Khi tạp chí văn nghệ địa phương 'hòa mạng 4.0'
Theo Quy hoạch Báo chí toàn quốc đến năm 2025, các tờ tạp chí văn nghệ là một trong 3 cơ quan báo chí của địa phương. Nhân dịp 21-6, những người làm báo văn nghệ địa phương cảm nhận và mong muốn điều gì trước thời đại 4.0 và tiến trình chuyển đổi số?
* Số hóa là xu thế tất yếu
Các tờ tạp chí văn nghệ là diễn đàn không thể thiếu của các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) địa phương. Các tờ báo (nay thống nhất là tạp chí) văn nghệ địa phương đều trải qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau và thường gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh của từng tỉnh, thành chứ không có một mô hình thống nhất trong toàn quốc. Song đa số các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn, thách thức bởi các giai đoạn “mở cửa” nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa... và hiện nay là kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Vì vậy, khi đề cập đến vấn đề này, rất nhiều lãnh đạo các tạp chí văn nghệ địa phương khẳng định: Đời sống số hóa nói chung, báo mạng nói riêng là điều tất yếu, một sự phát triển không thể khác được trong hiện tại và tương lai.
Được thưởng thức những tác phẩm lớn một cách sống động, trực quan, đặc biệt là những tác phẩm có giá trị về đất nước, con người Đồng Nai cũng là mong muốn chính đáng của nhân dân tỉnh nhà; đồng thời đây là một hình thức quảng bá các tác phẩm VHNT đến với công chúng mọi nơi - một “phương tiện” hội nhập và phát triển hữu hiệu.
Hầu hết các tạp chí đều có kế hoạch, hoặc đề án nhằm chuyển đổi số, hướng tới xây dựng những website chuyên nghiệp bên cạnh báo giấy để phục vụ tốt hơn cho hoạt động văn hóa văn nghệ địa phương, cũng như chuyển đổi cách làm báo cho phù hợp xu thế mới.
Hội VHNT tỉnh Tiền Giang đã có một website riêng dành cho tạp chí từ năm 2009; nhiều Hội VHNT địa phương của nhiều vùng miền trong cả nước - trong đó có Đồng Nai - đã có trang thông tin điện tử của Hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa có website hoặc trang thông tin điện tử như: Phú Yên, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó chủ tịch Liên hiệp VHNT TP.Đà Nẵng - Tổng biên tập Tạp chí Non Nước cho biết: Văn nghệ Đà Nẵng thực hiện song song hai hình thức làm báo, đó là tạp chí in và trang thông tin điện tử (và có thuận lợi là có người chuyên trách để làm trang này). Tuy nhiên, “thực hiện một website chuyên ngành về VHNT không đơn giản như làm báo in hoặc làm trang thông tin điện tử, vì cần có sự đầu tư lớn về công nghệ, kỹ thuật, về kinh phí, con người” - ông Nguyễn Nho Khiêm cho biết.
Tương tự vậy, Hội VHNT Đồng Nai hiện nay xuất bản tạp chí in 1 tháng/kỳ, cùng với hoạt động của trang thông tin điện tử với nhiều cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung. Ban Chấp hành Hội VHNT Đồng Nai có chung mong muốn xây dựng một website hiện đại, có nhiều tính năng để có thể giới thiệu thêm những tác phẩm lớn như: sân khấu, điện ảnh, khí nhạc của Hội trên website (trang thông tin điện tử khó thực hiện việc này).
* Đa dạng trong thực hiện
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm chia sẻ thêm về cách làm báo văn nghệ của TP.Đà Nẵng: “Tác phẩm in Tạp chí Non Nước sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử theo định kỳ báo in. Tuy nhiên, chúng tôi tận dụng các nền tảng số hiện có, nhất là các trang mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá cho tạp chí của địa phương mình, hiệu ứng khá tốt và tích cực”.
Nhà thơ Vũ Thanh Hoa, Trưởng ban Biên tập của Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ mong muốn có một trang thông tin điện tử, hoặc một website chính thức cho tạp chí văn nghệ của địa phương mình. Hiện tại, chị và một số hội viên của Hội sử dụng website cá nhân và trang Facebook để điểm báo, đăng tải sáng tác mới, cũng là nơi để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Theo nhà báo Cao Xuân Thu Ngọc, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Bạc Liêu; hoặc nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên... thì các cộng sự luôn cần mẫn đưa thông tin, giới thiệu tác giả - tác phẩm của từng kỳ xuất bản. Mỗi nơi một cách làm khác nhau, song các Hội VHNT địa phương luôn mong muốn đưa ấn phẩm của tạp chí văn nghệ mình thực hiện lên mạng, hòa với đời sống báo chí hết sức sôi động và hấp dẫn như hiện nay.
Đây là sự lựa chọn mang tính giải pháp tạm thời, song được nhiều nơi áp dụng vì các trang mạng xã hội có tính năng kết nối khá nhanh và hiệu quả. Nhà báo Cao Xuân Thu Ngọc chia sẻ: “Văn hóa Văn nghệ Bạc Liêu làm việc với phương châm cố gắng biến thách thức thành cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ của mình... Việc đưa sản phẩm lên mạng xã hội không chỉ thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, mà còn góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa văn nghệ địa phương và quảng bá cho ngành du lịch của tỉnh Bạc Liêu”.
* Phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng
“Làm báo mạng” văn nghệ trong điều kiện hiện tại gặp nhiều tình huống rất “văn nghệ”, khiến Ban biên tập nhiều phen cười ra nước mắt.
VHNT là sự đồng cảm, là sự khích lệ, là tình yêu thương nên sự trao truyền về văn hóa, về thái độ sống sẽ lan tỏa đến thế hệ trẻ. Nhờ kỷ nguyên công nghệ số, sự tác động, lan tỏa này sẽ nhanh hơn, mạnh mẽ và phong phú hơn gấp nhiều lần các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng trước đây.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nguyên Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ tỉnh Quảng Ninh kể rất nhiều tình huống khó xử: có khi hội viên, cộng tác viên vừa hoàn thành bài viết, gửi cho tòa soạn xong là đăng ngay lên Facebook cá nhân mà không có cách nào “hoãn được sự sung sướng” ấy cả. Việc chia sẻ vô tư, khen ngợi, động viên lẫn nhau trên mạng ảo dễ gây ảo tưởng về chất lượng tác phẩm, song nguy hiểm hơn là có khả năng “đạo văn” lẫn nhau một cách hồn nhiên, khó kiểm soát.
Theo nhà văn Vũ Thảo Ngọc, sự phát triển về công nghệ quá nhanh cũng không hoàn toàn phù hợp với đời sống văn hóa, văn nghệ chung của người Việt (vẫn nhiều người thích “đi chậm”, thích “truyền thống”). Vì vậy, đứng trước cơ hội hòa mạng 4.0, các báo, tạp chí văn nghệ không thể thực hiện một cách duy ý chí được.
Nhà thơ Vũ Thanh Hoa cho biết môi trường làm báo văn nghệ địa phương rất khác với làm báo thời sự chuyên nghiệp, vì phải hài hòa nhiều yếu tố để lựa chọn và đăng tải các sáng tác một cách hợp lý, hợp tình, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng.
Như vậy, các tờ tạp chí văn nghệ địa phương nhanh chóng chuyển đổi số và chiếm lĩnh không gian mạng không chỉ là bài toán về công nghệ. Khá nhiều tạp chí đang hoạt động trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, kiêm nhiệm về con người, khó khăn về tài chính... Có địa phương không duy trì được website, hoặc số lượng phát hành tạp chí như những năm trước đây chỉ vì... thiếu kinh phí. Một số nơi có điều kiện khá hơn, song cũng đang thận trọng vì một khi đã hòa mạng 4.0, thì tác phẩm sẽ ngay lập tức có mặt ở mọi nơi, chỉ sau một cú nhấp chuột, vì vậy, theo nhà thơ Vũ Thảo Ngọc: “Sản phẩm của chúng ta phải đạt quy chuẩn chung, bản sắc địa phương nhưng phải mang chất lượng toàn cầu...”.
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai nói về xu thế mới: “Máy tính chỉ là phương tiện... Chỉ người làm báo mới có khả năng phân biệt đúng, sai, đồng cảm, chia sẻ hạnh phúc, đau khổ, thất vọng hay hy vọng với con người”. Theo bà, người làm báo văn nghệ luôn phải cập nhật, bổ sung kiến thức, giữ cho mình một tâm hồn biết rung cảm trước cái đẹp, và dĩ nhiên, ngôn ngữ, cách viết phải giàu cảm xúc, nôm na là “có chất văn”.
Cũng từ góc nhìn của người làm báo, sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương chính là yếu tố quyết định cho sự phát triển của báo, tạp chí văn nghệ. Kèm theo đó, các cơ quan tạp chí cần xây dựng đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên có tay nghề, giàu kinh nghiệm, và cần cả xây dựng thế hệ bạn đọc trẻ. Họ sẽ là những người viết mới, đồng thời là chủ nhân của thế giới mạng trong tương lai.