Khi thầy cô đổi mới
Từ thay đổi nội dung tiết sinh hoạt chủ nhiệm đến chủ động tổ chức hoạt động giáo dục STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Mathematics - Toán), sự thay đổi của giáo viên đã khiến học sinh hào hứng hơn với mỗi tiết học.
Khi thầy cô đổi mới, học sinh sẽ có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân mình…
* Sinh hoạt lớp - thời gian để học sinh “tỏa sáng”
Tiết sinh hoạt chủ nhiệm của lớp 6/3 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa), thầy Nguyễn Viết Trung chỉ dành khoảng 15 phút đầu để giải quyết các công việc chung của lớp, 30 phút còn lại là thời gian để các học sinh được “tỏa sáng”.
Gần đây nhất, thầy đã cho 2 nhóm học sinh thuyết trình với 2 từ khóa “nói tục chửi thề” và “xin lỗi”. Với 2 từ khóa này, 2 nhóm thuyết trình đã nêu lên thực trạng của việc nói tục trong học sinh, những tác hại của việc nói tục, cách thức để hạn chế nói tục; ý nghĩa của việc nói lời xin lỗi, hình thành thói quen biết chủ động xin lỗi…
Sau khi học sinh thuyết trình, thầy cùng cả lớp bàn luận thêm về chủ đề này, sau đó lựa chọn một số giải pháp trong chính bài thuyết trình để trở thành nội quy của lớp và cam kết cùng nhau thực hiện.
Em Bùi Trần Nam Anh, người thuyết trình chủ đề “nói tục chửi thề” cho biết: “Em cảm thấy tiết sinh hoạt như vậy rất thú vị vì được gần gũi với các bạn trong lớp nhiều hơn, được nói ra suy nghĩ của bản thân. Tiết sinh hoạt như vậy đã giúp cho lớp đoàn kết và giúp thầy hiểu lớp hơn. Khi ý kiến, quan điểm trong bài thuyết trình của mình được thầy và các bạn tán thành, trở thành nội quy để cả lớp cùng thực hiện thì em cảm thấy rất vui thích, cảm thấy mình được tôn trọng”.
Từ năm học 2016-2017, với mong muốn tạo thêm sân chơi cho học sinh, giúp các em giảm bớt áp lực tâm lý, thầy Trung đã bắt đầu làm mới tiết sinh hoạt chủ nhiệm của mình. Theo đó, mỗi tuần thầy Trung sẽ thiết kế 1 hoạt động khác nhau để học sinh có dịp được bộc lộ tài năng, năng khiếu, sở trường, quan điểm… của bản thân. Có khi thầy tổ chức cho lớp vẽ tranh theo chủ đề, có khi là thuyết trình về nội dung của một cuốn sách, có khi là thuyết trình về một vấn đề đang được xã hội quan tâm, có khi là nói lên những tâm tư gửi gắm đến cha mẹ, thầy cô…
Thông thường, thầy Trung sẽ thông báo về chủ đề, hoạt động của tiết sinh hoạt chủ nhiệm trước 1 tuần để cả lớp cùng chuẩn bị. Nội dung, chủ đề được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi, tình hình lớp.
“Tôi muốn tiết sinh hoạt lớp phải là khoảng thời gian nhẹ nhàng, thoải mái, thư giãn chứ không phải là thời gian để thầy cô la rầy học sinh. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy mỗi học sinh có một khả năng, sở trường riêng nhưng lại không có cơ hội để bộc lộ. Vì vậy, các hoạt động trong tiết sinh hoạt lớp sẽ giúp các em thể hiện mình; những học sinh nhút nhát sẽ bớt rụt rè hơn, có cơ hội để giao lưu với bạn bè nhiều hơn”.
Thực tế, nhờ những tiết sinh hoạt như vậy, các lớp do thầy Trung chủ nhiệm trở nên đoàn kết, cởi mở với nhau hơn. Phụ huynh cũng vui mừng và tin tưởng khi thấy con cái họ có sự tiến bộ. Nhờ đó, sự kết nối giữa thầy - trò - gia đình được thuận lợi hơn.
* Vui với trải nghiệm STEM
Học kỳ 1 vừa qua, học sinh khối 8 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) đã có một trải nghiệm thú vị khi tự tay làm được những “cánh tay robot” có thể gắp và di chuyển “hàng hóa” từ nơi này đến nơi khác. Đó cũng chính là chủ đề của hoạt động STEM trong môn Công nghệ do cô Lê Bá Mỹ Lệ thiết kế.
Theo đó, với chủ đề Truyền và biến đổi chuyển động môn Công nghệ 8, tập 1, cô Lệ đã thiết kế nội dung STEM “cánh tay robot”. Trong đó, yêu cầu học sinh làm mô hình cánh tay robot có thể hoạt động nhờ thủy lực, nâng được vật từ vị trí này sang vị trí khác. Học sinh có thể lên mạng tham khảo và làm giống như những cánh tay robot trên mạng. Mục đích của hoạt động này là giúp học sinh có nhận thức ban đầu về “truyền và biến đổi chuyển động”.
Sau 4 tiết làm việc nhóm, các nhóm có buổi “trình làng” sản phẩm. Cấu tạo mô hình cánh tay robot của mỗi nhóm mỗi khác nhau nhưng điểm chung là đều làm từ vật liệu giấy carton. Có nhóm vận dụng thêm kiến thức vật lý nên mô hình hoạt động tốt, có nhóm làm chưa được như ý… nhưng tiết học đều rất sôi nổi, hào hứng. Kết quả đánh giá được dùng làm bài kiểm tra định kỳ (hệ số 1). Cuối học kỳ 1, khi môn Công nghệ được phép thi thực hành thay cho lý thuyết, cô Lệ lại cho các nhóm lấy cánh tay robot ra “thi đấu” để lấy điểm cuối học kỳ I.
Kể về “hành trình” làm dự án STEM, cô Lệ cho biết, vào đầu năm học, khi làm kế hoạch giảng dạy, cô đã đưa nội dung này vào kế hoạch. Đây cũng là lần đầu tiên cô Lệ bắt tay vào thực hành “dạy STEM”. Trước đó, cô đã được tham dự tập huấn về dạy học STEM nhưng thời gian tập huấn ngắn, lại ít được thực hành nên chưa “ngấm”.
“Chủ đề STEM “cánh tay robot” thì nhiều đồng nghiệp đã làm và chia sẻ trên mạng nhưng lại không có giáo án, cũng không có ai chia sẻ các bước tiến hành chủ đề STEM này. Vì vậy, bản thân tôi phải tự mày mò, thiết kế giáo án. Hai tuần trước khi cho học sinh làm thì tôi mới soạn xong giáo án. Đúng là có bắt tay vào làm thực tế thì mới vỡ ra nhiều thứ nhưng cũng nhờ đó mà tôi rút ra được bài học kinh nghiệm. Nếu năm sau tiếp tục làm dự án STEM thì tôi tin rằng mình sẽ làm tốt hơn” - cô Lệ cho hay.
Tuy có nhiều thu hoạch tốt nhưng từ thực tế triển khai dạy học STEM, cô Lệ cũng nhận ra nhiều khó khăn cần khắc phục. Đó là vẫn còn nhiều học sinh bị động, không hào hứng tham gia hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm. Nguyên nhân có thể là do từ trước đến nay các em chỉ quen học “lý thuyết suông” mà ít tham gia hoạt động trải nghiệm nên không quen với cách thực hành, làm việc nhóm…
Mặt khác, một số phụ huynh không hài lòng khi con cái phải tham gia làm việc nhóm nhiều mà không thấy được hiệu quả rõ ràng của cách học này. Đó cũng chính là những rào cản mà cô Lệ cùng đồng nghiệp sẽ phải vượt qua nếu muốn tổ chức được hoạt động giáo dục STEM thành công hơn ở những năm học tiếp theo.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202102/khi-thay-co-doi-moi-3042079/