Khi soạn thảo văn bản pháp luật, phải có tư duy thúc đẩy bảo vệ môi trường

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là rất cần thiết, song các chính sách, cơ chế phải cân bằng lợi ích và chi phí; đồng thời, khi soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật phải có tư duy thúc đẩy hành vi bảo vệ môi trường.

Đây là ý kiến nêu tại Hội thảo "Phát triển kinh tế, xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 17.11.

Đa dạng sinh học là nền tảng cho phát triển kinh tế

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Muốn vậy, phải duy trì tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7%, tuy nhiên giai đoạn 2021 - 2025 khó đạt, đồng nghĩa phải quyết tâm tăng trưởng cao hơn trong những năm tới. Điều này không chỉ là áp lực với chính tăng trưởng mà còn đặt ra áp lực với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Phát triển kinh tế luôn luôn gắn với vấn đề đa dạng sinh học, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định. Ông cho biết, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học rất cao. Diện tích đất tự nhiên nước ta chỉ bằng gần 1% lãnh thổ toàn cầu, nhưng số loài động vật chiếm tới hơn 10% và số loài đặc hữu chiếm hơn 40% cả ở trên cạn và ở biển. "Nếu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường thì nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học của chúng ta luôn được duy trì, bảo vệ tốt. Bảo vệ được môi trường cũng phục vụ cho phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Chính sự đa dạng sinh học sẽ là nền tảng cho việc phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”, ông Huỳnh nêu rõ.

Thực tế, Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn chiến lược phát triển bền vững, coi đây là nội dung, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Theo GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nước ta “đã phát triển tương đối hài hòa giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”. Song, vấn đề đặt ra là chúng ta đã đặt ra được chỉ tiêu gì cho việc bảo vệ môi trường? Đến nay, về kinh tế - xã hội đã có cơ sở dữ liệu tương đối tốt, tuy nhiên về bảo vệ môi trường lại chưa có cơ sở dữ liệu tốt, cũng chưa định ra được chỉ tiêu mang tính định lượng và đây là việc cần phải làm trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Quy định phải cân bằng lợi ích và chi phí

Phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm đa dạng sinh học được xác định là tất yếu để hướng tới phát triển bền vững, cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Theo các đại biểu tham dự hội thảo, để cụ thể hóa mục tiêu này, có nhiều việc phải làm.

Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng Quang cho rằng, trước tiên,cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường; hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước về môi trường (đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường…) để sàng lọc, lựa chọn dự án hạn chế công nghệ lạc hậu, xả thải theo đúng quy chuẩn… Cùng với đó, cần tăng cường giám sát, kiểm tra; có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật về môi trường.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến bảo vệ môi trường, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng thời lưu ý: “Khi soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật phải có tư duy thúc đẩy hành vi bảo vệ môi trường”. Cũng theo ông Hiếu, cần phải sòng phẳng rằng, bảo vệ môi trường không phải bằng mọi giá. Mọi chính sách, quy định, cơ chế phải cân bằng giữa lợi ích và chi phí. Theo đó, nếu quy định quá thiên về môi trường, tạo gánh nặng chi phí quá mức cần thiết sẽ tăng gánh nặng chi phí kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và hệ quả là sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Từ thực tế đó, ông đề nghị, cần ban hành quy định thúc đẩy hành vi sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững; nếu không thì cũng đừng gây khó khăn, tạo rào cản cho doanh nghiệp!

Khẳng định thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phải đặt ưu tiên hàng đầu về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, coi đó là một quyết sách phát triển, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ đề xuất, chúng ta buộc phải "hạch toán" vốn tự nhiên theo 3 phương diện là về số lượng, chất lượng; về lượng, giá, giá trị của đa dạng sinh học; vị trí cần phục hồi. Nếu chúng ta không thực hiện, sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, ông Thọ cảnh báo.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/khi-soan-thao-van-ban-phap-luat-phai-co-tu-duy-thuc-day-bao-ve-moi-truong-i350546/