, phụ huynh sẽ thay gia sư hoặc gia sư đó xin nghỉ…”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/khi-sinh-vien-nbsp-lam-gia-su/26412.htm