Khi thầy cô không còn là… 'mẹ hiền'?
Người Việt từ bao đời vốn có truyền thống tôn sư, trọng đạo - người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò mình bằng chính cái tâm yêu thương của đạo làm thầy! Dù thời gian có nhiều thay đổi, dù những vụ bạo hành trò đã thường xuyên xảy ra trong nhà trường, bởi không ít người thầy đã đi chệch 'đường ray làm thầy'… Nhưng người thầy tận tâm sẽ bằng nhiều cách khác nhau để chạm tới những khát vọng và những điều đẹp đẽ trong cuộc đời…
Không thể biện minh cho những xấu xí
Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh một thầy giáo có hành vi bạo lực với nhóm 4 học sinh đang được lan truyền trên mạng. Vụ việc xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Theo đoạn clip ghi lại, các nam sinh bị gọi lên bục giảng vì vi phạm nội quy. Thay vì nhắc nhở các học sinh thì thầy giáo liên tục tát mạnh vào mặt 4 nam sinh. Có em đứng không vững sau cú tát. Không chỉ vậy, thầy giáo này còn ra chân đá mạnh vào ngực nam sinh mặc áo trắng khiến em này ngã ngửa về phía bục giảng…
Được biết, 4 nam sinh này bị thầy giáo H. gọi lên bục giảng vì phạm lỗi mặc quần bò và nhuộm tóc màu khi đến lớp. Đây là những lỗi mà các trường học thường cấm học trò của mình.Thay vì chỉ ra lỗi vi phạm, nhắc nhở nghiêm khắc để các em thay đổi, chỉnh đốn lại trang phục, đầu tóc theo đúng quy định nhà trường thì thầy giáo này lại có cách hành xử phi giáo dục.
Trước đó là những vụ việc từng gây chấn động như cô giáo bắt học sinh tự tát 50 cái, dùng thước đánh học sinh bầm lưng vì làm sai bài tập, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, sỉ mắng học trò... Điều đáng buồn là những “ác mẫu” trên bục giảng lại đang xuất hiện ngày càng nhiều bất chấp sự bức xúc của phụ huynh học sinh, sự lên án của dư luận xã hội và cả những chế tài khá nghiêm khắc đã được quy định trong Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Những tấm gương tày liếp trong ngành bị xử lý với đủ các hình thức, nhẹ thì đình chỉ, thuyên chuyển công tác, nặng thì sa thải, thậm chí bị khởi tố liên quan đến hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học dường như vẫn không đủ sức cảnh tỉnh, răn đe đối với nhiều thầy-cô giáo.
Bằng chứng là cuối tháng 11/2018, Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Phương Thủy (giáo viên Trường THCS Duy Ninh) về hành vi hành hạ người khác. Cô giáo Thủy chính là người đã yêu cầu 23 em học sinh lớp mình chủ nhiệm phải tát một học sinh khác (mỗi em tát 10 cái) chỉ vì em này nói tục.
Khi dư luận còn đang sục sôi bức xúc về vụ việc này thì cũng tại tỉnh Quảng Bình, vào cuối tháng 12/2018, một nữ giáo viên khác ở trường Tiểu học Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) đã thẳng tay tát một em học sinh lớp 2 hai cái chỉ bởi em này… làm nhầm đề kiểm tra. Cũng trong tháng 12/2018, tại thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), một nữ giáo viên dạy lớp 4 cũng bị phụ huynh tố cáo dùng vật cứng đánh con họ bầm tím mông; một nữ giáo viên tiểu học ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) thì dùng thước đánh bầm tím người một học sinh lớp 1…
Ở góc độ người trong cuộc, một cô giáo Tiểu học trước khi về hưu chia sẻ: Tôi đi dạy, trong giỏ có nhiều thứ: băng dán cá nhân, dầu gió, kim chỉ. Trong lớp luôn có mấy bộ quần áo, khăn giấy, hộp đa năng (đựng giấy nhãn, viết chì, viết mực, tấy, thước…) dùng cho học sinh khi cần. Chuyện học sinh gặp sự cố, ói, bị thương, đi trong quần, phải tắm rửa, giặt quần áo dơ là chuyện thường. Rồi học sinh ăn uống đổ trong lớp, dọn cũng thường. Cực quá, nhiều khi cũng lớn tiếng vài câu, có gì quá đáng? Rồi có người thầy già, dạy tận tâm đến mức mang cái mùng vô lớp, dạy học trò xếp mùng... Thỉnh thoảng có một vài giáo viên phạm lỗi, lập tức bị mọi người đánh giá hết thảy người làm nghề giáo, có công bằng không?
“Tôi là cô giáo mầm non ở một trường công lập ở Hà Nội. Người ta bảo cô giáo mầm non luôn có “ba đầu bảy tay”. Tôi không dám nghĩ mình hoàn hảo nhưng luôn cố gắng làm tròn vai người mẹ thứ hai đối với các con. Tôi cùng hai cô giáo khác trông lớp các bé 3 tuổi. Phần lớn trẻ mới đến lớp nên quấy khóc, nhớ mẹ, từ ăn uống đến vệ sinh đều phải phụ thuộc cô… Thật may, phụ huynh rất tin tưởng tôi, các con cũng yêu quý tôi và tôi vui vì điều đó”...
PGS. TS Lê Thị Thu Hiền, khoa Sư Phạm, Đại học Giáo Dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Đa số giáo viên bây giờ phải “tải” một lớp học từ 45 - 60 học sinh. Chúng ta đòi hỏi cô giáo của một lớp đông học sinh như vậy là người “mẹ hiền”, có phải là quá đáng không? Tôi nghĩ không có gì quá đáng. Bởi được đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ “trồng người”, chắc hẳn thầy cô ý thức được thiên chức của một người làm công việc cao cả này. Vì thế, giáo viên phải sẵn lòng yêu trẻ. Từ đó, cô giáo phải như “mẹ hiền”, thậm chí hơn cả “mẹ hiền” vì mỗi người mẹ chỉ quản lý khoảng 2 đến 3 đứa con nhưng cô giáo có tới 30 - 40 đứa trẻ trong lớp học”.
Có thể nói, thầy cô cũng đều là những con người bình thường, có buồn vui, cáu giận, có những áp lực từ nhiều phía… Nhưng trên hết, nếu xuất phát từ những yêu thương, người thầy dù quát mắng hay răn dạy học trò, cũng sẽ luôn có những hành xử xuất phát từ yêu thương, chứ không phải là phản giáo dục. Bởi điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim, và sẽ theo mỗi người tới suốt cuộc đơì̀, khi thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người… Cái roi của thầy cô chỉ có giá trị khi được đền đáp bởi những yêu thương của học trò mà thôi, không phải là những “vết sẹo” hay ký ức buồn trong thời hoa niên…
Và “cổ tích” thời nay…
Trong lễ tuyên dương học sinh THPT đoạt giải Olympic quốc tế năm 2020 vừa qua, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Thu Nga (sinh năm 2004) gây ấn tượng với đôi mắt rất sáng. Đặc biệt, câu chuyện đẹp về tình thầy trò giữa Nga và “người mẹ thứ hai” vô cùng xúc động…
Thu Nga có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn nỗ lực trong học tập, xuất sắc đoạt giải Khuyến khích tại Olympic Sinh học quốc tế năm 2020 khi đang học lớp 11. “Đây là món quà em muốn dành cho mẹ và cô giáo, hai người vất vả bao năm để chăm sóc và nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa con”, Nga tâm sự.
Gia đình Nga là hộ nghèo ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Bố Nga mất sớm vì đột quỵ, mẹ của Nga phải nuôi ba chị em ăn học và phụng dưỡng bà ngoại. Với đồng lương công nhân ít ỏi, khoảng 4 triệu đồng/tháng, mẹ con Nga rau cháo nuôi nhau trong căn nhà cấp 4 trống tuềnh toàng.
Suốt những năm học THCS, Thu Nga đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Đặc biệt, năm lớp 9, em giành giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Hùng Vương. Trong kỳ thi Olympic quốc tế môn Sinh học năm 2020, Nga nhận được bằng khen của ban tổ chức (tương đương giải Khuyến khích).
Tuy không phải là người sinh thành và nuôi nấng Nga từ bé, nhưng cô Vũ Thị Hạnh (giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương) là người phát hiện, bồi dưỡng tố chất thiên phú của Nga ở môn Sinh học. Cơ duyên để hai cô trò biết nhau là khi Nga đoạt giải nhất toàn tỉnh môn Sinh, được tuyển vào trường chuyên Hùng Vương. Tuy nhiên trong ngày nhập học em không xuất hiện.
Câu chuyện về một học sinh từ chối cơ hội học trường chuyên gây xôn xao trong trường. Dù không quen biết nhưng không hiểu điều gì đó cứ thúc ép cô Vũ Thị Hạnh quyết tâm tìm hiểu lý do từ chối học của cô học trò kia.
Về quê của Nga ở huyện Lâm Thao, cô Hạnh được các thầy cô trong trường THCS kể về niềm đam mê với môn Sinh học của Nga. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không thể đến học trường chuyên. Câu chuyện khiến cô Hạnh động lòng trắc ẩn và đồng cảm với hoàn cảnh của mẹ con Nga. Cô thuyết phục Nga chuyển về nhà cô ở, tiện theo học tại trường THPT chuyên Hùng Vương.
“Tôi chỉ nói với em nếu có khó khăn gì không ở được trường thì về nhà cô, ở với cô. Ngày đầu đón Nga về, tôi chỉ nói với các con mình và tạm giấu gia đình nội, ngoại. Hơn hai năm qua tôi như có thêm một đứa con. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy. Tôi nghĩ đơn giản chia sẻ được với ai đó cũng là hạnh phúc”, cô Hạnh tâm sự.
Vào lớp 10, cô Hạnh bố trí cho Nga học lớp bồi dưỡng cùng những bạn chuẩn bị lên lớp 12. Tuy chưa được học kiến thức mới ở bậc THPT nhưng Nga tiếp thu nhanh, có trí nhớ rất tốt. Cô giao cho Nga tài liệu, yêu cầu trong ba ngày phải đọc và viết những gì hiểu được ra vở.
Rồi Nga được cô giao tiếp cận luôn đề thi quốc tế và bắt đầu làm từ cao xuống thấp, mắc ở đâu giải quyết ở đó. Cô và trò cứ như vậy, miệt mài “lội ngược dòng” với thời gian học hơn 10 tiếng/ngày.
Tương lai, Nga lựa chọn theo học Đại học Y Hà Nội. Hiện Nga đủ điều kiện để được tuyển thẳng vào trường nhưng em sẽ bảo lưu kết quả này để tập trung ôn luyện cho kỳ thi Olympic Sinh học 2021 và hoàn thành chương trình học lớp 12. Nga mong muốn trở thành bác sĩ giỏi, với ước mơ chữa bệnh cho mọi người, trong đó có bệnh đau dạ dày của mẹ và bệnh đau đầu của cô giáo, người mẹ hiền thứ hai của em…
Có thể, trong cuộc đời, không phải ai cũng có may mắn gặp những thầy cô tuyệt vời, nhưng trái tim người thầy sẽ nuôi dưỡng mỗi con người trưởng thành với những đam mê, khát vọng và yêu thương. Và khi đó, người thầy, sẽ mãi là người mẹ hiền thứ hai mà mỗi chúng ta sẽ trân quý, nâng niu! Cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp khi chúng ta có đủ yêu thương và những điều đẹp đẽ như thế…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/khi-thay-co-khong-con-la-me-hien-589165.html